Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhà vệ sinh mất vệ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều NVS trong trường học không đảm bảo vệ sinh
“Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn vẫn còn và có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng “cầu cá” còn phổ biến, nhiều người dân còn có thói quen dùng nước chưa qua xử lý, chỉ đánh phèn để sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) – khẳng định.
Gần 4 triệu người vệ sinh chưa vệ sinh
“Cải thiện điều kiện vệ sinh là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam cần phải hướng đến cho tới năm 2015. Mặc dù Liên Hiệp Quốc đánh giá Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về vệ sinh, tuy nhiên tỷ lệ tiếp cận về vệ sinh còn chưa bền vững và chênh lệch giữa các vùng miền. Tính đến cuối năm 2013, mới chỉ có 60% hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh (NVS) hợp vệ sinh. Hiện, cả nước vẫn còn gần 4 triệu người phóng uế bừa bãi và 10,2 triệu người có NVS hết sức thô sơ. Đặc biệt, tình trạng cầu tiêu ao cá vẫn còn rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nga cho biết thêm.
Riêng tại khu vực trường học, theo bà Nguyễn Thanh Hiền – chuyên gia nước sạch và vệ sinh của UNICEF tại Việt Nam, thì: “Trong tổng số 73% NVS tại các trường học trên địa bàn cả nước được khảo sát chỉ có 11,7%  NVS đạt chuẩn an toàn”.
Theo đó, có rất nhiều trường không chỉ thiếu NVS mà các NVS hiện có rất mất vệ sinh. Khá nhiều NVS ẩm ướt, bốc mùi hôi thối, nhất là vào giờ học sinh ra chơi. Hậu quả là nhiều học sinh thường xuyên “nhịn” đi vệ sinh ở trường… Việc “nhịn” đi vệ sinh trong một thời gian dài sẽ có hại đối với sức khỏe của học sinh. Về lâu dài các em có thể mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi thận, thậm chí là vỡ bàng quang…
Tuy nhiên, nếu đi vệ sinh ở những NVS không vệ sinh cũng rất dễ mắc bệnh. Bởi, NVS không được vệ sinh sạch sẽ, không được khử khuẩn thường xuyên, nhất là NVS công cộng (như NVS trong trường học) là nơi tích trữ nhiều mầm bệnh. Từ bồn cầu, virus, vi khuẩn lan truyền qua đường không khí, tiếp xúc trực tiếp, qua nước, qua những vật dụng xung quanh và gây ra nhiều bệnh tật cho học sinh nói riêng và người dân nói chung.
NVS sạch “quét sạch” bệnh
“Phóng uế bừa bãi, sử dụng NVS không hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh cá nhân kém và thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và điều kiện sống của người dân, nhất là trẻ em. Thống kê của Bộ Y tế, hàng năm tại khu vực phía Nam có  khoảng 250.000 ca mắc tiêu chảy, trong năm 2014 đã có 2 ca tử vong. Về bệnh tay chân miệng, tính từ năm 2008 đến nay mỗi năm có khoảng 10.000 đến 80.000 ca mắc, trong đó có 48 ca tử vong; riêng năm 2013 có 21 ca tử vong. Trong các năm 2008, 2010, 2011 đã có 3 vụ dịch tả bùng phát, lớn nhất là năm 2011 với 158 ca…”, ông Nga nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia y tế, các bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn, giun sán… có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta biết giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là các NVS công cộng như NVS trường học. Ước tính của UNICEF, khi các thiết bị vệ sinh được cải thiện sẽ giảm hơn 1/3 các trường hợp mắc, nhất là bệnh tiêu chảy. Và nếu rửa tay bằng xà phòng thường xuyên có thể làm giảm hơn 40% số ca mắc.
Nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, và các em học sinh, Bộ Y tế phối hợp với UNICEF đang thực hiện Chương trình tiếp cận dựa vào cộng đồng để đạt được mục tiêu vệ sinh toàn diện (CATS).
“CATS không chỉ đơn giản là xây dựng NVS mà trên hết thay đổi hành vi của mọi người. Vì vậy, chúng tôi làm việc trực tiếp với người dân và học sinh để nâng cao nhận thức về các hành vi, thói quen, tập quán có hại cho sức khỏe. Đồng thời chỉ cho mọi người thấy những lợi ích của việc có NVS hợp vệ sinh có thể giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật. Chúng tôi liên tục động viên khuyến khích người dân cho đến khi họ cam kết không đi vệ sinh bừa bãi nữa và muốn xây cho mình một nhà tiêu hợp vệ sinh. NVS hợp vệ sinh ở đây không nhất thiết phải là một nhà tắm đẹp đẽ mà chỉ cần là một nơi an toàn để đi vệ sinh, một nơi mà có thể giúp cho trẻ em không bị ốm đau bệnh tật từ các bệnh do vệ sinh không sạch sẽ gây ra”, bà Hiền cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Anh
Ông Lalit Patra – đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng: “Điều kiện vệ sinh kém chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm giun sán, những bệnh thường dẫn đến tử vong ở trẻ. Qua điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam cho thấy: Trẻ em dưới 5 tuổi sống trong cộng đồng có điều kiện vệ sinh an toàn sẽ cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống trong cộng đồng đi tiêu ngoài môi trường. Trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng phát triển tối đa về thể chất lẫn trí tuệ…”.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)