Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Đọc sách vì tương lai” với học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình trong Ngày hội đọc sách do quận Tân Bình tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 (21-4-2024) sáng 15-4, nhà văn, diễn giả Phạm Minh Mẫn cho biết, nhiều bạn trẻ khi đi xin việc rớt từ vòng phỏng vấn do diễn đạt kém vì không có thói quen đọc sách…
UBND quận Tân Bình tổ chức ký kết phối hợp triển khai chương trình giáo dục truyền thông về văn hóa đọc năm 2024
“Hiện nay công tác tuyển dụng đã khác xưa. Nhà tuyển dụng không đỏi hỏi cao về kiến thức chuyên ngành vì những điều này đã thể hiện hết trong hồ sơ của các em, thay vào đó đòi hỏi từ 70%-80% kỹ năng mềm nhưng giao tiếp, giải quyết vấn đề… Thực tế, nhiều bạn trẻ khi xin việc thì đã rớt ngay từ vòng phỏng vấn vì diễn đạt kém. Để hình thành nên những kỹ năng này bắt đầu từ việc xem trọng văn hóa đọc. Nhưng không phải là việc bạn đọc bao nhiêu cuốn mà là đọc xong cuốn sách có đọng lại gì trong các bạn không. Hình thành tư duy ứng xử sau khi đọc xong cuốn sách” – nhà văn Phạm Minh Mẫn nêu rõ.
Từ thực tế đó, ông cảnh báo học sinh không nên nghĩ rằng chỉ có theo các ngành nghề liên quan đến xã hội mới cần phải đọc nhiều sách, còn theo các lĩnh vực tự nhiên thì không cần thiết. Bởi đây là quan điểm sai lầm. Mọi ngành nghề đều đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, diễn đạt. Các kỹ năng này lại được hình thành từ thói quen đọc sách hàng ngày.
Nhà văn Phạm Minh Mẫn chia sẻ với học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình với chuyên đề "Đọc sách vì tương lai"
Để hình thành phương pháp đọc hiệu quả, nhà văn Phạm Minh Mẫn khuyên mỗi học sinh cần phải bắt đầu bằng câu hỏi là tại sao mình chọn cuốn sách đó, chứ đừng bắt đầu cuốn sách bởi cuốn đó đang hot trend, mọi người đọc thì mình cũng phải đọc…
“Các em khoan hãy mua sách vì bìa, tựa, mà phải xem cuốn sách đó có hợp với mình không… Sách có rất nhiều thể loại. Quan trọng là đọc xong cuốn sách đó các em cảm thấy yêu đời, nhẹ nhàng. Như vậy là đã bước đầu tiếp cận với văn hoá đọc”.
Học sinh thích thú đổi sách lấy cây trong ngày hội
Ngày hội đọc sách, nói chuyện chuyên đề “Đọc sách vì tương lai” hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 do Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể Thao, Quận Đoàn, UBND phường 9, UBND phường 13 và Trường THPT Nguyễn Thái Bình tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Hoạt động nhằm xây dựng thói quen đọc sách lành mạnh đến nhiều đối tượng trên địa bàn quận thông qua các hoạt động tổ chức đọc sách với nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền băng rôn tại các tuyến đường trên địa bàn quận; Triển lãm ảnh đường phố; Trưng bày triển lãm các tư liệu về văn hóa Hồ Chí Minh và phục vụ sách tại chỗ, đọc sách điện tử qua mã QR; Triển lãm ảnh lưu động chủ đề “Văn hóa đọc – Tư duy và nhận thức”; Ra mắt, lan tỏa không gian văn hóa đọc trên địa bàn quận; Hội sách học đường; Không gian đổi sách nhận quà; Nói chuyện chuyên đề “Đọc sách vì tương lai” cùng nhà văn, diễn giả Phạm Minh Mẫn…
Hoạt động triển lãm, giới thiệu sách trong ngày hội được học sinh quan tâm
Bà Lê Thị Thu Sương – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình nhấn mạnh, văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Do vậy, ngày hội là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị và khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội hiện đại. Thông qua ngày hội sẽ giúp chúng ta, nhất là học sinh thêm niềm yêu thích sách, tôn vinh văn hóa đọc, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.
Nhiều học sinh đặt các quan tâm đến diễn giả trong ngày hội đọc sách
Thời gian qua công tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường luôn được Trường THPT Nguyễn Thái Bình quan tâm, chú trọng. Không chỉ làm mới các hoạt động thư viện, đưa thư viện đến gần với học sinh qua chuyên đề, tiết học ở thư viện, hoạt động giới thiệu sách mà khuyến khích tinh thần đọc sách, yêu sách ở học sinh còn được giáo viên lồng ghép trong nhiều tiết dạy…
Thầy Huỳnh Khương Anh Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình cho biết thêm – hiện nay nhà trường đã có chủ trương của thành phố xây dựng, cải tạo lại cơ sở vật chất nhà trường, trong đó mở rộng và nâng cấp thư viện trường. Qua đó sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện, tổ chức đa dạng thêm các hoạt động về sách đến với học sinh, tổ chức thêm các tiết đọc sách để phát triển hơn nữa văn hóa đọc trong học sinh…
Yến Hoa
Bình luận (0)