Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà xuất bản “quay lưng” với mô hình mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bao giờ thị trường sách mới nuôi sống được người làm sách? – Ảnh: D.Đ.M

Thời điểm các nhà xuất bản (NXB) phải chuyển đổi thành công ty TNHH nhà nước một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp đã cận kề. Song, không ít NXB đang bàn lui…

Muốn như cũ

Theo lộ trình và phương án sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12.10.2007, đến năm 2010, các NXB phải chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH nhà nước (NN) một thành viên. Về lý thuyết, việc chuyển đổi sang công ty TNHH NN một thành viên sẽ giúp các NXB tự chủ trong sản xuất – kinh doanh (được tự quyết, tự chủ nguồn vốn, nguồn nhân lực, được mở rộng sản xuất kinh doanh, không phải trông vào cơ quan chủ quản…). Thế nhưng, một số NXB sau một thời gian chuyển đổi mô hình trên đã chủ động xin quay về… mô hình cũ.

Ông Nguyễn Khắc Oánh, Giám đốc NXB Hà Nội, cho biết sau 4 năm trở thành công ty TNHH NN một thành viên, chỉ có tên gọi thay đổi chứ hoạt động thì vẫn như cũ, bởi không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, không có vốn, không có phương tiện máy móc hiện đại. Vì vậy, NXB đang kiến nghị được quay về mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Còn ông Hà Tất Thắng, Giám đốc NXB Lao động – Xã hội, đã gửi công văn tới Cục Xuất bản kiến nghị xem xét lại việc chuyển đổi. Ông Thắng giải thích, nếu chuyển từ hình thức công ty NN độc lập sang hình thức công ty TNHH NN một thành viên, NXB sẽ đơn thuần là một đơn vị sản xuất – kinh doanh, giảm vai trò của một kênh tuyên truyền – thông tin. Hơn nữa, hoạt động của công ty TNHH NN một thành viên chỉ tuân theo Luật Doanh nghiệp, việc bổ nhiệm chủ tịch, giám đốc chỉ do cơ quan chủ quản, trong khi theo Luật Xuất bản, việc bổ nhiệm giám đốc, tổng biên tập do sự thỏa thuận của 3 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) và bộ chủ quản. Vì vậy, NXB Lao động – Xã hội đã đề nghị được giữ nguyên loại hình doanh nghiệp hiện tại.

Tập đoàn xuất bản, có khả thi?

Hôm qua 3.6, Cục Xuất bản và Ban Tuyên giáo Trung ương đã cùng các NXB xem xét, đánh giá hiệu quả thực tế của từng mô hình cụ thể, đồng thời kiến nghị tạm dừng việc chuyển đổi mô hình công ty TNHH NN một thành viên đối với một số trường hợp. Theo Cục Xuất bản, toàn ngành chỉ có 25.075 tỉ đồng vốn lưu động tính từ khi thành lập các NXB cho đến thời điểm hiện tại, nên không thể đầu tư dài hạn và luôn lệ thuộc vào đối tác liên kết.

Đợt tổng kiểm kê, đánh giá năng lực hoạt động của 55 NXB do Cục Xuất bản (Bộ TT- TT) tiến hành đầu năm 2009 cho thấy, phần lớn NXB hoạt động trong tình trạng èo uột với trang thiết bị lạc hậu, nhân lực mỏng, thiếu vốn, không tổ chức được bản thảo, không tìm được đầu ra, nên lệ thuộc vào đối tác liên kết, không thu hồi được vốn, thậm chí thua lỗ. Chẳng hạn như NXB Âm nhạc (lỗ 762 triệu đồng), NXB Sân khấu (lỗ 288 triệu đồng), NXB Tôn giáo (lỗ 119 triệu đồng), NXB Khoa học – Kỹ thuật (lỗ 461 triệu đồng). Nếu có lãi thì chỉ lãi… 3 triệu đồng/năm như NXB Hội Nhà văn, NXB Đà Nẵng, hoặc 7 – 8 triệu đồng như NXB Thanh niên, NXB Lao động.

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT (cũ) ký ngày 31.12.2002 về việc Quy hoạch phát triển ngành in, xuất bản, phát hành đến năm 2010, sẽ không cổ phần hóa doanh nghiệp xuất bản vì doanh nghiệp xuất bản được coi là “doanh nghiệp đặc thù”. Bộ VH-TT yêu cầu các NXB tổ chức theo mô hình: NXB tổng hợp, NXB chuyên ngành và đề xuất thành lập một số tập đoàn xuất bản ở TP Hà Nội, TP.HCM. Thế nhưng cho đến nay, ngoài NXB Giáo dục đang trở thành tập đoàn, các NXB còn lại vẫn rất khó sống “khỏe”, nói gì đến chuyện trở thành tập đoàn. Do đó, “để các NXB chuyển sang mô hình tập đoàn, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, cấp ngân sách và hạ bớt các tiêu chí về quy mô, vốn pháp định, và giữ nguyên mô hình đơn vị sự nghiệp, với 100% vốn nhà nước”, Giám đốc NXB Lao động – Xã hội Hà Tất Thắng nêu ý kiến.

Cục Xuất bản cũng đề xuất với Bộ Tài chính phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các NXB, đưa vào nhóm hoạt động văn hóa chịu thuế 10% (thay vì 25% như hiện nay), kiến nghị chuyển thuế giá trị gia tăng sang thuế suất 0% và áp dụng chung mức thuế suất 5% đối với các nhóm xuất bản phẩm.

Y Nguyên (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)