Giải Văn học tuổi 20 lần thứ 7 do NXB Trẻ tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm vào vòng chung khảo. Dù chưa biết ai sẽ là chủ nhân mùa giải năm nay nhưng đã thấy được một lực lượng thế hệ trẻ sung sức, hết lòng với văn chương. Mỗi tác giả, mỗi góc nhìn khác nhau đã nói lên những trăn trở của con người cũng như chính họ với cuộc sống.
Tác giả trẻ Nguyễn Dương Quỳnh
Tác giả Hoàng Khánh Duy
Gióng lên tiếng nói về môi trường
Sinh năm 1997, là thạc sĩ văn học và đang là một thầy giáo dạy văn nhưng tác giả Hoàng Khánh Duy đã cho ra mắt hơn 10 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau trong những năm qua. Tham dự Giải Văn học tuổi 20 lần 7, Khánh Duy chọn truyện dài “Cõi người mắc cạn”. Tác phẩm được đánh giá cao bởi sự mới mẻ, chú trọng yếu tố văn hóa và môi trường xanh. Trong tác phẩm, tác giả đã tạo dựng một không gian nghệ thuật vừa lạ, vừa quen. Lạ vì đó là một không gian mang sắc màu huyền ảo, mơ hồ nhưng cũng là một không gian quen thuộc vì nó thấm đượm “linh hồn” của sông nước Tây Nam bộ. Xuyên suốt tác phẩm là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm lẽ sống và đấng cứu rỗi một vùng quê đã khô cằn vì hạn mặn của nhân vật “hắn”. Nỗi bàng hoàng trước sự méo mó của phong cảnh và nỗi đau của con người.
Khánh Duy cho biết, năm 2020 trong một lần về quê ở Cà Mau. Lúc này, quê của Khánh Duy cũng như một số tỉnh lân cận bị hạn mặn, trên mạng lan truyền những hình ảnh người nông dân đứng khóc trước đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ. Đau xót và rung động trước hình ảnh đó, Khánh Duy ấp ủ viết nên tác phẩm về quê hương, hạn mặn để ghi dấu lại những khổ cực của nông dân miền Tây và tác phẩm “Cõi người mắc cạn” đã ra đời. “Thông qua tác phẩm này, em muốn gửi gắm vấn đề đang nhức nhói là vấn đề về môi trường. Đây là vấn đề rất đáng báo động, được các ngành quan tâm. Là người viết văn, em muốn dùng ngồi bút của mình để góp thêm tiếng nói về mong trường, mong muốn môi trường sẽ cải thiện, ý thức của con người được nâng cao để từ đó mang đến một môi trường tốt đẹp hơn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân”, Khánh Duy chia sẻ.
Ám ảnh về sự sống và cái chết
Nếu Khánh Duy trăn trở trước vấn đề môi trường thì tác giả trẻ Phã Nguyện, Nguyễn Dương Quỳnh lại có góc nhìn về sự sống, chết cũng như tương lai của một kiếp người. Truyện dài “Kẻ săn chuột” là tác phẩm đầu tay của Phã Nguyện. Tác phẩm kể về ba cái chết: một bà lão nhặt rác nghèo khổ, một ông già nghiện rượu vô gia cư và một bà mẹ bị trộm “dọn nhà” và sát hại trong một đêm. “Kẻ săn chuột” hiện ra dưới hai góc nhìn: một đứa trẻ sống ở xóm Đèn Dầu chuyên nghề nhặt rác và một người đàn ông 30 tuổi chậm phát triển làm thu ngân trong siêu thị. Thị trấn bình thường mà mọi người ngầm chấp nhận và góp phần tạo nên nó trong mắt một đứa trẻ 9 tuổi và một kẻ “không bình thường” sẽ như thế nào? Kẻ săn chuột là ai? Và ai là con chuột bị săn đuổi? Đó là những vấn đề của cây bút trẻ này đặt ra trong tác phẩm.
Trong khi đó, tác phẩm “Ngủ ngon nhé, nàng thơ” của các giả Nguyễn Dương Quỳnh lại nói về nỗi ám ảnh và sự cô đơn. Tác phẩm nói về một họa sĩ bệnh tật mê đắm vẻ đẹp của một ca sĩ thần tượng trẻ tuổi và tìm cách đuổi theo để vẽ tranh người đó, rồi tận mắt chứng kiến mọi thứ sụp đổ bởi một cơn bão tăm tối đáng buồn mà cả hai đều không thể kiểm soát. Đây có lẽ là câu chuyện về nỗi ám ảnh và sự cô đơn. Về mong muốn biểu lộ bản thân mình và thấu hiểu người khác bằng nghệ thuật. Đây cũng là một câu chuyện về sự vật hóa của cái đẹp trong thế giới hiện đại, một điều xảy ra với cả hai giới, đặc biệt là trong công nghiệp giải trí. Nhưng quan trọng hơn hết, đây là một câu chuyện về cảm hứng nghệ thuật và hội họa, đặc biệt là tranh Monet. Về cái đẹp và sự khao khát cái đẹp.
Những tác phẩm tham dự Giải Văn học tuổi 20 lần 7 vào vòng chung khảo
“Vụn kí ức” của tác giả Yang Phan (sinh năm 1994) lại nói về cái chết của G – một chàng trai gốc Á, cử nhân ngành khoa học vũ trụ đang sinh sống tại nước ngoài. Cái chết của anh tưởng chừng bình thường nhưng lại đánh thức hàng loạt ký ức trong tâm trí những người đã từng tiếp xúc với anh: Một người phụ nữ 80 tuổi vật lộn giữa lòng tự hào và sự chán ghét về nguồn cội của mình; một cô ca sĩ nhạc rock luôn thay đổi tên họ vào mỗi buổi sáng; hay người mẹ với cuộc tình độc hại kéo dài ba thập kỷ… Dù họ với G thân thiết hay chỉ là thoáng qua, thì sự xuất hiện của anh cũng đã tác động mạnh mẽ đến những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời những con người đó. “Vụn ký ức” là cuộc truy vấn về ký ức, rằng ký ức có phải là thứ đứng yên theo thời gian, hay nó luôn chuyển động và làm thay đổi chúng ta theo cách mà chúng ta không ngờ tới?
Ông Dương Thành Truyền (Nguyên Trưởng ban tổ chức Giải Văn học tuổi 20, NXB Trẻ) đánh giá, Giải Văn học tuổi 20 lần 7 tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của những người viết trẻ – viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc. Bằng cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn bởi học thức và trải nghiệm, họ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân. Họ khao khát trả lời những câu hỏi “Vì sao?”, “Tôi là ai?”, “Thế giới này tại sao như vậy?”. Họ mang theo những ám ảnh: ám ảnh về nguồn cội, ám ảnh về tâm linh trong đời thực, ám ảnh về quá khứ trong kỳ vọng đến tương lai, ám ảnh về ký ức trong hành trình thay đổi số phận, ám ảnh về những tổn thương tinh thần và khát vọng được chữa lành, ám ảnh về trách nhiệm cá nhân trong thực tại bất lực trước những thế lực vượt sức con người… “Nếu cần một tổng kết về 12 tác phẩm chung khảo lần này, khiến Văn học tuổi 20 tiếp tục khác biệt và hấp dẫn, thú vị và đặc sắc, xin được tổng kết bằng mấy con số “một – hai – ba”: một lực lượng các cây bút trẻ sung sức viết và giàu sức sáng tạo; hai thế giới hiện thực được phản ánh đồng thời, song song và ba phương thức biểu đạt: bằng những suy tưởng có tính triết lý, những ám ảnh có tính hình tượng, những chất liệu từ khoa học và nghệ thuật”, ông Truyền nhận định.
Trinh Hồ
Bình luận (0)