Sự nghiệp để đời, cống hiến lớn nhất, ấn tượng đậm nhất của ông đối với đồng nghiệp, với đông đảo độc giả, thính giả trong nước hẳn là trong tư cách một nhà truyền thông khoa học, nhà phổ biến kiến thức nổi tiếng.
Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam Đinh Ngọc Lân.
Đinh Ngọc Lân thuộc thế hệ vật lý hạt nhân đầu tiên ở nước ta. Ở thời đại của các vị, hơn nửa thế kỷ trước, ở ta chưa có một ngành hạt nhân, dù là vật lý hay kỹ thuật, nên mỗi người đã chọn một con đường đi riêng, có thể do sự ngẫu nhiên hay tình cờ của số phận và có thể do niềm đam mê của cá nhân.
Chẳng hạn, ông Nguyễn Đình Tứ, sau ngót 10 năm tham gia các đề tài nghiên cứu mang tính thời đại và trở thành nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản ở Viện nghiên cứu hạt nhân quốc tế Đúp-na, trở về nước xây dựng ngành hạt nhân Việt Nam và là Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Ông Hoàng Hữu Thư sau khi tu nghiệp ở quốc gia hạt nhân Ấn Độ, về nước trở thành Nhà giáo Vật lý hạt nhân đầu tiên, Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Hạt nhân đầu tiên ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã chọn hướng đi cho cả cuộc đời – đào tạo nguồn nhân lực ngành hạt nhân tương lai của đất nước.
Và ông Đinh Ngọc Lân có sự chọn lựa khác. Vốn là một học sinh xuất sắc, nhận những phần thưởng cao qua các bậc học, từ Trường Tiểu học Pháp-Việt (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), trường Quốc học Vinh, đến lớp chuyên khoa toán Trường Quốc học Huế… ông đã trải qua bậc đại học và sau đại học ở Trung Quốc, có dịp tu nghiệp ở Liên xô (cũ) và một số nước khác.
Khi đã làm chủ kho tri thức khoa học tự nhiên và vật lý hạt nhân, đã trang bị cho mình vốn ngoại ngữ quý giá, sử dụng tốt các ngoại ngữ quan trọng như Trung văn, Nga văn, Pháp văn, Anh văn, cộng thêm khả năng và niềm đam mê viết lách bẩm sinh, ông Đinh Ngọc Lân hội đủ điều kiện để trở thành nhà truyền thông khoa học uyên bác và nổi tiếng.
Phát huy những thế mạnh nói trên, suốt bao nhiêu năm qua cho đến nay tuổi ngoài 80 ông vẫn không ngừng đọc, tiếp xúc, vẫn kịp thời nắm bắt các thông tin mới mẻ về các sự kiện khoa học công nghệ xảy ra trên thế giới để chuyển tải đến đông đảo người đọc; từ những người bình thường đến các vị “đại biểu nhân dân”, những điều mình tâm đắc nhất; từ các câu chuyện trăng sao trong vũ trụ đến dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang nóng hổi tính thời sự trên đất nước mình.
Nhiều người thuộc các thế hệ đang sống còn nhớ, từ cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, du hành vũ trụ là tuyến đề tài hấp dẫn đặc biệt đối với đông đảo công chúng. Chẳng hạn, sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên, động vật đầu tiên – con chó Laika, con người đầu tiên – Yuri Gagarin bay lên quỹ đạo Trái Đất. Chiếc xe tự hành đầu tiên và những người Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng…
Thời kỳ đó, các bài viết trên báo in và các buổi thuyết trình về các câu chuyện khoa học thú vị nói trên diễn ra ở các câu lạc bộ Hà Nội và cả một số tỉnh thành khác đã gắn với tên tuổi của tác giả, diễn giả Đinh Ngọc Lân.
Những kiến thức đó còn tiếp tục lan toả qua các cuốn sách phổ biến khoa học như: “Con người bay vào vũ trụ” (Đinh Ngọc Lân, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 1980) hoặc “Tàu vũ trụ trên quỹ đạo: Khoa học phổ thông” (Tác giả Iu.V. Côlexnhicốp; Đinh Ngọc Lân dịch, NXB Kim Đồng, 1986).
Sự quan tâm của ông Đinh Ngọc Lân khá rộng, năng lực viết của ông rất dồi dào. Ngoài lĩnh vực “nằm lòng” về du hành vũ trụ, ông còn viết báo, viết sách, dịch sách và nói chuyện về những thành tựu khoa học thế giới nói chung, hoặc khoa học chuyên ngành như Vật lý Laze, Đồng vị phóng xạ… Ông đã có những xuất bản phẩm như: “Năng lượng thế kỷ 20” (Đinh Ngọc Lân, NXB Khoa học và kỹ thuật, 1977), “Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 20” (Đinh Ngọc Lân, NXB Phổ thông, 1976 và “Thế giới kỳ lạ của laze” (V.P. Gribkôvxki, Yu.I.Trêkalinxkaia; Đinh Ngọc Lân, (Nguyễn Đức Bảo dịch), NXB Khoa học và kỹ thuật, 1972).
Cần phải nói đến công sức không nhỏ mà ông đã bỏ ra cho dự án lớn xây một “Nhà chiếu hình vũ trụ” tại Hà Nội để khơi dậy tinh thần yêu khoa học của trẻ em nước ta. Đó là một nhà có mái vòm hình cầu, có máy chiếu lên đó cảnh Mặt Trời lên, cảnh trăng, sao, các hành tinh, sao băng, sao chổi…
Ông bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực để thúc đẩy dự án đó, đặc biệt trong việc vận động sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp. Năm 2001 Bộ Khoa học & Công nghệ, UBND TP Hà Nội, Đại sứ Pháp đã ký thoả thuận cam kết, theo đó, tháng 6/2002 sẽ xây dựng xong. Nhưng thật đáng tiếc đến nay dự án đó vẫn còn trên giấy, chỉ vì một lý do: chưa có đất để xây! Dù vậy, từ năm 2008 đến nay ông vẫn tiếp tục gửi đơn thư nhắc nhở, kêu cứu.
Đặc biệt, trong sự nghiệp ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và triển khai các dự án điện hạt nhân ở nước ta, với các cương vị khác nhau, ông đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận. Đây là lĩnh vực hoạt động mà ông Đinh Ngọc Lân dành nhiều tâm huyết nhất và cống hiến nhiều sức lực nhất trong cuộc đời mình, trực tiếp và cả gián tiếp.
Trong 35 cuốn sách ông đã viết chung, riêng và dịch, đáng chú ý nhất là cuốn sách “gối đầu giường” cho nhiều người nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, cuốn “Ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ” (Đinh Ngọc Lân, NXB Khoa học và kỹ thuật, 1972).
Cuốn sách này giới thiệu các ứng dụng chất đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế quốc dân và khoa học kỹ thuật, đặc trong chẩn đoán bệnh và chữa bệnh. Và bản thân ông, trong một số năm là Giám đốc “Trung tâm Chiếu xạ” thuộc “Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân”, ông đã góp phần xây dựng trung tâm đó, khai thác nguồn bức xạ gamma lớn nhất thời đó vào việc chiếu xạ khử trùng, bảo quản và nghiên cứu các biến tính vật liệu.
Riêng trong lĩnh vực điện nguyên tử, với thế mạnh của một chuyên gia hạt nhân, cây bút truyền thông khoa học Đinh Ngọc Lân đã có nhiều bài viết trên các báo, đặc biệt báo “Người đại biểu nhân dân” nhằm giải thích cho cộng đồng, khuyến cáo các đại biểu quốc hội, tác động đến các cấp lãnh đạo ủng hộ trong các quyết sách về chương trình phát triển điện hạt nhân ở nước ta.
Giá trị lớn nhất của một đời người không chỉ là học hàm, học vị hay chức tước, mà quan trọng nhất là hiệu quả của sự đóng góp của trí tuệ và công sức cho cộng đồng, xã hội và sự phát triển của quê hương đất nước.
Với những đóng góp đáng trân trọng nói trên, ông Đinh Ngọc Lân đã được vinh danh xứng đáng với nhiều huân, huy chương và bằng khen của Nhà nước, đặc biệt, năm 2011, ông được tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm hạng nhất của Chính phủ Pháp. Nhưng phần thưởng cao quý nhất chính là sự quý trọng và lòng hâm mộ của đông đảo độc giả, thính giả dành cho ông, cho nhà vật lý hạt nhân, nhà truyền thông khoa học Đinh Ngọc Lân.
Theo Trần Thanh Minh
VietNamNet
Bình luận (0)