Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhạc phim – cách tiếp thị hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, điện ảnh Việt đang trên đà tăng tốc, phim nối nhau ra rạp tại nhiều thời điểm trong năm. Bên cạnh muôn vàn chiêu quảng cáo thông tin, việc đẩy mạnh tiếp thị âm nhạc trong phim ngày càng được chú trọng.

Đặc biệt, vài ca khúc chủ đề đã vượt ra ngoài “biên giới” một bộ phim, để trở thành ca khúc độc lập, có đời sống riêng và được công chúng đón nhận, yêu mến.

Tiến Minh và Bùi Anh Tuấn nhận giải Bình chọn của khán giả cho ca khúc Nỗi nhớ vô hình

Trước khi phim ra mắt, những single – album và công phu hơn là những MV (music video) ca khúc chủ đề trong phim được nhà sản xuất thực hiện rồi tung lên mạng, phát liên tục trên các kênh truyền hình để gây chú ý, như: Buổi chiều hôm ấy (Phim Thần tượng) do Phạm Quỳnh Anh thể hiện; Lặng thầm một tình yêu do Thanh Bùi và Hồ Ngọc Hà song ca (phim Để mai tính); Chờ người nơi ấy – Uyên Linh (phim Mỹ nhân kế); Có bao giờ anh nhớ – Lều Phương Anh (phim Tiền chùa)… Có bài hát trong phim, dù không được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn để lại nhiều cảm xúc cho người nghe – người xem, như: Không tên của Lê Cát Trọng Lý (phim Bí mật thảm đỏ 2), Như một lời hứa – Thảo Trang (phim Để mai tính 2), Tốc độ – Trang Pháp (phim Tốc độ và đường cong)…và càng được yêu thích, tìm nghe sau khi phim ra mắt.
Bên cạnh đó còn có những cách tiếp thị mới khá hiệu quả như tung bài hát lên các bảng xếp hạng âm nhạc, như trường hợp Nỗi nhớ vô hình của Bùi Anh Tuấn và Tiến Minh đã được gửi tham gia chương trình Bài hát yêu thích và liên tục chiến thắng giải bình chọn của khán giả trong hai tháng, trước khi chính thức xuất hiện trong phim Lạc giới cũng tạo cho khán giả sự tò mò về bộ phim. Lạc giới còn một ca khúc nữa khiến người ta phải nhớ đến là Lạc bờ, thu hút sự quan tâm của khán giả bằng câu chuyện bên lề: sự hợp tác ăn ý của hai người bạn thâm niên là Mỹ Linh và Huy Tuấn. Lạc bờ cũng được quay MV và sau đó được chính Mỹ Linh thể hiện “sống” với chính bộ trang phục trong cảnh quay của clip trong đêm ra mắt khiến người xem không thể không chú ý. Ở khía cạnh chỉn chu hơn phải kể đến phim Hiệp sĩ mù với phần âm nhạc của Đức Trí. Dù không có ca khúc chủ đề nhưng toàn bộ phần sound track (nhạc phim) gồm: nhạc dạo đầu, nhạc nền và nhạc kết phim đã được in ra hẳn một CD để tặng khán giả trong những suất chiếu đầu tiên và sau đó được tung lên mạng. Đây được xem là một cách làm rất chuyên nghiệp, khiến những người yêu phim rất thích thú bởi đĩa sound track rất phổ biến ở nước ngoài nhưng lại cực kỳ hiếm ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp nhạc phim gây ra hiệu ứng ngược như Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng MTP và Cơn mộng du của Trương Ngọc Ánh. Dù được quảng bá rộng rãi trước khi phim ra mắt nhưng khi chính thức được nghe diễn viên Trương Ngọc Ánh hát ca khúc cuối phim Hương Ga, khán giả có chút tiếc nuối vì nếu để một ca sĩ nào đó thể hiện, có lẽ sẽ tạo được hiệu ứng tốt hơn cho phim! Cơn mộng du sau đó chìm lỉm giữa thị trường, dù được quảng bá mạnh mẽ và được quay MV, in DVD tặng khán giả. Còn với Chắc ai đó sẽ về khi vừa được tung ra đã gây bão trên mạng xã hội, các trang nghe nhạc trực tuyến và nhanh chóng dấy lên những lời chỉ trích về việc “đạo nhạc” của Sơn Tùng cũng như lùm xùm “cơm không lành canh không ngọt” với công ty quản lý cũ, khi anh tự ý hợp tác thu âm ca khúc trên cùng đạo diễn Quang Huy – đạo diễn phim Chàng trai năm ấy!
Nhạc phim giờ đây không chỉ hiểu đơn giản là “trang sức” tô điểm cho bộ phim, chính nhà sản xuất, đạo diễn và quan trọng là khán giả đã xem đó là một phần yếu tố quan trọng làm nên hiệu ứng – cả tốt lẫn xấu cho bộ phim.

Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)