Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã qua đời tại nhà riêng vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 9-1 tại TP.HCM sau thời gian lâm bệnh phải nằm trên giường suốt ba năm.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Nghệ danh Hoàng Hiệp là do ông lấy tên người bạn thân là Hòa, cộng với tên thật của ông là Nghiệp, cắt đôi hai chữ Hòa Nghiệp thành Hoàng Hiệp. Ông còn có bút danh khác là Lưu Nguyễn. Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hàng trăm ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng: Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông… Nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn là tác giả của dòng nhạc âm hưởng dân ca thể hiện tình ca tha thiết: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Thành phố tôi yêu, Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay… Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ bắt đầu từ 19 giờ ngày 9-1 tại Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Ngày 12-1, gia đình nhạc sĩ sẽ an táng ông tại Nghĩa trang TP.HCM.
Hoàng Hiệp, nhạc sĩ nhà thơ
Hoàng Hiệp chỉ viết nhạc chớ không làm thơ nhưng tôi coi anh là nhà thơ, anh cảm nhận thơ rất tinh tế và sâu sắc, từ đó đưa thơ vào từng nốt nhạc, chắp cánh thơ bay bổng lên. Anh là một trong số ít những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất (theo sự hiểu biết của tôi). Nhạc của anh đưa thơ của nhiều nhà thơ vào lòng người thật ngọt ngào. Có lẽ anh sinh ra trên mảnh đất dào dạt thơ. Anh sinh vào năm Tân Mùi (1931) làng Mỹ Hiệp, trên đất cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang. Hoàng Hiệp theo Đoàn Tuyên truyền xung phong của tỉnh nhà – anh chơi đàn măng đô lin. Từ sông Tiền qua sông Hậu suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Ở Tiền Giang anh sống với sông nước, về Hậu Giang anh lại được sống với núi cao, đi trên mây mù trên các đỉnh núi cao, rồi tập kết ra Bắc về Hà Nội, vào học Trường Quốc gia Âm nhạc. Một trong nhừng ca khúc đầu tiên của anh là bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, rồi từ đó các ca khúc của anh ngày càng đầy lên….
Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG
Tiếc thương tác giả Nhớ về Hà Nội
Từ ngày bé tôi đã rất thích bài Nhớ về Hà Nội. Đến khi 17 tuổi (1988) thì bản thu âm đầu tiên của tôi cũng chính là ca khúc này, lúc đó tôi vẫn chưa biết nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Tôi không ngờ ca khúc này đưa tôi đến với sân khấu chuyên nghiệp và như định mệnh, đi suốt cùng tôi trong con đường ca hát. Thế nhưng mãi sau này khi vào TP.HCM, tôi được đi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến Hội Âm nhạc TP.HCM mới gặp được nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Lúc gặp tôi, bác ngạc nhiên lắm. Bác hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đây là cô Hồng Nhung hát Nhớ về Hà Nội của tôi đây hả?”. Bác bất ngờ vì tôi hát khá rộng và hào hùng làm bác nghĩ chắc cô ca sĩ đó phải to con chứ không phải nhỏ bé như Hồng Nhung.
Tôi nhớ hoài bác Hoàng Hiệp là một người dáng vóc cao lớn, khuôn mặt phúc hậu và rất hiền lành. Và hơn cả bác là người đã viết nên ca khúc quan trọng nhất trong sự nghiệp ca sĩ của tôi. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp mất đi, không chỉ để lại tiếc thương cho một lớp ca sĩ, mà còn tiếc thương cho nhiều người dù là người Hà Nội hay không nhớ về ông với những ca khúc đẹp.
Ca sĩ HỒNG NHUNG
Theo PLTP
Bình luận (0)