Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà văn Tô Hoài và những người bạn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn lão thành Tô Hoài

Thời trẻ, Tô Hoài chơi rất thân với nhà văn Nam Cao. Nam Cao hay dẫn Tô Hoài đến giới thiệu với các “cô này cô nọ”, nhưng Tô Hoài thì mắc cỡ, “nhát gái” nên chẳng dám trò chuyện gì. Khi đã biết yêu, Tô Hoài thường nhờ Nam Cao làm “quân sư”, Nam Cao tốt lắm và chỉ dẫn cho ông mọi thứ… Những năm tháng ở rừng, ông và Nam Cao cùng thương thầm cô gái Huế dịu dàng, xinh đẹp mang tên một loài hoa mà ông rất yêu thích: Phùng Thị Cúc (tên thật của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị). Cô nữ sinh Trường Áo Tím này nụ cười và gương mặt rất thánh thiện, vừa đi học, vừa bán sách, phụ giúp gia đình. Vì bản tính nhút nhát, để “thay lời muốn nói”, trong một đêm mưa tầm tã, Tô Hoài đã viết và tặng riêng cho nàng tập bản thảo hơn 200 trang có tên Mưa đêm. Sáng hôm sau, hành quân, ông không kịp hỏi nàng đã đọc chưa. Mấy mươi năm sau, trong một buổi chiều mưa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân nhắn ông rằng: “Điềm Phùng Thị gửi lời hỏi thăm cậu, giọng vẫn còn hờn giận, đúng là con gái Huế, giận lâu thế”. Tô Hoài nghe mà tim bỗng nhói. Rồi thêm mấy mươi năm nữa, một buổi sáng, ông nhận được bức thư đề tên người nhận là “Nhà văn Tô Hoài – Hội Nhà văn Việt Nam”. Đọc xong bức thư, ông bần thần, xốn xang bởi đó chính là lá thư của cô nữ sinh Áo Tím ngày nào. Khi người đàn bà này qua đời, ông mới viết tặng bà một truyện ngắn, như lời tạ từ đằm thắm, muộn màng.
Ngoài chơi thân với nhà văn Nam Cao, ông còn có tình bạn tri kỷ với nhà văn Trọng Hứa. Nhà văn Trọng Hứa rất nghèo lại hay ốm đau, nhưng thích uống rượu. Và Trọng Hứa cứ ra hàng quán uống chịu rồi sau đó Tô Hoài ra trả giúp. Nhà thơ Anh Thơ từng kể thời còn bao cấp, bà bị mất xe đạp, không có cái để đi lại. Thế là Tô Hoài cho bà vay tiền mua xe. Rồi sau đó ông không đòi tiền mà còn nói tặng bà chiếc xe đạp đó nữa. Bà cũng biết ông nghèo nên dành dụm món tiền mấy năm sau mới gửi lại, có vẻ như ông giận. Nhiều người cũng từng thấy Tô Hoài đi lấy nhuận bút xong, hay tìm đến ngôi nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền, đưa bạn ông, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đi uống bia. Khi ấy ông Bổng mắt đã kém, cứ đặt tay lên vai bạn, lẫm chẫm đi bộ ra quán uống, trò chuyện, rồi ông Tô Hoài lại đưa bạn về. Tô Hoài thường khuyên các bạn trẻ mới cầm bút rằng: “Điều quan trọng nhất ở chỗ các bạn là hãy đi nhiều, quan sát nhiều, có cảm nhận sâu sắc về cuộc đời thì điều các bạn viết mới đi vào lòng độc giả được, bởi vốn sống là điều mà chúng ta không thể vay mượn được của bất kỳ ai…”.
HÀ KIÊN

Bình luận (0)