Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc kịch Bông cánh cò của NSƯT Bắc Sơn có phiên bản mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đêm 1.8, tại sân khấu UEH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vở Bông cánh cò đã được công diễn với lực lượng toàn học viên trẻ của "bà bầu" – NSND Hồng Vân. Đây là vở nhạc kịch của cố nhạc sĩ NSƯT Bắc Sơn với bàn tay của đạo diễn trẻ Lê Nguyễn Tuấn Anh, đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Câu chuyện cũng lấy bối cảnh miền Tây sông nước đúng y với nội dung nhiều bản nhạc, nên rất dễ lồng nhạc vào thay cho lời thoại. Một cô gái quê lỡ yêu chàng trai thành phố, rồi anh ta đi học xa biền biệt, bỏ cô lại với cái thai bị xì xầm đàm tiếu. 12 năm, anh ta có vợ, còn cô lặng lẽ nuôi con trong cảnh nghèo, may là có cha và em trai đỡ đần, nương tựa. Nhưng vợ chồng anh ta không sinh được con, bèn tìm về xin lại đứa con trai của người yêu cũ. Đứa nhỏ sẽ đi về đâu, sẽ thuộc về ai? Làm sao để vẹn tình vẹn lý?

Mở đầu, một đoạn video khá dài được quay công phu để thuật lại mối tình đó, để dành đất sân khấu cho câu chuyện về sau. Đạo diễn đã xử lý không gian sân khấu khá đẹp, có bờ sông đầy cỏ xanh mướt mắt, có lục bình cập bến, có cái lu sành đựng nước, có hàng rào quấn quýt mướp hoa, có chõng tre, nhà lá, quán nghèo ven sông, buồng dừa… đều gợi được một vùng cù lao xa ngái hắt hiu. Và, còn có những nhân vật cũng rất quen thuộc của miền Tây, từ ông ngoại nông dân khó tính, gàn bướng đến cô thôn nữ dịu dàng, những em học trò ngây thơ… đều được dàn diễn viên trẻ măng thể hiện một cách đáng khen. Kỹ thuật biểu diễn và tiếng nói sân khấu đều khá, đặc biệt giọng ca bạn nào cũng tốt, không cần phải "mượn" ca sĩ chuyên nghiệp bên ngoài.

Nhạc kịch Bông cánh cò của NSƯT Bắc Sơn có phiên bản mới - Ảnh 2.

Vở diễn cho người xem đầy hy vọng vào những thế hệ kế thừa. Ảnh: H.K

Tất nhiên, vẫn cần điều chỉnh một số chi tiết. Chẳng hạn, theo lời NSƯT Hữu Châu, giảng viên của trung tâm: "Các em phải ca trong nội tâm của nhân vật, chứ không phải ca như một ca sĩ bình thường. Lời ca này thay cho lời thoại, thì phải gởi cảm xúc, tâm lý của nhân vật vào đó". Hoặc chi tiết đứa bé nhìn bóng người trên vách mà tin đó là cha của mình, tuy mượn ý của truyện Thiếu phụ Nam Xương, nhưng đây không phải đứa bé 4-5 tuổi như chuyện xưa, mà đứa bé này đã 12 tuổi, liệu có hợp lý? Và một số lớp diễn hài hơi bị dài, nên cắt cho gọn…

Dù vậy, tổng thể, Bông cánh cò là một vở diễn tốt, công phu, cảm động, và cho người xem đầy hy vọng vào những thế hệ kế thừa.

Theo Hoàng Kim/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)