Hàng chục ngàn người dân Thái Lan đã tập trung trước Bệnh viện Siriraj để bày tỏ sự thương tiếc khi biết tin nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà.
Vào 15 giờ 52 ngày 13.10, quốc vương đã băng hà tại Bệnh viện Siriraj, hưởng thọ 89 tuổi, trị vì 70 năm. Trước mất mát này, Thái Lan dự định sẽ để quốc tang trong 30 ngày. Chính phủ Thái Lan yêu cầu mọi người từ ngày 14.10 hãy mặc trang phục đen hoặc trắng để tỏ lòng thương tiếc.
Như thông báo trước đó của văn phòng hoàng gia, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã vào Bệnh viện Siriraj để điều trị từ ngày 3.10.
Ngày 12.10, sức khỏe nhà vua vẫn không ổn định. Ông phải sử dụng máy thở do huyết áp thấp và rối loạn chức năng gan dẫn đến nhiễm trùng. Thái tử Maha Vajiralongkorn cũng từ Đức bay khẩn về Bangkok để cùng công chúa Maha Chakri Sirindhorn, công chúa Soamsawali và công chúa Chulabhorn có mặt cạnh vua cha. Mặc dù được đội ngũ y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh tình quốc vương vẫn không suy giảm mà trở nặng hơn.
Sau khi tin buồn được thông báo, hàng chục ngàn người đã đổ về Bệnh viện Siriraj (nơi nhà vua điều trị). Để đảm bảo an ninh, cảnh sát đã phong tỏa nhiều trục đường chính dẫn đến bệnh viện cũng như không cho phép người dân vào bệnh viện.
Dù vậy, người dân vẫn túc trực dọc những con đường quanh bệnh viện. Họ cùng nguyện cầu, cùng hát và khóc thương tiếc nhà vua. “Tôi nhận được tin buồn từ người bạn vào chiều nay, nhưng vẫn không dám tin và chỉ mong đó là tin đồn nhảm. Khi nghe báo đài chính thức đưa tin, tôi như muốn ngã quỵ”, bà Pimpawun Nedumpun, chủ tiệm ăn khu Yaowarat, tay ôm ảnh vua vừa khóc vừa nói với Thanh Niên.
Ảnh hưởng bao trùm
Vua Thái được người dân hết sức kính yêu. Đối với họ, ông được sùng bái gần như một thần linh. Không những thế, tất cả các đảng phái chính trị, quân đội, cảnh sát đều lắng nghe và tuân thủ ý kiến của ông. Mặc dù theo luật pháp, nhà vua phải đứng ngoài các vấn đề về chính trị, và quyền lực của ông chỉ mang tính biểu tượng, song trong tâm trí người Thái, ông không chỉ là một biểu tượng mà còn là một lãnh tụ tinh thần. Suốt 7 thập niên trị vì, nhà vua Bhumibol đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 26 đời thủ tướng, bằng sự công tâm và trung lập của mình, ông đã không ít lần thành công trong việc làm cố vấn, trung gian hòa giải những bất hòa chính trị liên tiếp xảy ra tại quốc gia này.
Cuộc đảo chính ngày 23.2.1991 lại đặt Thái Lan dưới sự cai trị của một chế độ độc tài quân sự. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1992, các chính đảng chiếm đa số mời tướng Suchinda Kraprayoon, người lãnh đạo cuộc chính biến, làm thủ tướng. Việc này dẫn đến các cuộc biểu tình và quân đội được gọi đến để trấn áp.
Tình thế càng ngày trở nên nghiêm trọng khi càng có nhiều người Thái đã thương vong. Lúc bấy giờ quốc vương đã vời Suchinda và thiếu tướng Chamlong Srimuang, thủ lĩnh phe chống đối ông Suchinda, đến gặp. Ngay lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng, hình ảnh hai nhân vật chống đối nhau cùng phủ phục trước nhà vua đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên toàn dân tộc. Trên sóng truyền hình được phát trực tiếp, vua Bhumibol đã kêu gọi cả hai người hợp tác “vì đất nước của tất cả chúng ta chứ không phải vì đất nước của hai vị”.
Vài giờ sau, đôi bên đồng loạt tuyên bố rời khỏi chính trường, quân đội buông vũ khí, người biểu tình cũng rút lui. Sau đó, Suchinda đã quyết định từ chức. Đó là một trong vài lần hiếm hoi nhà vua can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp chính trị. Một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành, và từ đó nền dân chủ được phục hồi.
Là một đất nước Phật giáo, vua cũng là tín đồ Phật giáo và là một người bảo hộ quốc giáo nhưng năm 1997, chính ông đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp, theo đó nhà vua không còn là người bảo hộ đạo Phật – quốc giáo mà bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi giáo (là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở miền nam Thái Lan), nơi thường xảy ra các cuộc xung đột. Điều này đã giúp ông không chỉ được người đạo Phật ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm qua lên tiếng ca ngợi sự tận tâm của Quốc vương Bhumibol với những giá trị phổ quát và việc tôn trọng nhân quyền, đồng thời bày tỏ hy vọng Thái Lan sẽ tiếp nối di sản này của ông. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì tuyên bố quốc vương là “nhà đấu tranh không mệt mỏi” cho sự phát triển của đất nước.
Vị vua tài năng
Vua Bhumibol Adulyadej (có nghĩa là sức mạnh của xứ sở), còn gọi là vua Rama IX, sinh ngày 5.12.1927 tại Massachusetts, Mỹ. Ông đăng cơ ngày 9.6.1946 và là vị quân chủ trị vì lâu nhất thế giới. Suốt thời gian trị vì, nhà vua được xem là ân nhân của toàn dân Thái, vì vậy công chúng đồng lòng thêm từ “vĩ đại” phía sau tên ông.
Được đào tạo và có phần lớn tuổi thơ ở nước ngoài, vua Bhumibol Adulyadej thật sự là một tài năng trong nhiều lĩnh vực. Ông là một nhạc công và sáng tác nhạc jazz tài năng. Nhà vua được tặng danh hiệu thành viên danh dự Viện Âm nhạc và nghệ thuật Vienna khi 32 tuổi. Ông thường trình diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh Đài Or Sor, cũng đã công diễn với những huyền thoại nhạc jazz như Benny Goodman, Jack Teagarden, Lionel Hampton và Maynard Ferguson. Các ca khúc nhà vua sáng tác rất được yêu thích tại các cuộc tụ họp công cộng và được trình diễn trong các buổi hòa nhạc.
Ngoài ra, nhà vua còn là họa sĩ, nhiếp ảnh gia, tác giả và dịch giả. Ông là vị vua duy nhất có nhiều bằng sáng chế nhất từ trước đến nay. Có hơn 3.000 đề án do quốc vương khởi xướng và được triển khai trên toàn quốc, nhắm vào mục tiêu cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở vùng nông thôn Thái Lan.
Chưa tấn phong tân vương
Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn (ảnh) đêm qua đã yêu cầu cho ông thêm thời gian để than khóc cùng nhân dân Thái trước khi được tấn phong làm tân vương kế vị. Vì thế, phiên họp đặc biệt của quốc hội Thái Lan vào đêm qua đã kết thúc mà không suy tôn tân vương.
|
Hải Lam – Lam Yên (TNO)
Bình luận (0)