Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà văn nữ thế hệ 7X: Bài cuối: Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: “Tôi là người bán chữ chuyên nghiệp”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh (ảnh nhân vật cung cấp)

Nếu như văn chương là những phút trải lòng thì công việc viết kịch bản mang lại một mức thu nhập khá. Tự nhận mình hơi… “thực dụng” khi lấn sân sang lĩnh vực viết kịch bản phim truyền hình, nhưng đam mê văn chương trong nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh chưa bao giờ tắt khi tiểu thuyết của chị đều đặn góp mặt trên văn đàn.
Nhắc đến Hồng Hạnh, người ta vẫn thường gọi vui chị là người phụ nữ đa năng khi ôm đồm rất nhiều công việc: nhà văn, nhà báo kiêm nhà viết kịch bản phim truyền hình. Đặc biệt, “nhà” nào thì chị cũng tạo được những thành công nhất định.
Người phụ nữ đa năng
Lớn lên tại Sóc Trăng trong một gia đình làm nông và đông con, từ nhỏ Hồng Hạnh mơ ước trở thành một bác sĩ chứ không phải một nhà văn. Nhưng rồi giấc mơ đành gác lại khi biết gia đình sẽ không có khả năng để chị đeo đuổi giấc mơ của mình, Hồng Hạnh quyết định thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả thi, chị được nhận mức học bổng 100%. Nhà nghèo, học bổng 54.900 đồng/tháng lúc ấy khiến cho gánh nặng học tập của Hồng Hạnh phần nào được san sẻ. Mê trở thành bác sĩ và cũng… mê văn chương từ nhỏ, chị tìm đến các tiệm ve chai hỏi mua sách về đọc. Những trang sách chắp vá, rách rưới, cũ mèm thuở ấy kịp để lại trong lòng Hồng Hạnh những ấn tượng sâu đậm về cuộc sống và chị biết day dứt khi đọc xong một tác phẩm. Sự day dứt ấy khiến Hồng Hạnh cầm bút, viết như một cách trải lòng, bày tỏ những suy nghĩ của mình. Những trang viết “linh tinh” mỗi ngày một dày và khả năng văn chương mỗi ngày một chín muồi theo tủ sách ve chai của chị. Lớp 10, truyện ngắn đầu tay được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Sóc Trăng, vỡ òa trong Hồng Hạnh một niềm vui, chị… ngộ ra, viết là công việc vừa được nói vừa… có thêm thu nhập. Từ đó, cái tên Hồng Hạnh trở nên quen thuộc với độc giả yêu văn chương. Không dừng lại đó, chị khá có duyên với những giải thưởng liên quan đến chữ nghĩa khi liên tục đạt được các giải thưởng như giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3, giải nhất cuộc thi sáng tác truyện mini Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Sài Gòn-TP.HCM do Tạp chí Du Lịch TP.HCM tổ chức… Để rồi, chị tiếp tục khẳng định mình với những Chuyện của nhóc Bill, Quái vật, Thở sâu
Những năm gần đây, Hồng Hạnh còn lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh bằng công việc viết kịch bản phim truyền hình. Từ Mùa hè sôi động, Tình ca phố đến Xúc xắc mùa thu khi công chiếu nhận được nhiều lời khen ngợi. Hiện tại, Hồng Hạnh bận rộn với tiểu thuyết Hố đen cùng hai kịch bản phim truyền hình Sự thật vô hìnhNắng xanh. Hỏi Hồng Hạnh vì sao lại có bước lấn sân như vậy, chị cho biết: “Động lực để một người đến với văn chương, dù chỉ đọc hay sáng tác là vì họ muốn tìm sự đồng cảm với tâm hồn mình cũng như thể hiện nguyện vọng, tâm tư của mình thông qua tác phẩm. Tôi viết kịch bản là muốn tìm đến với một công chúng mới, thuộc một loại hình nghệ thuật mới. Bên cạnh đó, viết kịch bản cũng giúp mình có được thu nhập khá hơn”.
May mắn khi có người chồng biết sẻ chia
Nhìn những thành quả của Hồng Hạnh, ai cũng nghĩ chị là một người bận rộn quá mức. Hồng Hạnh chia sẻ bí quyết làm việc của mình chính ở sự nguyên tắc, biết tổ chức và lên kế hoạch. “Và trên hết là thái độ làm việc chuyên cần, sự tập trung cao độ trong công việc. Tôi từ nhỏ đã học cách tập trung khi ngồi xếp các que diêm và đếm số thứ tự của chúng giữa một không gian ồn ào, náo nhiệt”, Hồng Hạnh cho biết. Đọc các tác phẩm của nhà văn Hồng Hạnh, thấy ở đó là hành trình đi tìm bình quyền của người phụ nữ. Sự bình quyền rất đời, rất bình thường khi các nhân vật nữ của chị luôn hướng đến sự cân bằng trong quan hệ giữa mình với người khác, nhất là với nửa kia của cuộc đời. Những người phụ nữ ấy luôn biết cách tự thương mình, sống cho mình và không phụ thuộc vào người khác. “Cơ duyên” để Hồng Hạnh hướng đến mảng đề tài này, theo chị kể, bắt nguồn từ sự mỏi mòn, nhẫn nhịn của người chị gái khi biết chồng phụ bạc. Cả những người phụ nữ trong cuộc đời, họ không nhìn thấy giá trị của mình, để rồi sống một cuộc đời lệ thuộc, chỉ biết đau khổ, khóc cười theo với người đàn ông của mình… Hồng Hạnh cho rằng mình may mắn khi không phải trải nghiệm niềm đớn đau ấy, bởi thành công chị có hôm nay, một phần ở sự thương yêu, hết lòng san sẻ của chồng – anh Nguyễn Công Vinh. Sau khi tốt nghiệp ngữ văn, chị trở thành cô giáo. Qua sáu năm dạy học, chị lập gia đình và chuyển về TP.HCM làm báo. Hiện tại, công việc chính của Hồng Hạnh là phóng viên Ban Văn hóa văn nghệ của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Là một phụ nữ đa năng, để rồi Hồng Hạnh tự thấy mình không phải là người vợ tốt khi không đủ thời gian để chu toàn trách nhiệm với gia đình. Nói về người đàn ông của mình, Hồng Hạnh cho biết: “Anh là một người chồng bao dung và chịu… hy sinh vì vợ, tôi may mắn có được một người chồng biết cảm thông, san sẻ khi “gánh” cả những việc vốn chỉ dành cho người vợ”. Hạnh phúc là vậy, nhưng quan niệm về hạnh phúc gia đình, Hồng Hạnh vẫn có một cái nhìn khác. Chị cho hay, hạnh phúc là một cái chăn hẹp chỉ đủ đắp cho hai người. Nếu vợ chồng nhường nhau, mỗi người biết co lại một chút hẳn sẽ thấy ấm và đủ ấm cho cả hai. Còn nếu dù chỉ một trong hai người buông tay không co nữa, khi ấy hạnh phúc ắt sẽ không còn…
Bài, ảnh: Tuyết Dân

“Đừng nhắc tôi là một nhà văn, nhà báo hay nhà biên kịch mà hãy nhắc tôi là người làm việc có trách nhiệm, sống biết điều và… sòng phẳng. Trên con đường đi tìm “thương hiệu” của một cá nhân, tôi chỉ là người bán chữ chuyên nghiệp. Chỉ có vậy!” – nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

 

Bình luận (0)