Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhắc nhớ bữa ăn độn khoai lang…

Tạp Chí Giáo Dục


Cơm đn khoai lang mang đm dn tui thơ thế h trưc (nh minh ha)

1. Một bữa cuối tuần ở nhà, nghe tiếng rao của người bán hàng rong: “Ai khoai lang hôn… hôn…?”, tôi giục vợ ra mua vài ký. Chiều đó, nhà tôi có món khoai hấp cơm. Tôi nhanh nhảu vớt vội những khúc khoai vàng ươm ra khỏi nồi, vừa thổi vừa ăn. Một vị ngọt đậm, dẻo, thơm quyện trong miệng. Ít khi có cảm giác khoai ngon như vậy.

Đang tận hưởng hương vị đậm đà của mấy khúc khoai thì vợ tôi hỏi: “Anh định ăn khoai trừ cơm luôn sao?”. Tôi mỉm cười: “Cũng được chứ sao! Ngày xưa vẫn thế đó thôi!”. Nhưng nụ cười của tôi tắt rất nhanh khi nghe vợ nói: “Đâu có được, để em ăn với chứ!”. Thì ra không phải vợ ngại tôi mải ăn khoai mà không ăn cơm, thực sự là cô ấy lo tôi… ăn hết khoai!

Thì vậy đó, ăn khoai trừ cơm vốn là chuyện đã từng xảy ra, bây giờ lặp lại thôi. Tức là chỉ ăn khoai, không ăn cơm. Nhưng hẳn cảm nhận của xưa và nay về điều đó đã hoàn toàn khác rồi!

2. Ngày xưa, trên bốn mươi năm trước, ăn độn khoai lang, khoai mì là chuyện bình thường. (Đương nhiên còn nhiều thứ để độn nữa như bắp, củ chuối, bo bo, rau, đọt lang, củ sắn, củ mì tinh…). Không ăn độn mới lạ. Tôi nhớ, hồi nhỏ, mới qua Tết, ngoại tôi đã quảy gánh đi mua khoai lang, năm nào có được vài gánh, ăn độn dần, thì bà mới an tâm. Xung quanh, mười nhà đến bảy, tám nhà phải ăn độn. Thường thì cơm nửa khoai nửa. Chắc ăn hơn thì cơm ba khoai bảy. Bữa nào có khách quý hoặc “đổi món” thì mới nấu cơm không… Mà cơm độn khoai thì người lớn nhiều khi chỉ ăn khoai, cơm để cho trẻ nhỏ.

Quê tôi, một huyện nghèo miền biển của xứ dừa (tỉnh Bến Tre), không phải là vựa lúa gạo, bà con quanh năm làm một vụ lúa, chan chát… Mà lúa mùa, một mẫu (mười ngàn mét vuông) trúng lắm cũng khoảng hai trăm giạ (tương đương bốn tấn lúa), thường thì chưa đến trăm rưỡi giạ. Chỉ có gia đình khá giả mới nói chuyện ruộng đến mẫu, còn thì năm, bảy công. Lúa đó đâu phải để ăn, mà còn phải lo nhà cửa, quần áo, bệnh đau, hiếu hỉ…, kể cả dùng trong nuôi gà, nuôi vịt. Người ta phải buông cái này bắt cái kia: soi cá, bắt cua, mò ốc, hái rau, nuôi vịt, làm mướn…, mùa vào việc ấy, người thuận gì làm nấy. Vậy mà vẫn cơm độn. Đó là cái thời gian khó của những năm đầu sau khi hết chiến tranh…

Nên có khoai để mà độn đã là hạnh phúc rồi!

3. Hồi đó, khoai không ngon như bây giờ. Các loại khoai lang giống địa phương, năng suất thấp, chất lượng cũng không cao. Khoai tím củ dài, to cỡ ngón chân cái, có nhiều xơ, ăn ngòn ngọt. Khoai như ngọc củ to, khá ngọt, bột nhiều, ăn dễ mắc nghẹn. Khoai trồ ban ít bột, trong khe, ngọt, dễ ăn nhưng kém ngon. Khoai bí hơi bở, có màu như bí rợ, ăn ngọt. Khoai bình ty hơi khô, bột nhiều, khó ăn… Khoai nấu chung với cơm là cách ăn độn phổ biến. Khoai còn đem nấu canh (với tôm, ngày trước hiếm khi đem hầm xương như sau này, có lẽ ít có ai mua được xương heo, xương bò để mà hầm), ăn như một món độn khác! Hay đem nướng (khoai lùi), đem luộc ăn dặm… Nhà nào khá thì lấy khoai nấu chè (chỉ na ná chè bà ba, bởi đậu xanh hơi hiếm), quết làm nhưn cho món chè trôi nước. Trong Nam, hiếm thấy nhà nào làm món khoai luộc hoặc khoai tươi xắt phơi khô để dành ăn dần như ngoài Trung.

Tôi nhớ bà nội tôi còn chế biến thành một món rất đặc biệt: bà bóp vụn khoai rồi trộn với dừa nạo, ít muối, đường, rồi vo lại thành viên. Khi nhỏ, tôi thích ăn món này trừ cơm. Nhưng chỉ ăn vài lần, rồi cũng đòi cơm, vì ăn khoai xót ruột. Không thể có thứ gì thay cơm được!

Đương nhiên, bây giờ còn có món khoai lang sấy dẻo, ăn rất ngon nhưng giá cũng không phải rẻ. Hay khoai lang lắc, khoai lang chiên giòn, khoai lang nướng, khoai lang nướng phô mai, khoai lang nướng nước cốt dừa, mứt khoai lang, khoai lang viên chiên…, đều là những món làm từ khoai lang khá cầu kỳ và dĩ nhiên có hương vị riêng, có thể nói là khá hấp dẫn. Trong số đó, có nhiều món được các bạn trẻ rất thích và các bạn có thể hoàn toàn không có chút ấn tượng nào về thời kỳ ăn khoai độn như thế hệ ba mẹ, ông bà của mình.


Tôi nh
 lúc sinh thi, ba tôi hay nói: Không có kh cc thì không th nào biết sung sưng.

4. Bây giờ khoai lang có nhiều loại, giống mới, năng suất cao, chất lượng ngon. Khoai lang Nhật, khoai lang Đà Lạt…, củ to, vị ngọt, nấu như đổ mật. Khoai giờ là món ăn chơi chứ không còn là món ăn độn nữa. Vì khoai ngon nên giá cả cũng không rẻ, một số loại ngang hoặc cao hơn giá gạo: khoai lang Nhật có giá ba mươi ngàn mỗi ký thì giá gạo dẻo thơm Thái chỉ khoảng hai mươi ngàn, gạo ST hơn hai lăm ngàn… Chẳng ai ăn khoai độn cơm cả, vì rõ ràng không kinh tế! Có khi, nên nói là ăn khoai độn cơm cũng chẳng sai! Tức là ngày xưa khoai là thứ để độn vào cơm thì bây giờ cơm là thứ độn vào khoai!

Dĩ nhiên, đó là lý do vui. Cái chính là bây giờ chắc chẳng ai thiếu gạo đến độ phải ăn độn khoai, dù có thể còn người nghèo, nhưng vẫn có thể dễ dàng mua được gạo. Hiện nay, gạo có giá tăng khá nhiều so với vài năm trước (trừ lúc dịch giá cao là do khan hiếm và… tâm lý tích trữ) nhưng vẫn là khoản chi không lớn trong tổng các khoản chi dành cho thức ăn của hầu hết các gia đình. Người ta ăn cơm thì ít mà thịt, cá, trứng, rau… thì mới tốn nhiều. Và vì vậy, khoai ít được xem là một loại lương thực quan trọng, dù nó vẫn thuộc nhóm cây lương thực.

5. Các con tôi thấy ba mẹ ăn khoai coi đó là cách chúng tôi giảm tinh bột, tăng chất xơ, nhằm hạn chế tăng cân, ổn định đường huyết, chứ không thấy đó là một món ăn ngon… hơn cơm! Chúng càng không thể thấy đó là sự gợi nhớ thời kỳ khó khăn đã từng ăn độn mà ký ức vẫn còn in đậm. Cũng như tôi thỉnh thoảng ăn cơm gạo nở, cá khô chiên, canh rau tập tàng… để nhớ thuở ăn uống còn thiếu thốn nhưng lúc nào cũng thấy ngon lành.

Nhân những bữa ăn đó, tôi hay kể cho các con nghe chuyện xưa cũ về thời kỳ gia đình nói riêng và xã hội nói chung đã nỗ lực vượt khó thế nào. Có khi các con nói rằng: “Chuyện đó ba kể hoài” nhưng tôi nghĩ vẫn nên kể đi kể lại, không phải là một loại tâm lý “ôn nghèo kể khổ” thông thường mà là nhắc nhớ về sự vươn lên của toàn xã hội từ điều kiện ăn thiếu mặc rách đến đủ đầy, khá giả như hiện nay là cả một quá trình chứ không tự nhiên có. Các con tôi cũng như các bạn trẻ phải hiểu rằng bản thân luôn luôn nỗ lực, phấn đấu, để tri ân và xứng đáng với sự cố gắng của các thế hệ đi trước, cũng như không ngừng kế thừa và phát huy thành tựu chung của đất nước, của xã hội, từ đó mới có thành tựu riêng của từng gia đình, từng cá nhân.

Tôi nhớ lúc sinh thời, ba tôi hay nói: Không có khổ cực thì không thể nào biết sung sướng. Điều đó rất đúng, không trải qua những bữa đói lạnh thì không thể hiểu được giá trị của chén cơm nguội hay manh áo rách; không hiểu được xã hội đã từng có thời kỳ ăn độn khoai lang thì không thể cảm nhận đầy đủ giá trị của cuộc sống sung túc ngày nay!

Nguyn Minh Hi

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)