Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc phim phần lớn vô vị

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn nhạc phim của ta, nhất là mảng phim video và truyền hình, nhiều năm qua, rơi vào tình trạng tham lam, tùy tiện, gây cảm giác nhạt nhẽo vô thưởng, vô phạt, chỉ để “vui tai” (thực chất là khổ tai).

Cảnh phim “Thứ ba học trò” đang phát trên HTV9. Ảnh: Vũ Anh

Âm nhạc cho phim được coi là tốt, có giá trị khi nó hài hòa nhuần nhuyễn với tác phẩm điện ảnh, phục vụ đắc lực nhất cho khả năng cảm thụ của người xem đối với phim, chứ không phải chỉ để nghe sướng tai.

Nhạc phim, theo tôi, nên định hướng vào tình huống và tính cách. Nhạc tình huống là nhạc gây không khí, gợi ý người xem lĩnh hội đầy đủ nội dung của những tình huống bằng âm nhạc. Tình huống có cảnh và người.

Cảnh gồm cảnh tĩnh và động, còn con người thì đủ mọi trạng thái tâm lý với rất nhiều mối quan hệ. Lâu nay, chúng ta vẫn thiên về lối làm nhạc tình huống này, nhưng lại quên mất nguyên tắc: Chỉ để âm nhạc xuất hiện khi bản thân ngôn ngữ hình ảnh chưa nói hết được. Rất nhiều khi nhạc sĩ đã cho âm nhạc hiện diện ở những tình huống mà bản thân hình ảnh đã diễn ra thấu đáo.

Một cách làm tuy chưa được nhiều nhạc sĩ Việt Nam sử dụng nhưng tỏ ra có hiệu quả tốt, đó là nhạc tính cách. Gắn với một vài nhân vật chính mang những tính cách đậm đà, độc đáo trong phim là những chủ đề âm nhạc cố định.

Cứ mỗi lần nhân vật xuất hiện ở những tình huống cần nhạc thì đường nét ấy lại vang lên với những cách diễn tấu của những nhạc cụ khác nhau. Và người xem có thể nhớ được chủ đề âm nhạc ấy khi xem phim.

Những bộ phim dạng như Thằng Bờm, Thằng Cuội rất phù hợp với việc viết nhạc này vì Bờm và Cuội là những tính cách khá độc đáo, có đất rất tốt cho việc tạo nên những chủ đề âm nhạc thú vị phù hợp với những tính cách đó.

Ở một số phim, nhất là miêu tả chuyện tình cảm động hoặc có nội dung giàu chất trữ tình, có thể xuất hiện một bài hát, nhưng phải thật “đắt” và quan trọng hơn là phải rất phù hợp với bộ phim. Và tốt nhất là để âm nhạc phát triển từ chính chủ đề bài hát ấy.

Nếu sau đó, bài hát có khả năng tồn tại độc lập, khiến công chúng ưa thích, có sức lan tỏa rộng rãi thì rõ ràng là một khả năng lý tưởng, người làm nhạc cần vươn tới.

Đã có nhiều bài hát tiêu biểu thuộc trường hợp này: Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn). Hoa sữa (Hồng Đăng), Chị tôi (Trọng Đài), Bạch LongVĩ đảo quê hương (Huy Du), Trên những nẻo đường phù sa (Bảo Phúc), Hà Nội thành phố cuả niềm tin (Hồ Bắc),  Bài ca trong hang đá (Nguyễn Văn Thương)…

Tình hình âm nhạc trong phim truyện hiện nay, nhất là phim truyền hình – thật đáng phàn nàn. Rất ít phim gây được ấn tượng về âm nhạc. Phải chăng trong cái sự nhạt nhẽo vô vị của chất lượng phim truyền hình hiện nay mà dư luận vẫn kêu ca, có đóng góp của người làm nhạc?

Những đoạn nhạc vụn vặt mờ nhạt về ý đồ, loãng về màu sắc và dễ dãi về ngôn ngữ xuất hiện khá tùy tiện. Thấy rằng, có thể nhặt nhạc ở phim này đưa vào phim khác cũng chẳng sao, vì đều “vô thưởng vô phạt”.

Sự xuất hiện bài hát ở nhiều phim cũng rất ít hiệu quả, nếu không nói là khiên cưỡng, ngang tai. Một “thợ” làm nhạc phim nọ đã nhiều lần cho ca khúc xuất hiện trong các phim mình làm, khả năng làm lời hạn chế đến nỗi đã mấy lần cùng đưa từ “mưu sinh” vào bài hát vốn dĩ có giai điệu rất đỗi dông dài.

Bài hát trong phim cần góp phần gợi mở thêm cảm xúc, khả năng liên tưởng cho người xem. Khi màn ảnh khép lại, cùng với nội dung bộ phim, âm điệu bài hát cứ ám ảnh họ khiến họ tha hồ cảm xúc suy nghĩ. Nhìn vào thực tế phim Việt Nam hiện nay, những tác phẩm đạt được điều đó còn quá ít.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)