Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhà văn nói gì khi dự giờ giáo viên dạy tác phẩm của mình?

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề dạy học môn ngữ văn cho giáo viên THPT trên địa bàn thành phố. Chuyên đề được thực hiện tại Trường THPT Việt Đức và truyền trực tuyến tới 260 trường qua zoom. Nội dung buổi sinh hoạt gồm giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Việt Đức dạy 1 tiết đọc hiểu truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, sau đó trao đổi về công tác dạy học ngữ văn theo yêu cầu mới nhân tiết dạy thử nghiệm. Đặc biệt, tôi đã mời Đại tá, nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh – tác giả truyện ngắn được dạy cùng tôi đến dự buổi sinh hoạt chuyên đề này.

Sau tiết dạy, nhà văn Sương Nguyệt Minh có ý kiến với các giáo viên như sau: “Tôi rất hạnh phúc khi được dự chuyên đề giáo viên dạy tác phẩm của mình. Khi viết truyện, tôi không bao giờ nghĩ tác phẩm của mình có ngày lại vào sách giáo khoa ngữ văn cho học sinh học. Trước đây chỉ có những nhà văn cỡ “cây đa cây đề” mới được vào sách giáo khoa, nay sách ngữ văn mới chú ý đưa khá nhiều nhà văn thời hiện đại, đương thời vào dạy trong nhà trường là một thay đổi rất lớn. Dự xong giờ dạy, nhìn chung tôi thấy giáo viên đã giúp học sinh khám phá và hiểu đúng thông điệp nội dung tư tưởng của truyện thông qua đặc điểm của thể loại truyện ngắn hiện đại. Tôi cũng thấy cách dạy văn ngày nay rất khác ngày trước. Trước đây, thời tôi đi học, trong giờ văn chủ yếu là thầy cô nói, giảng cho chúng tôi nghe, thỉnh thoảng thầy cô cũng có nêu câu hỏi và tôi bao giờ cũng là người được chỉ định trả lời… Bây giờ tôi thấy trong giờ văn, học sinh được làm việc nhiều, thảo luận, tương tác với nhau, với thầy cô, biết nêu thắc mắc, phản biện và nêu ý kiến của cá nhân… Đây cũng là một thay đổi rất lớn và rất tốt, rất đúng yêu cầu tiếp nhận tác phẩm văn học. Tôi chỉ đề nghị các thầy cô chú ý hơn việc khai thác ngôn ngữ văn chương của truyện. Tôi có được mời dạy cho các học viên trường viết văn, tôi thấy nhiều học viên chưa nắm được đặc điểm các thể loại văn học: Truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, thơ, kịch bản văn học… Tôi nghĩ nếu trong nhà trường phổ thông dạy cho học sinh nắm được đặc điểm các thể loại như hôm nay thì không chỉ học sinh đọc hiểu tốt các tác phẩm văn học mà sau này nếu trở thành nhà văn viết văn cũng tốt hơn…”.

Về phần mình, tôi cho rằng những ý kiến trên của nhà văn Sương Nguyệt Minh là sự khẳng định hướng đi đúng đắn của chương trình và sách giáo khoa ngữ văn mới. Tôi chỉ nói thêm với các giáo viên rằng: Thầy cô đã hiểu rất đúng những yêu cầu đổi mới dạy học ngữ văn theo chương trình 2018, nhận xét rất đúng những ưu điểm và những gì cần bổ sung sau giờ dạy của giáo viên thực hiện chuyên đề…

PGS.TS Đ Ngc Thng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)