Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nhà xe tăng giá vé, nhồi nhét khách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Càng gần tết, càng có nhiều phản ảnh từ hành khách đi xe đò về tình trạng các nhà xe “chặt chém”, nâng giá vé lên cao hơn nhiều lần so với quy định. 

 
Cán bộ Sở Tài chính kiểm tra giá vé tại bến xe Miền Tây, TP.HCM sáng 11-2 – Ảnh: Mậu Trường
Cùng với việc “chặt chém”, tình trạng nhồi nhét khách cũng xuất hiện ở nhiều nhà xe.
Theo quy định, mức phụ thu giá vé chiều chạy rỗng cao nhất đối với những tuyến xe chạy đường dài là 60%. Nhưng thực tế, một số nhà xe phụ thu hơn gấp đôi giá vé ngày thường.
Phụ thu gần bằng giá vé
Anh Dũng (quê Thanh Hóa) phản ảnh: ngày 9-2, anh đưa bốn người em đến bến xe Ngã Tư Ga (Q.12, TP.HCM) để đi xe của Hãng xe Long Thu về Thanh Hóa. Giá vé là 700.000 đồng/vé. Nhưng khi vừa lên xe, nhà xe đòi thu thêm mỗi vé 600.000 đồng.
Đường dây nóng phản ảnh hãng xe thu quá giá
Để chống tình trạng “chặt chém”, nhồi nhét khách trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng để hành khách liên lạc khi cần.
Cụ thể, người dân có thể phản ảnh về các vấn đề liên quan đến tàu xe dịp tết tới các số điện thoại sau: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia theo số điện thoại 0989.088.719, 0917.577.777, 0995.918.666. Bộ Giao thông vận tải: 0912.379.753, 0903.474737, 0913.209.741. Tổng cục Đường bộ Việt Nam: 0913.432.383, 0917.908.085. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an): 069.42608. 
MẬU TRƯỜNG
Anh Dũng phản ảnh sự việc với ban quản lý bến xe và nhà xe đành chấp nhận cho bốn người em của anh Dũng được lên xe. Tuy nhiên, khi xe chạy đến tỉnh Bình Dương thì nhà xe tiếp tục đòi thêm tiền, nếu không sẽ bị đuổi xuống. Do số tiền phải đưa thêm quá lớn (gần bằng giá vé) nên cả bốn người em của anh Dũng đành đòi lại tiền vé và xuống xe.
Trưa 11-2, chúng tôi liên lạc với số điện thoại phòng vé của bến xe Ngã Tư Ga thì được nhân viên trực điện thoại cho biết giá vé của nhà xe Long Thu đi Thanh Hóa ngày thường là 700.000 đồng, những ngày tết thì giá vé khoảng 1,3 triệu đồng.
Nhân viên này giải thích bến xe chỉ bán vé hộ cho nhà xe chứ không quy định giá vé. Trong vai người mua vé, chúng tôi liên hệ với ông Long của nhà xe thì ông này cũng nói: “Giá về huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là 1,4 triệu đồng. Muốn đi ngày mai 8g đứng trước cổng bến xe Ngã Tư Ga sẽ có xe đến đón”.
Một bạn đọc tên Việt phản ảnh anh mua vé của nhà xe ÐB trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) với giá vé 300.000 đồng đi ngày 8-2.
Nhưng khi lên xe, nhà xe đòi phụ thu thêm 280.000 đồng. Sau một hồi cự cãi, cuối cùng anh V. đành phải đưa thêm tiền cho nhà xe để được về quê, tất cả mọi người trên xe cũng chấp nhận như vậy. Theo anh Việt, giá vé này gần gấp đôi ngày thường chứ không phải tăng 60% như quy định.
Cùng ngày, tại địa chỉ 99 Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), gần chục chiếc xe khách đang đậu trong bãi. Các nhân viên của một chiếc xe khách biển số Bình Ðịnh đang hối hả xếp hàng hóa của khách vào hầm xe. Gần 40 hành khách đứng đợi. Phía trước cổng của địa chỉ này ghi dòng “bãi giữ xe” nhưng thực chất bên trong hoạt động như một bến xe “dù”.
Một phụ nữ vừa xếp hàng vào hầm xe vừa ra giá: “Người ta lấy sao tui lấy vậy, khoảng 650.000 đồng, nhưng hôm nay hết giường rồi, muốn đi thì nằm ở luồng (lối đi trong xe)”.
Giá vé thường ngày từ bến xe Miền Ðông đi Bình Ðịnh là 315.000 đồng, nếu thêm 60% (189.000 đồng) phụ thu như quy định thì tổng cộng chỉ 504.000 đồng. Như vậy giá vé của nhà xe này chênh lệch với giá vé đã cộng phụ thu cho ngày tết đến 146.000 đồng.
Chiều qua, tại địa chỉ 318 Hồng Lạc (Q.Tân Bình), hành khách đang xách hành lý lên xe của nhà xe Xuân Tùng đậu trong mảnh đất trống có mái che. Nhân viên trực tiếp bán vé tại đây cho biết hôm nay xe đã hết chỗ để về Ðà Nẵng, ngày mai có trống chỗ giường nằm, ghế ngồi thì ngày mốt mới có.
Vé xe giường nằm là 1,1 triệu đồng và ghế ngồi giá 700.000 đồng. Thường ngày, từ bến xe Miền Ðông đi Ðà Nẵng là 470.000 đồng, thêm 60% (282.000 đồng) tiền phụ thu nữa thì giá vé của Xuân Tùng vẫn chênh lệch đến 348.000 đồng.
Anh Thanh (quê ở huyện Ðại Lộc, Quảng Nam) cho biết trước tết một tháng anh đi nhà xe BN (có bán vé trong bến xe An Sương) về quê chỉ có 350.000 đồng/vé. Mấy hôm trước anh đặt mua ba vé của hãng xe này cho ba người để về quê, mất tổng cộng là 2.850.000 đồng. Tính bình quân giá vé tăng gần gấp ba lần so với ngày thường.
Đưa nhầm vé?
Giải thích về việc thu quá giá, đại diện Hãng xe Long Thu cho biết giá vé 700.000 đồng/vé là giá ngày thường.
Do sơ suất trong việc xuất vé nên đưa nhầm vé này cho khách, khi lên xe thì phía nhà xe thu thêm tiền để bằng với giá vé tết, tức thu thêm 600.000 đồng/vé. Ðại diện hãng xe cũng cho rằng do cách nói chuyện của lái xe và phụ xe không được khéo nên mới xảy ra mâu thuẫn và bỏ khách xuống dọc đường.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề giá vé ngày tết của Hãng xe Long Thu phụ thu quá 60% so với quy định thì đại diện hãng xe này thanh minh: “Tất cả các hãng xe đều như vậy”. Ông này còn cho biết giá vé mấy ngày tết chủ yếu do thỏa thuận giữa nhà xe và khách. Nếu khách cảm thấy giá vé cao thì có quyền không đi xe của hãng.
Ông Tạ Chương Chín – giám đốc bến xe Ngã Tư Ga – cho biết phía bến xe sẽ làm việc với nhà xe Long Thu. Nếu có sai phạm, bến sẽ từ chối tiếp nhận xe vi phạm vào bến chở khách.
Trao đổi về việc những nhà xe hoạt động ngoài bến bán quá giá và thu thêm tiền của khách, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết do những nhà xe này không kê khai, niêm yết giá vé nên không thể kiểm tra. Ðại diện Sở Giao thông vận tải TP thì nói những xe hoạt động ngoài bến chở khách theo dạng hợp đồng nên giá vé là do nhà xe và khách tự thỏa thuận.
Xe giường nằm Minh Tân đăng ký 45 giường nhưng nhồi nhét 70 khách – Ảnh: Văn Định
Xe giường nằm nhồi nhét 70 khách
Hôm qua, từ thông tin của bạn đọc Tuổi Trẻ, trên quốc lộ 18, CSGT Hà Tĩnh đón lõng một chiếc xe khách biển số Lào UN-6968 của nhà xe Minh Tân tại đoạn qua thị trấn Phố Chấu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Qua kiểm tra xe cho thấy thiết kế 45 giường nhưng chở đến 70 người, tất cả là lao động người Việt đang từ Lào, Thái Lan về quê ăn tết.
Trên xe có rất nhiều hành khách tỏ vẻ mỏi mệt, liên tục la ó vì bị nhồi nhét từ Vientiane về đến Hương Sơn. Ông L., một hành khách người Yên Thành, vừa bước xuống xe đã kêu chóng mặt, khát nước.
Ông nói từ chiều qua (tức ngày 10-2), ông ra bến xe Vientiane đón xe về quê. Khi mua vé, nhà xe nói còn chỗ, cứ yên tâm đi, nhưng khi xe chạy thì thấy không có chỗ nằm nữa, một số hành khách phải ngồi tựa vào nhau.
“Năm nào cũng rứa, cảnh người Việt làm thuê ở Lào và Thái về là phải đi xe nhồi nhét. Không hiểu sao tình trạng này tồn tại mấy năm nay rồi mà không có cơ quan chức năng nào giải quyết” – ông L. nói.
Theo quan sát, toàn bộ giường nằm tầng một được nhà xe tháo dỡ. Ông Hoàng Ngọc Tân, chủ nhà xe Minh Tân, thừa nhận với cơ quan chức năng: “Thấy khách về nhiều nên nhà xe chúng tôi có tháo dỡ một số ghế để chở thêm khách”.
Ông Tân cho biết ngoài nhà xe Minh Tân còn có ba nhà xe khách nữa chạy cùng tuyến là nhà xe Trung Quyên, Tiến Việt, Anh Trà. Những nhà xe này cũng chở khách giống như nhà xe Minh Tân…
Theo thiếu tá Tô Ðình Thiệu – đội phó Ðội CSGT đường 8, nhà xe Minh Tân bị xử phạt gần 30 triệu đồng và bị buộc phải sang khách cho xe khác.
Bị “chặt chém”, một sinh viên nhắn tin cho Bộ trưởng Thăng
Sáng 11-2, trong buổi làm việc của đoàn công tác Quốc hội với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Mới đây có cháu sinh viên nhắn tin cho tôi nói cháu rất bực, cháu đang khóc đây, cháu đón xe khách dọc đường từ Mỹ Đình về quê đúng giá tiền chỉ mấy chục nghìn nhưng gần tết nhà xe thu tận 100.000 đồng”.
Ông Đinh La Thăng nêu câu chuyện trên với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và cho biết khi nhận được tin nhắn, ông đã nhắn tin lại với nội dung: “Cháu là sinh viên, tại sao cháu không vào bến mua vé lên xe mà lại đón xe giữa đường để nhà xe bắt chẹt như thế?”. Sau đó cháu ấy nhắn lại là “cháu xin lỗi chú, lần sau cháu sẽ vào bến mua vé”.
Theo ông Thăng, cả ngày thường và dịp tết, việc đón xe dọc đường chính là cơ hội để nhà xe “chặt chém”, nhồi nhét hành khách. “Nếu tất cả người dân đều vào bến mua vé thì chắc chắn sẽ không có chuyện “chặt chém” về giá vé” – ông Thăng nói.
Đặt tình huống ngược lại nếu không lên xe nhồi nhét thì không có xe về quê, ông Thăng khẳng định: “Tôi cam kết là bến nào cũng có đủ xe đưa hành khách về ăn tết. Đương nhiên khi vào bến thì các lực lượng trong bến sẽ kiểm soát chặt chẽ các điều kiện rồi mới cho xuất bến, quá lượng khách là không được ra khỏi bến”.
XUÂN LONG
Kiểm tra giá cước vận tải: Chỉ một doanh nghiệp bị lập biên bản
Chiều 11-2, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải tại 40 doanh nghiệp ở năm địa phương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, chỉ một doanh nghiệp bị lập biên bản và đang chờ thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt.
Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – cho biết theo báo cáo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính công bố thì chỉ bảy doanh nghiệp vận tải có mức giảm giá cước chưa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu và một doanh nghiệp vi phạm về kê khai giá. Còn 32 doanh nghiệp vận tải khác thì kê khai giảm giá phù hợp với giá nhiên liệu.
Theo trưởng đoàn kiểm tra giá cước vận tải ở ba tỉnh phía Nam Phi Vân Tuấn – phó cục trưởng Tổng cục Thuế, giải pháp để buộc doanh nghiệp giảm giá cước vận tải là “cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các ngành bám sát việc kê khai giá cước của doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng nên tẩy chay những doanh nghiệp không giảm giá cước, hoặc giảm không tương xứng với mức độ giảm của giá xăng dầu”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nói thêm qua kiểm tra có phát hiện tình trạng doanh nghiệp vận tải “chạy kê khai”. Ông giải thích: “Có hãng vận tải hành khách cố định kê khai tỉnh A. Nhưng do tỉnh A quản lý chặt nên doanh nghiệp này đã chạy sang tỉnh B để kê khai”.
LÊ THANH
NHÓM PV CTV Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)