Điều cần nhất cho những vở nhạc kịch cho tuổi dậy thì là hiểu những giằng xé của các em ở lứa tuổi đó.
“Tất cả chúng ta ở đây đều yêu nhau đúng không nào. Chúng ta chỉ chưa hiểu nhau thôi”, nhân vật trong vở nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn (ảnh, Nhà hát Tuổi trẻ, tổng duyệt tối 14.9) nói. Hiểu nhau, nhất là hiểu lứa tuổi dậy thì thật là khó, khi các bố mẹ luôn có một hình mẫu “con nhà người ta”, và các con cũng có “bố mẹ nhà người ta” trong đầu.
Đấy cũng là lý do NSƯT Lê Ánh Tuyết, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một lần nữa lại dựng vở về đề tài tuổi trẻ. “Rồi tôi sẽ lớn là vở nhạc kịch thứ hai mà tôi dàn dựng về đề tài tuổi trẻ, sau nhạc kịch Trại hoa vàng giành huy chương vàng trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 vừa qua”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Trong Rồi tôi sẽ lớn, người xem sẽ được gặp những mâu thuẫn gia đình vẫn thường được mổ xẻ trên mạng xã hội. Bố mẹ đọc trộm nhật ký, không tôn trọng quyền riêng tư của con. Bố mẹ chỉ lao đi kiếm tiền hoặc rối bù lên vì việc nhà mà quên chăm sóc lẫn nhau. Rạn nứt của cha mẹ tạo kẽ hở cho người thứ ba chen chân vào…
Những mâu thuẫn này không mới, nhưng được đặt trên nền âm nhạc người trẻ gần đây thích. Vì thế, những cảnh có kết hợp với nền nhạc Trốn tìm (Đen Vâu), hay Ước mơ của mẹ (Hứa Kim Tuyền, Văn Mai Hương) đều đạt được cảm xúc trội hơn phần còn lại của vở diễn.
Tác giả kịch bản Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn của Báo Hoa Học Trò) cho biết những câu chuyện trong vở nhạc kịch này chính là từ những lá thư mà học trò gửi về cho anh và cả tâm sự của nhiều cha mẹ. “Tôi mong vở nhạc kịch này sẽ không chỉ nằm lại trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ mà nó sẽ được lan tỏa đến các trường học, trở thành giáo cụ giúp các trường học dùng nó cho các bậc phụ huynh xem và chính các em xem”, ông Tú chia sẻ.
Rồi tôi sẽ lớn sẽ còn được chỉnh sửa thêm. Mặc dù vậy, tác phẩm cũng khiến người xem đặt ra các so sánh. Chẳng hạn, khi nhạc kịch học sinh thời gian gần đây đã rất “bạo chi” về dàn dựng, thiết kế sân khấu, thì sân khấu nhỏ nhắn với thiết kế giản dị của vở có khiến các em hài lòng không? Các câu thoại liệu đã đủ độ hóm hỉnh để thu hút lứa tuổi thanh thiếu niên hay chưa. Khả năng biểu diễn cùng lúc cả âm nhạc, vũ đạo, kịch của các diễn viên liệu đã đủ “sung” để khiến khán giả “chịu” đến mức độ nào.
Đặc biệt, vở diễn Rồi tôi sẽ lớn nhắc các nhà sản xuất sân khấu: Có một phân khúc khán giả đang hầu như không có vở diễn để thưởng thức. Trong khi, họ rất trẻ và là nguồn khán giả tương lai.
Theo Trinh Nguyễn/TNO
Bình luận (0)