Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc phim Việt: Nếu “chạm” vào trái tim, khán giả sẽ quảng bá không công

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi công chiếu, một số phim Việt gây chú ý nhờ ca khúc chủ đề ấn tượng. Nhạc phim là thành tố quan trọng cộng hưởng vào thành công chung của tác phẩm.

Sau cộng hưởng là đời sống độc lập

Khi Sau lời từ khước (Phan Mạnh Quỳnh sáng tác) vang lên, khán giả xem phim Mai xót thương nhiều hơn cho nhân vật và câu chuyện tình dở dang của họ. Nhân khi ca khúc được yêu thích, đạo diễn Trấn Thành và nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh đều tung bản nhạc hoàn thiện lên YouTube cá nhân. Hiện 2 phiên bản của Sau lời từ khước (chỉ khác về hình ảnh) đều xuất hiện trong bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành, tương ứng cho hơn 4,3 và 2,8 triệu lượt nghe. Cùng với lượt view liên tục tăng trên YouTube, kể từ khi ra mắt, đoạn điệp khúc của Sau lời từ khước cũng xuất hiện dày đặc trên các nền tảng Facebook và TikTok. Sự hưởng ứng này từ người nghe cho thấy tình cảm của họ dành cho ca khúc và dự án phim nói chung.

Sau lời từ khước đạt lượt view khá tốt trên YouTube -  Ảnh chụp màn hình

Sau lời từ khước đạt lượt view khá tốt trên YouTube. Ảnh chụp màn hình

Cùng thời điểm với Mai, phim Gặp lại chị bầu cũng tung ca khúc nhạc phim mang tên Chị mẹ (Nhất Trung sáng tác) sau khi phim công chiếu được vài ngày. Dù không đạt lượt nghe cao như Sau lời từ khước, bài hát do ca sĩ Anh Tú thể hiện cũng được khán giả ủng hộ, với nhiều bình luận tích cực. Đặt trong câu chuyện phim, ca khúc thể hiện được ý đồ của đạo diễn, tạo sự kết nối khá tốt cho mạch phim.

Ở thời điểm đang chiếu tại rạp, sự chú ý của công chúng dành cho 2 ca khúc nhạc phim nói trên là dễ hiểu. Và trên thực tế, có những bộ phim, hàng chục năm sau, nghe lại bản nhạc phim đó, khán giả vẫn như được sống lại với những ký ức đẹp của tuổi thanh xuân. Hiện nay, Phan Mạnh Quỳnh là ca sĩ, nhạc sĩ khá “mát tay” khi nhiều ca khúc nhạc phim của anh được khán giả yêu thích, dù bộ phim đã công chiếu xong, như Sao cha không trong phim điện ảnh Bố già, Ngày chưa giông bão trong Người bất tử, các ca khúc trong phim Mắt biếc như Từ đó, Hà Lan, Tôi chỉ muốn nói… Để có được sức sống độc lập sau đó, nhạc của Phan Mạnh Quỳnh được nhiều người nghe đánh giá là có chất riêng, ca từ đặc biệt, không lẫn với ai và quan trọng là truyền tải thành công tâm tư của nhân vật, phù hợp với nội dung và tinh thần của tác phẩm điện ảnh.

Đầu tư đúng, tăng phần “thắng”

Rõ ràng, khi nhạc phim xuất hiện đúng lúc, sẽ giúp cảm xúc của người xem được nâng lên, đẩy được cao trào hoặc kết nối các tình tiết phim. Các nhà sản xuất cũng thường tung MV ca khúc nhạc phim trước, làm tăng sự tò mò của khán giả.

So với nhiều năm trước, âm nhạc trong phim đã được nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn. Ngoài chú ý đến phần nhạc nền, âm thanh xuất hiện ở xuyên suốt phim, phần lớn các dự án đều đặt hàng ca khúc chủ đề cho phim. Việc đặt viết riêng bài nhạc dựa trên nội dung, thông điệp phim giúp tạo được sự mới mẻ, dễ mang đến bất ngờ cho người xem. Đặc biệt trên các nền tảng xã hội, nếu bài hát “chạm” vào trái tim, khán giả sẽ quảng bá không công cho nhà sản xuất, tạo ra hiệu ứng truyền miệng khá tốt, góp phần kéo người xem đến rạp.

Đạo diễn Nhất Trung cho biết, trước khi làm phim, anh là thành viên của nhóm nhạc AXN và cũng tham gia sáng tác nhiều ca khúc. Do đó, khi làm Gặp lại chị bầu, vì là đạo diễn và biên kịch của phim nên việc sáng tác ca khúc nhạc phim không quá khó. Anh nhận được sự hỗ trợ của ca sĩ Anh Tú, cũng là diễn viên của phim, nên mọi chuyện càng thuận lợi.

Anh Tú thể hiện thành công ca khúc Chị mẹ. Trong ảnh: Anh Tú và Diệu Nhi trên phim Gặp lại chị bầu - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Anh Tú thể hiện thành công ca khúc Chị mẹ. Trong ảnh: Anh Tú và Diệu Nhi trên phim Gặp lại chị bầu. Ảnh do đoàn phim cung cấp

Nhận xét chung về mức độ đầu tư cho nhạc phim của điện ảnh Việt hiện tại, đạo diễn Nhất Trung nói: “Tôi thật sự mừng khi các ê kíp làm phim hiện nay đầu tư nhiều hơn cho nhạc phim. Điều đó là đúng đắn, vì khán giả đáng được hưởng những sản phẩm tốt nhất. Sự đầu tư còn cho thấy ý thức tôn trọng bản quyền của những người làm nghệ thuật. Ngay với Gặp lại chị bầu, ngoài bài hát chủ đề, những ca khúc nhạc xưa về Sài Gòn hay bài hát do Đan Trường thể hiện đều được chúng tôi liên hệ tác quyền đầy đủ. Tôi tin, nếu làm phim tử tế, đầu tư đúng đắn, khán giả sẽ ủng hộ”.

Để một ca khúc nhạc phim kéo dài tuổi thọ, theo đạo diễn Đồng Đăng Giao, là không hề dễ vì phụ thuộc nhiều yếu tố từ nội dung phim, nội dung bài nhạc, thời điểm phát hành, ai hát, hát ra sao… Nếu bài nhạc giúp phim được nhớ đến nhiều hơn thì xem như đã hoàn thành sứ mệnh. Còn chuyện chúng có đời sống độc lập, không phụ thuộc vào phim là chuyện phía sau, do thị trường và tình cảm của khán giả quyết định.

Muốn tạo ấn tượng và nâng chất lượng cho phim điện ảnh nói chung, không chỉ đầu tư cho ca khúc chủ đề phim là đủ, mà cần quan tâm nhiều yếu tố cộng hưởng khác, trong đó có kịch bản, diễn xuất, bối cảnh, truyền thông… Ở mỗi phim, nếu từng hạng mục nhỏ trong đó có âm nhạc được lên ý tưởng kỹ lưỡng, đầu tư đúng mức thì mới dễ tạo được thành công chung. 

Theo Diễm Mi/PNO

 

Bình luận (0)