Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc đương đại nước ngoài- những khoảng cách còn lại

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao lưu, quảng bá văn hóa của các quốc gia đến VN chưa bao giờ vơi đi nét thú vị, thế nhưng độ ngấm và thấm của họ nơi khán giả đại chúng ở ta vẫn còn rất mỏng.

Tháng 5 sắp tới đây, Ngôi làng Châu Âu sẽ trở lại Việt Nam, tại Hà Nội, vẫn đều đặn và chưa bao giờ thiếu đi những nghệ sĩ và tác phẩm thật sự hấp dẫn, chất lượng, đã thành danh hoặc sau đó rồi sẽ thành danh biểu diễn tại Việt Nam. Thế nhưng độ ngấm và thấm của họ nơi khán giả đại chúng vẫn còn rất mỏng.

Nhạc Nhật: nghe khó tách nhìn

Khi người nước ngoài nghe nhạc ngoài nước - Ảnh 2.

Đại thụ âm nhạc Nhật Ryuichi Sakamoto vừa được truyền thông quốc tế đưa tin qua đời ở tuổi 71. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của trang Nhạc Nhật, thành lập từ 2011 và hiện có 150.000 lượt like và 215.000 lượt theo dõi, những nghệ sĩ Nhật được nghe nhiều nhất gắn sát yếu tố nhìn: họ có nhạc dùng ở những bộ phim anime hoặc phim, điện ảnh hoặc series, đang thịnh hành, được nhiều người theo dõi. Rất khó tách rời ảnh hưởng của văn hóa Nhật, mà quá bán thuộc về manga và anime, ra khỏi âm nhạc Nhật được người nước ngoài tìm nghe. Với Việt Nam, khi các bài hát được dịch sang lời Việt, đó là thứ lời duy nhất, vì rất khó lòng để tiêu thụ đĩa, áo, vé hòa nhạc.

Một mặt, trong sự ứ thừa và dễ dàng tiếp xúc (miễn phí), sự cực thịnh của thị trường Nhật, theo trang, dần tạo nên suy nghĩ xem thị trường Nhật đứng top đầu thế giới, và “hài lòng với bất cứ tác phẩm / nghệ sĩ nào nhận được mà không tìm hiểu, mở rộng thêm”. Điều này ít nhiều dẫn tới sự đóng băng trong thẩm mỹ thưởng thức.

Mặt còn lại, các chương trình biểu diễn âm nhạc có yếu tố Nhật Bản tại Việt Nam đại đa số thuộc khuôn khổ ngoại giao – xúc tiến văn hóa. Đơn cử như vở opera Công nữ Aino về chuyện tình giữa nàng công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật Atari Sotaro đầu thế kỷ 17 sẽ được công diễn tháng 9 tới.

Khi người nước ngoài nghe nhạc ngoài nước  - Ảnh 2.

Joe Hisaishi – nhà soạn nhạc thiên tài đứng sau thành công của Studio Ghibli (tháng 4 sẽ có 3 đêm diễn tại Singapore cùng dàn Singapore Symphony Orchestra). Ảnh: sso.org

Nhạc Pháp: vàng son một thuở

Ngày 24.3, Yann Tiersen phát hành single mới nhất Kergelen, nối tiếp album thứ… 13 tiêu đề 11 5 18 2 5 18 đầy bí ẩn, 10 tháng sau album thứ 2 Kerber. Ở một hệ thống sản xuất và tiêu thụ âm nhạc tương đối lành mạnh (Pháp đứng thứ 6 thế giới trong báo cáo năm 2022 của IFPI), gần 30 năm chặng đường sáng tác của Yann Tiersen vẫn bền bỉ, còn được so sánh với bậc lão thành người Mỹ Philip Glass. Chặng đường này cách rất xa cái bóng thẳng đứng, đồ sộ nhưng không phải duy nhất của bộ phim hài lãng mạn về cô gái Amélie Poulain (Cuộc đời tuyệt vời của Amélie Poulain) mà Yann đóng góp nhạc đã 2 thập kỷ trước. Sau Amélie, khán giả Việt dường như không nhớ, không nhắc, cũng không theo dõi chặng đường âm nhạc này, trừ một ít ỏi bài viết trên mặt báo, hay cảm nhận cá nhân của một cá nhân mộ điệu.

Địa chỉ Pháp.fr tổ chức bởi Viện Pháp, cơ quan văn hóa, giáo dục và hợp tác trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, có vẻ rất khó có đất cho một album khác của một nghệ sĩ khác trong nguồn cung nghệ sĩ dồi dào của họ, nếu họ không có dịp nào đặt chân sang Việt Nam biểu diễn. Trang Nhạc Pháp, với 189.000 người theo dõi, vẫn bền bỉ xoay vòng một tập nghệ sĩ Pháp của 40 -50 năm trước: Jacques Brel, Dalida, Christophe, Mireille Mathieu – ta có thể thấy một ca khúc từ 1951, Sous le ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris bay bổng một bài ca) của Juliette Gréco.

Khi không thuộc “phả hệ” những bản chanson lâu đời, lãng mạn giàu giai điệu, khi không rơi vào nhóm hit nhạc kịch Pháp thập niên 80 hoàng kim của bộ đôi Claude-Michel Schönberg – Alain Boublil, khán giả có thể kể không quá 5 cái tên nghệ sĩ Pháp đại chúng ngày nay.

Khi người nước ngoài nghe nhạc ngoài nước  - Ảnh 3.

Yann Tiersen, nhạc sĩ nổi tiếng toàn cầu với việc sáng tác toàn bộ phần nhạc nền cho bộ phim Le Fabuleux Destin d'Amélie Poulain. Ảnh: jambase.com

Nhạc Đức đương đại chờ khám phá 

Năm 2019, kỷ niệm 30 năm Wacken (một trong những festival Metal lớn nhất thế giới), trang web Hehemetal cũng tham dự Wacken theo lời mời từ Lãnh sự quán Đức, tường thuật lại lễ hội âm nhạc “nặng” lớn nhất hành tinh diễn ra tại ngôi làng Wacken.

Không như những trang Nhạc Pháp, Nhạc USUK, Nhạc Nhật, người dùng Facebook Việt dường như chưa từng bắt gặp một trang Nhạc Đức – nếu không tính tới các cộng đồng người Việt sinh sống và sinh hoạt tại nước Đức. Trong đoạn dẫn ở một chương trình biểu diễn cổ điển các tác giả Đức từng viết, “trong 83 triệu dân, 14 triệu người chơi nhạc cụ hoặc tham gia một đội hợp xướng; ⅙ hộ gia đình có thành viên có thể biểu diễn ít nhất một loại nhạc cụ… Vùng North Rhine-Westphalia, cứ 4 đường dẫn vào cao tốc (Autobahn) thì một sẽ có một nhà hát, một sảnh diễn, một dàn nhạc, vô số dàn hợp xướng và chí ít một liên hoan âm nhạc để công chúng tiếp cận”.

Khi người nước ngoài nghe nhạc ngoài nước  - Ảnh 4.

Sau Philippines, Knosis đã "ghé" Việt Nam (tại TP.HCM) hôm 25.3. Ảnh:: Poster chương trình

Nghệ sĩ âm nhạc Đức gần nhất sang Việt Nam biểu diễn thuộc khuôn khổ của Viện Goethe là Moritz Ernst, một nghệ sĩ dương cầm cự phách với một nhạc mục rất thú vị: hơn nửa chương trình là những tác phẩm đến từ những nhà soạn nhạc mới, đương thời và xa lạ. Chắc chắn người đặt bút viết giới thiệu chương trình kia từng có những câu hỏi tương tự: nước Đức đâu chỉ có nhạc không lời, hay hát bằng tiếng Anh như Modern Talking? Một quốc gia, như từng được dẫn, “có hơn 130 dàn giao hưởng chuyên nghiệp, 10.000 nhạc công thành viên, hơn 80 đoàn vũ nhạc kịch trình diễn cố định,” chắc chắn luôn biểu diễn, ghi âm, sáng tác, luôn gọi mời ta thưởng thức.

Theo Lưỡng Thư/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)