Toàn ngành xuất bản hiện nay chỉ có tổng số vốn 392 tỉ đồng – Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đến hết ngày 31.12.2009, các nhà xuất bản (NXB) phải hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty TNHH nhà nước một thành viên. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc các NXB phải chuyển đổi sang mô hình mới là “không phù hợp với Luật Xuất bản”.
Hơn nữa, chuyển sang mô hình mới sẽ dẫn đến khó thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của hoạt động xuất bản, cơ quan chủ quản khó chỉ đạo, bổ nhiệm các chức danh giám đốc, tổng biên tập. Mặt khác, khi chuyển sang mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên, các NXB sẽ có thêm những chức danh không được quy định trong Luật Xuất bản, như chủ tịch công ty, kiểm soát viên. Thêm nữa, khi chuyển sang mô hình mới, các NXB với hoạt động èo uột và gần như ỷ lại toàn bộ vào đối tác liên doanh liên kết như hiện nay, sẽ phải gồng mình đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hiệu quả chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, tính đến nay đã có 6 NXB hoàn tất việc chuyển đổi sang mô hình mới và không ít NXB đã hoàn thiện hồ sơ xin chuyển đổi hoặc đang rục rịch chuẩn bị và rất hào hứng muốn chuyển đổi.
Vậy phải ứng xử thế nào khi “sự đã rồi”? Ông Nguyễn Kiểm cho biết: “Với những trường hợp đang xin chuyển đổi thì sẽ phải tạm dừng. Với trường hợp đã chuyển đổi, chúng tôi sẽ cho một lộ trình hoạt động, trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là 3 hoặc 5 năm, để xem hiệu quả đến đâu, trong trường hợp (mô hình) chấp nhận được thì có thể sẽ phải sửa luật, không sửa luật này thì cũng phải sửa luật kia (Luật Xuất bản hoặc Luật Doanh nghiệp – PV)”.
Trong khi việc chuyển sang mô hình mới đang được đề nghị tạm dừng thì hai mô hình cũ là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện và sự nghiệp có thu đối với các NXB được yêu cầu giữ nguyên. Thế nhưng, lại có không ít lúng túng, vướng mắc mà các cơ quan chủ quản và các giám đốc NXB đang gặp phải quanh hai mô hình cũ này.
Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra những con số gây “sốc” về hiệu quả hoạt động kinh tế của các nhà xuất bản: 45 tỉ đồng là tiền lãi của toàn ngành (riêng NXB Giáo dục đã lãi tới 25 tỉ đồng, hơn 50 NXB còn lại chia nhau số lãi 20 tỉ đồng), chưa kể có NXB chỉ lãi… 2 triệu đồng/năm. Có tới 4 giám đốc NXB đã xin từ chức hoặc không dám nhận chức vì không trả được lương cho người lao động.
Y Nguyên (Theo TNO)
Bình luận (0)