Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà văn Trần Thùy Mai… Một mình ở Tokyo

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Khi bộ phim của đạo diễn Vinh Sơn chuyển thể từ truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng đang đợi ngày công chiếu thì nhà văn “rất Huế” Trần Thùy Mai (ảnh) đã có trên tay cuốn sách mới: Một mình ở Tokyo (NXB Văn Nghệ).

Cuốn sách gồm 12 truyện ngắn mà Trần Thùy Mai đã viết trong suốt một năm qua như: Hải đường tăng, Thần nữ đi chân không, Nàng công chúa té giếng, Một mình ở Tokyo… Đọc tập sách này vẫn gặp một Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu sắc. Và dù chị có viết về sự đổ vỡ hay cái sân si của đời người thì vẫn là những trang văn đẹp. Nhưng “chất Huế” dường như không còn đậm đặc như nhiều tập sách trước.

* Dường như Trần Thùy Mai đang muốn bứt mình ra khỏi Huế?

– Tôi thích vẽ nên những bức tranh đẹp về quê hương mình và quê hương của những người khác. Trong tập truyện này thật ra vẫn là hình ảnh Huế nhưng là Huế trong mối tương giao với những vùng văn hóa khác. Trong thời gian qua, nhờ những truyện ngắn được dịch ở nước ngoài, tôi đã có được những chuyến đi, có thêm cảm hứng mới, thấy được những góc rộng hơn của cuộc sống, từ đó khung cảnh trong trang viết cũng được đổi khác. Cũng phải kể đến những người bạn mới, họ là những kênh thông tin giúp mình thâm nhập một mảng khác của cuộc sống.

* Hầu hết những truyện này của chị đã được đăng trên báo. Chị có lo rằng sự công bố truyện trên báo sẽ làm giảm sự chờ đợi của độc giả đối với cuốn sách mới của mình?

Ảnh: T.T.D.– Trước nay tôi vẫn làm vậy: in báo trước, ra sách sau. Tôi chắc không có vấn đề gì về phát hành, vì sách của tôi không phải là best – seller nhưng luôn bán được, chưa bị các nhà xuất bản từ chối bao giờ. Tôi đăng truyện trên nhiều báo nên chắc bạn đọc của tôi không thể đọc hết.

* Theo chị, vì sao sách của Trần Thùy Mai thường không lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy?

– Thời đại này cuộc sống đã hóa ra một cuộc đua dữ dội quá nên ngay trong văn chương người ta cũng nói đến “hàng hot”. Trong những làn sóng tung lên rồi hạ xuống, tôn vinh rồi quên lãng, người cầm bút cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy. Trong vườn văn tôi dọn khu vườn nhỏ của riêng tôi để chờ những người tri âm đến, không muốn vội vã chạy theo dòng.

* Trong tập sách này, truyện nào chị viết vất vả và lâu nhất?

– Bản thân nghề viết đã là vất vả rồi. Khi viết văn phải tập trung tâm trí nên mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, việc dọn dẹp nấu nướng nhiều khi cũng bỏ mặc chẳng quan tâm. Nhưng vì đó là việc tôi yêu thích nên không thấy mệt mỏi.

Truyện tôi viết lâu nhất là Chiếc phao cứu sinh, viết gần xong rồi tôi để đó mãi, vài tháng sau đọc lại mới viết được cái kết. Trong truyện tôi miêu tả một cuộc sống giả tạo với những giá trị giả: tài năng giả, danh tiếng giả, những mối quan hệ giữa con người cũng giả. Cuối cùng tôi nghĩ: trên cái nền giả tạo của xã hội thượng lưu mà đôi vợ chồng ấy đang sống, ít ra tình yêu của họ là thực. Tôi đã cho nhân vật của mình một lối thoát từ niềm tin đó.

* Chị sử dụng vi tính từ lâu rồi, nhưng hình như 12 truyện ngắn trong tập sách vẫn được chị viết bằng tay (với bút và giấy)?

– Đúng thế. Tôi biên tập sách, dịch sách, trả lời email thì viết trên máy. Còn khi sáng tác tôi vẫn viết tay trên giấy bằng bút bi. Khi viết xong tôi thường chuyển bản thảo nhờ một người khác gõ lại, sau đó mình dò và sửa lại trên máy tính.

* Thưa chị, văn chương Việt trong thời gian này chị thích đọc tác phẩm của ai?

– Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái, Y Ban và hai tác giả cũng không còn trẻ: Nguyễn Đăng Mừng và Xuân Đài.

NGUYỄN THANH BÌNH  (Theo TTO)

Bình luận (0)