Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà văn Thái Vũ đã qua đời

Tạp Chí Giáo Dục

 10 giờ 50 phút ngày 3-7-2013, nhà văn Thái Vũ đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP.HCM thọ 86 tuổi. Một đời sáng tác văn học, ông đã để lại những tác phẩm tiêu biểu nhất, và nhắc đến Thái Vũ là nhắc đến "Ba Đình" (1976), tiểu thuyết lịch sử đầu tay đưa ông đến làng văn. Sau đó ông viết hàng loạt tác phẩm về xứ Huế.

Thái Vũ tên thật Bùi Quang Đoài sinh ngày 31-12-1928 tại Quảng Bình.
Tôi là một trong những người gần gũi với ông cuối đời. Con gái ông, chị Minh Hà báo hung tin, tôi bàng hoàng, xúc động… vì những ân tình mà nhà văn Thái Vũ đã dành riêng cho tôi. Hai chú-cháu đã dành nhiều kỷ niệm đời-nghề cho nhau…
 
Nhà văn Thái Vũ – Ảnh N.TÝ
Nhà văn Thái Vũ (bên trái) trong một lần đến Thanh Hóa thăm tác giả Màu tìm hoa sim-nhà thơ Hữu Loan (Ảnh nhà văn Thái Vũ cung cấp)
Lễ động quan lúc 19 giờ ngày 3-7. Lễ viếng được tổ chức từ 8 giờ ngày 4-7 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Qúy Đôn, quận 3). Lễ an táng tại Công viên nghĩa trang Bình Dương lúc 12 giờ ngày 5-7.
 
Tôi xin lược trích ý kiến của cố giáo Sư Phan Cự Đệ đã viết lời nhận định trong Tạp chí Nhà Văn, Hội Nhà văn Việt Nam, số 01 năm 2003:
“Thái Vũ là một trong số những nhà văn lấy việc tái hiện chính xác sự kiện lịch sử, không khí lịch sử là chính Cờ nghĩa Ba Đình (hai tập-1976) của Thái Vũ không phải là lịch sử được tiểu thuyết hóa, tuy nhiên điều mà nhà văn quan tâm nhất là sự chính xác về lịch sử. ..Cờ nghĩa Ba Đình là một bộ tiểu thuyết lịch sử rất công phu và nghiêm túc, tác giả có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, có một hệ thống tư liệu lịch sử rất đáng tin cậy. Nhà văn đặt lại một số vấn đề về lịch sử (khởi nghĩa Ba Đình “thắng hay bại”, nhất là qua cuộc rút quân của Đinh Công Tráng) và phản bác lại những cuốn như Ba Đình của Phan Trần Chúc, hầu như dựa chủ yếu vào tài liệu của thực dân Pháp và lũ bồi bút tay sai. Tác giả ghi cả ngày giờ, năm tháng của những trận đánh, vẽ bản đồ Ba Đình và tỉnh Thanh Hóa, đường hành quân của nghĩa binh Tĩnh Gia, Nông Cống, Nga Sơn. Chính nhờ những tư liệu lịch sử phong phú mà tác giả có thể miêu tả toàn cảnh từ hai phía, từ những chiến sĩ Cần vương cho đến các sĩ phu yêu nước như Trần Xuân Soạn, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Phan Cư, Hoàng Bật Đạt, Lê Khắc Tháo, từ tên án sát tay sai Vương Duy Trinh đến trung tá Alfred Amédéc Dodds, phụ trách vùng hữu ngạn sông Hồng, trung tá Metzinger, đặc trách Thanh Nghệ Tĩnh, đến Léonard Léonce Brissaud, đại tá tư lệnh mặt trận Ba Đình, …
Thậm chí tác giả có thể nắm vững tiểu sử từng tên đại úy Pháp đã từng tham gia đánh Ba Đình như đại úy công binh Joseph Jacques Césaire Joffre (1852-1931): “Bị thương nặng ở Ba Đình, ngay đó được thăng thiếu tá. Năm 1889 chỉ huy thôn tính Madagascar, tiếp đó lại dự trận Sudan (Bắc Phi). Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) được phong thống chế Pháp, có chân trong Viện Hàm lâm Pháp. Tháng 1 năm 1922, đúng 35 năm sau sự kiện Ba Đình, ông ta vẫn không hiểu nổi cách phòng ngự Ba Đình, nay trở lại Đông Dương để mong tận mắt nghiên cứu “sự kiện” đó. Ông về Thanh Hóa bắt bọn quan Tây và Nam triều huy động dân ba huyện Nga Sơn, Tống Sơn và Hà Trung dựng lại toàn cảnh Ba Đình. Ông đã cho khắc một tấm bia đá “lưu niệm”, một bên khắc chữ Pháp, một bên khắc chữ Nho, nay ở Ba Đình vẫn còn”.
Cờ nghĩa Ba Đình đã xác định được vị trí quan trọng của cuộc chiến đấu của nghĩa quân Ba Đình trong toàn bộ phong trào chống thực dân Pháp ở Thanh Nghệ Tĩnh và cả nước. Tác giả chú ý đến sự kiện lịch sử, đến toàn cảnh phong trào nên chưa đi sâu vào tính cách nhân vật. Sự hấp dẫn về tính chính xác lịch sử lấn át sự hấp dẫn của nghệ thuật tiểu thuyết”.
theo PLTP

 

Bình luận (0)