Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc kịch Đức tìm khán giả Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Với vở Người đi qua thung lũng vừa ra mắt tối 14-1 tại Hà Nội và tiếp tục công diễn đến 16-1 tại Nhà hát lớn Hà Nội, khán giả sẽ cùng lúc được thưởng thức diễn xuất của nhiều nghệ sĩ cho một nhân vật.

Như Lai – Parzival (nằm) và Trung Hiếu – Merlin (bìa phải) diễn ăn ý trong Người đi qua thung lũng – Ảnh: Nga Linh

Ðây là vở nhạc kịch hợp tác Việt – Ðức, kết hợp kịch nói, vũ đạo, âm nhạc – dự án từng bị lắc đầu chê “không làm được ở VN”, nay trở thành dự án nhạc kịch đầu tiên của năm 2011 bước lên sân khấu. Vở có sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ với 20 nghệ sĩ trong dàn hợp xướng, 10 diễn viên múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, ba diễn viên kịch cùng dàn nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia VN.

“Ðây là câu chuyện phổ quát về chàng trai Parzival dứt khỏi vòng tay mẹ để khám phá thế giới. Tôi tin mỗi quốc gia đều có một câu chuyện về một con người như thế, đi tìm kiếm cái mà anh ta chưa biết” – nữ đạo diễn Beverly Bankenship kỳ vọng sự đồng cảm của khán giả VN về một thần thoại châu Âu. Dàn dựng ở VN, bàn thờ cúng tổ tiên đậm chất Việt cũng được tái hiện trên sân khấu.

Hình tượng Parzival bắt nguồn từ thần thoại châu Âu thời Trung cổ, là vị vua canh giữ chén thánh mà chúa Jesus đã dùng trong bữa tối cuối cùng với các tông đồ. Ðề tài Parzival được nhiều tác phẩm văn học, kịch nói, ca kịch và điện ảnh thế giới theo đuổi. Vở diễn tại Hà Nội phản ánh thời niên thiếu của nhân vật này. Ðứa trẻ Parzival mồ côi cha, hoang dã, ngây ngô, sống cô đơn cùng mẹ trong rừng, lớn lên với “lý tưởng sống, sự nam tính đã chết theo người cha”. Xa cách mọi nền văn minh, khi tiến vào thung lũng cuộc đời, cậu tàn bạo giết đi kỵ sĩ áo đỏ như trò chơi bóc vỏ tôm hùm, điềm nhiên vặn cổ chim lửa (do phù thủy Merlin đội lốt) nhưng chính cậu lại muốn đi tìm ý nghĩa của thế giới loài người.

Vở nhạc kịch viết cho diễn viên, ca sĩ, vũ công và dàn nhạc lớn. Ðạo diễn sân khấu, đạo diễn vũ đạo, giáo viên thanh nhạc… tập riêng, rồi ghép chung liên tục trong hai tháng rưỡi để cho ra đời 19 phân cảnh được dàn dựng bắt mắt, biến chuyển đa dạng, kỹ lưỡng. Những diễn viên múa, hát thể hiện phần hồn, phần tâm trạng bấn loạn của diễn viên kịch. Một Parzival kịch nói (Như Lai) bên cạnh một Parzival múa (Phạm Trí Thanh); một Merlin nói (Trung Hiếu) bên cạnh một Merlin múa (Ðặng Minh Hiền), hát (Vũ Mạnh Dũng)…Nhiều khán giả trong đêm 14-1 cho biết họ bị cuốn hút bởi thầy phù thủy Merlin vừa thần thánh vừa ma quỷ, vừa kiến tạo, hủy hoại vừa là thằng hề qua diễn xuất của Trung Hiếu.

Tác phẩm do nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng của Ðức Tankred Dorst viết phần thoại. Mọi ca từ được nghệ sĩ VN thể hiện bằng tiếng Ðức, phụ đề tiếng Việt chạy trên cùng bên phải sân khấu. Sau một lớp màn che, dàn nhạc giao hưởng chơi tác phẩm của nhà soạn nhạc Pierre Oser, đệm cho tiếng hát của những nghệ sĩ opera: NSƯT Hà Mạnh Chung (vai Galahad), Trịnh Thanh Bình (vai Gawain), Ngô Hương Diệp (vai Herzeloide)…

“Ðiều mà nghệ sĩ VN học được là từ một câu chuyện đơn giản, với cách làm cầu kỳ, có thể tạo cảm xúc mãnh liệt cho khán giả” – Như Lai, người được chọn vai chính Parzival, nói.

NGA LINH (Theo TTO)

Bình luận (0)