Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 6, hàng loạt vụ sạt lở nhà đất ven sông, kênh, rạch tại các quận, huyện: Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè đã xảy ra với nhiều căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất trôi xuống sông. Dù không có thương vong, nhưng thiệt hại về vật chất thì không nhỏ. Điều này cho thấy vấn đề giải tỏa nhà lụp xụp ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP để xây dựng bờ kè bảo vệ bờ sông trở nên bức xúc hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở địa bàn Q.8.
Thực hiện kế hoạch rất khó khăn
Kinh phí thiếu dẫn đến tình trạng giải tỏa chậm được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vẫn mãi tồn tại dai dẳng những căn nhà lấn chiếm kênh rạch dù TP đã có chủ trương di dời toàn bộ những căn hộ trên ở các quận: 4, 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức trước năm 2020. Tuy nhiên, để giải tỏa những căn nhà kiểu này, yếu tố đầu tiên làm đau đầu các cơ quan chức năng trong suốt thời gian qua chính là vấn đề kinh phí. Q.8 là một trong những địa phương có địa hình sông rạch chằng chịt nhất nhì TP, vì vậy đây cũng là quận có số lượng lớn những căn nhà lụp xụp ven sông.
Theo kế hoạch chỉnh trang đô thị của Q.8 từ nay đến năm 2020, sẽ phải giải tỏa 26.500 căn nhà, trong đó 10.500 căn nhà ven kênh rạch còn lại là nhà lụp xụp. Toàn bộ kế hoạch này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến 2010 giải tỏa 2.600 căn nhà trên rạch Ụ Cây và bờ đông rạch Xóm Củi. Giai đoạn tiếp theo từ 2010 – 2012 giải tỏa 2.500 căn nhà nằm ven những tuyến kênh Đôi, kênh Ông Lớn, kênh Tàu Hũ… Từ 2012 – 2015: 5.500 căn nhà dọc bờ nam Kênh Đôi, bờ tây rạch Xóm Củi sẽ được giải tỏa, đồng thời xóa bằng được 16.000 căn nhà nằm trong 26 khu nhà lụp xụp không nằm ven kênh. Chậm nhất đến năm 2020, UBND Q.8 sẽ chuyển tất cả khu nhà lụp xụp ấy thành cụm các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại… Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất mà UBND Q.8 trình cho UBND TP thì số lượng nhà ven kênh rạch tại một số “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm kênh rạch vẫn chưa đáng là bao.
50.000 lao động không đủ khả năng mua nhà
Một lãnh đạo UBND quận trong cuộc họp giao ban với UBND TP đã trình bày phương án di dời và tái định cư cho các vị lãnh đạo TP phê duyệt. Theo đó, việc giải tỏa các căn nhà lụp xụp, lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn Q.8 sẽ được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, trong đó quận đang chuẩn bị sẵn một số lượng nhà nhất định ban đầu dùng để tái định cư (TĐC). Sau đó, những khu TĐC mới sẽ được dùng TĐC cho người dân ở khu vực giải tỏa tiếp theo. UBND Q.8 sẽ dùng đất dự án và một số khu đất quy hoạch xây dựng công trình công ích, công viên cây xanh trên địa bàn quận theo phương thức đổi đất lấy tiền đầu tư. Với cách làm này, UBND Q.8 chỉ xin một số vốn ngân sách đối ứng trước để xây dựng quỹ nhà TĐC ban đầu. Khoản ngân sách ban đầu này sẽ được thu hồi, hoàn trả lại cho ngân sách TP sau khi có doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn bị thắt chặt như hiện nay, kêu gọi xã hội hóa nhà TĐC sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi vốn ban đầu phải bỏ ra để bồi thường giải tỏa mặt bằng quá lớn, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và đầu tư xây dựng khi mà không có sự hậu thuẫn từ phía các ngân hàng. Một điểm nữa làm cho công tác đi dời, tái định cư các căn nhà lụp xụp, lấn chiếm kênh rạch ven sông tại các quận huyện bị ách lại, làm các chủ đầu tư “chùn tay” là giá cả mỗi căn nhà TĐC đang ở mức quá cao, vượt tầm với của đại bộ phận người nghèo. Hiện nay, một căn nhà TĐC rộng 50 – 60 m2 trên thị trường trị giá khoảng 500 triệu đồng. Căn hộ dạng trên người nghèo sẽ không có đủ tiền để mua, ngay cả khi Nhà nước cho họ trả góp. Cái khó thứ hai là giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động đang sinh sống ở 26.500 căn nhà bị giải tỏa hiện nay cũng là vấn đề lớn mà các chủ đầu tư rất ngán ngại khi triển khai dự án đầu tư.
Nguyễn Anh Tú
Bình luận (0)