Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc kịch Việt: Nhiều vở diễn sáng đèn

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, nhiều dự án nhạc kịch công diễn thành công đã góp phần mang đến hơi thở mới cho sàn diễn

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Thái Dương, cho biết Sân khấu IDECAF vừa đưa lên sàn tập vở nhạc kịch "Lộ hàng" của tác giả Lê Hoàng, do đạo diễn – NSƯT Thành Lộc dàn dựng.

Được công chúng đón nhận

Sau thành công của tác phẩm "Tiên Nga", cũng do NSƯT Thành Lộc dàn dựng, "Lộ hàng" là vở nhạc kịch thứ hai được đầu tư theo đúng hướng thuần Việt. Thông tin này khiến những khán giả yêu thích nhạc kịch hồ hởi, chờ đợi được xem tác phẩm mà NSƯT Thành Lộc đã đổ nhiều tâm huyết.

Những năm gần đây, các dự án nhạc kịch đã dần thu hút sự chú ý, cổ vũ của đông đảo người xem. Trong đó, tiêu biểu là dự án "Hope" của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh với 3 vở nhạc kịch: "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối" và "Mộng ước không xa vời", với 35 suất diễn liên tục tại khán phòng L’Espace (Hà Nội). Kế đến, vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng dựa theo tác phẩm cùng tên của đại văn hào Pháp V. Hugo đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, dù mức độ doanh thu và thành công về mặt chất lượng nghệ thuật còn khác nhau nhưng nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn đã bước đầu được công chúng đón nhận, mang lại không khí sáng tạo mới cho sân khấu nước nhà, đặt nền tảng để sân khấu nhạc kịch thuần Việt có cơ sở phát triển. Có thể nói, đây là hướng đi đầy tiềm năng để sân khấu Việt đổi mới cách thể hiện, chinh phục công chúng hiện đại sau khi đã tham khảo nhiều tác phẩm nhạc kịch đỉnh cao của thế giới qua nền tảng số.

NSND Trần Minh Ngọc cho biết kể từ sau vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam mang tên "Cô Sao" (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) được dàn dựng, công diễn lần đầu năm 1965, nhạc kịch Việt đã có những bước chuyển mình trong hơn nửa thế kỷ qua. Dù xuất hiện không liên tục nhưng các dự án nhạc kịch của sân khấu tại TP HCM và Hà Nội đã tạo nên sự mới mẻ, giúp người yêu nghệ thuật trong nước làm quen với lĩnh vực này.

Lý giải như thế nào là nhạc kịch thuần Việt, NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng trước hết, kịch bản phải là tác phẩm văn học của Việt Nam, âm nhạc do người Việt sáng tác nói lên được tiếng lòng của dân tộc. Tác phẩm nhạc kịch thuần Việt tất nhiên phải do người Việt làm đạo diễn, diễn viên cũng phải là người Việt.

Không ít người làm nghệ thuật trong nước đã mạnh dạn "thử lửa" với những vở nhạc kịch thuần Việt như: "Dế Mèn phiêu lưu ký" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM), "Tiên Nga" (Sân khấu Kịch IDECAF), "Tuyết Sài Gòn", "Tấm Cám", "Thủy Tinh – Đứa con thứ 101" (nhóm kịch Buffalo, TP HCM), "Hà Nội xưa và nay", "Tôi đọc báo sáng nay" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), "Trại hoa vàng" (Nhà hát Tuổi Trẻ)… Mới đây, nhạc kịch "Sóng" của Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạo được sự chú ý của dư luận về câu chuyện tình của vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.

Nhạc kịch Việt: Nhiều vở diễn sáng đèn - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở nhạc kịch thuần Việt “Tiên Nga”. Ảnh: Thanh Hiệp

Trước hết, phải đáp ứng yếu tố giải trí

Lạc quan là vậy nhưng để có thể đi đường dài, hành trình của nhạc kịch thuần Việt vẫn còn nhiều thử thách và nhiều việc phải làm.

NSƯT Ca Lê Hồng nhận định điều quan trọng nhất là quá trình tìm kiếm chất liệu để sáng tác kịch bản nhạc kịch. Muốn có kịch bản nhạc kịch thuần Việt thì giữa tác giả được đặt hàng và đạo diễn được mời dàn dựng phải có sự đồng điệu. Từ khi thai nghén kịch bản đến lúc diễn viên thẩm thấu được chất nhạc kịch là cả một quá trình. Bên cạnh đó, diễn viên phải có giọng hát hay, chuyển tải được trọn vẹn cảm xúc từ lời hát, vũ điệu và âm nhạc của vở diễn.

"Biên đạo múa đúng chuẩn với kịch bản nhạc kịch cũng là một thách thức lớn. Nguồn nhân lực này đang rất thiếu vì hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành nhạc kịch" – NSƯT Ca Lê Hồng trăn trở.

Theo các nhà chuyên môn, kịch bản nhạc kịch bắt buộc phải có "chất" riêng, hoàn toàn khác với việc chọn một kịch bản bất kỳ rồi viết ca khúc thay cho lời thoại là có thể gọi nhạc kịch. Kế đến, âm nhạc của nhạc kịch cũng khác biệt. Đây là phần rất quan trọng, chiếm đến 80% thành công của một vở nhạc kịch. Thực tế, nhiều vở nhạc kịch vừa qua đã bị chê về phần âm nhạc do chất lượng khá yếu. Các ca khúc chưa chạm đến cảm xúc người xem, vẫn còn vay mượn từ âm nhạc của các vở nhạc kịch nước ngoài.

Một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của vở nhạc kịch là trình độ của diễn viên. Diễn viên nhạc kịch đòi hỏi phải đủ lực để vừa hát, múa vừa thoại và sống thật với nội tâm nhân vật.

Các nhà chuyên môn nhận định tác phẩm "Tiên Nga" chính là chuẩn mực của nhạc kịch thuần Việt. NSƯT Thành Lộc và nhạc sĩ Đức Trí đã khai thác âm nhạc ngũ cung, tạo sự khác biệt rất lớn đối với những dự án nhạc kịch trước đó.

Đó cũng là lý do vì sao Nhà hát Tuổi Trẻ quyết định tổ chức nhiều đợt tuyển chọn diễn viên trên diện rộng để lựa chọn được nhân sự đủ khả năng cho các vai diễn trong vở "Sóng". NSƯT Thành Lộc khi dựng nhạc kịch cũng tuyển chọn rất kỹ ê-kíp phù hợp.

Khoảng trống hiện nay cần được lấp đầy để nhạc kịch thuần Việt phát triển chính là lực lượng biểu diễn, đạo diễn, sáng tác, nhạc công. Bên cạnh đó, phần kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, trang phục, cảnh trí hỗ trợ nhạc kịch vẫn cần phải được đầu tư. Nguồn kinh phí cho những phần việc này không hề nhỏ, do vậy cũng là một rào cản khiến các nhà sản xuất, các đơn vị xã hội hóa còn ngại "đụng" đến nhạc kịch.

Dù vậy, những tín hiệu vui vừa qua là sự khởi sắc của nhạc kịch Việt, cho thấy khán giả đã bắt đầu đón nhận một số dự án. Tính nghệ thuật cần nhất hiện nay chính là đáp ứng yếu tố giải trí, sau đó tạo thói quen để khán giả chọn việc mua vé đến rạp xem nhạc kịch thuần Việt.

Các nhà chuyên môn tin rằng một khi các dự án được thực hiện tốt, hiệu quả nghệ thuật sẽ giúp nhạc kịch thuần Việt có chỗ đứng trong lòng công chúng trong thời gian tới.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)