Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc sĩ Nguyễn Nam xa mùa đông thật rồi!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Nguyễn Nam lúc sinh thời. Ảnh: Đ.T.B

Sáng 31-10, nhà văn Đoàn Thạch Biền nhắn tin cho tôi “Nguyễn Nam mất rồi”. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử, dẫu biết anh khó có thể chống chọi nổi với căn bệnh ung thư quái ác nhưng sự ra đi đột ngột của anh khiến tôi và tất cả những ai yêu âm nhạc của anh đều không khỏi bàng hoàng. Trước khi trở thành nhà báo, tôi là fan hâm mộ các ca khúc của anh sáng tác như Tình ca cho em, Xa rồi mùa đông, Dịu dàng sắc xuân, Dòng sông và tiếng hát, Còn mãi mùa đông, Khung trời đại học… Có thể nói, âm nhạc của Nguyễn Nam (Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM, Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM) thật sự là một dấu lặng khiến người ta vui, thêm yêu cuộc sống và không nguôi hy vọng. Năm 2000, khi về công tác tại Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi được sếp phân công đi phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Nam nhân kỷ niệm Ngày Sinh viên học sinh 9-1, bởi anh chính là người “thắp lửa” cho phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe cùng với các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Phú Yên… trong đó có ca khúc Thư gửi người em gái Sài Gòn cũng rất nổi tiếng.
Lần đầu tiên gặp, tôi “chào chú Nam” thì bị anh “mắng”: “Không có chú cháu gì hết, mày cứ gọi tao là anh. Nghệ sĩ không có tuổi”. Buổi trò chuyện hôm ấy diễn ra thật vui vẻ, gần gũi, trọn vẹn. Sau đó không lâu, khi tổ chức cuộc thi Tiếng hát truyền hình, anh đã chỉ đạo một biên tập viên của đài mời tôi đến tham dự buổi họp báo. Và giống như một cái duyên, thỉnh thoảng tôi cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền ngồi uống cà phê hoặc lai rai với anh tại Hội Âm nhạc TP.HCM. Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Nam không nhiều, nhưng ca khúc nào cũng được người yêu âm nhạc đón nhận lâu dài. Anh quan niệm: “Vị trí của mỗi nhạc sĩ trong lòng công chúng được đo bằng chất lượng các ca khúc của họ chứ không phải vì số lượng ca khúc”.
 Khi Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng với Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình ca nhạc Một thời dấu yêu chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm thì tôi lại có thêm cơ hội hàn huyên với anh cũng như bàn bạc về nội dung chương trình. Anh đã cho ban tổ chức chúng tôi nhiều gợi ý hay khi biên tập ca khúc hoặc dàn dựng chương trình sao cho thật phù hợp, thật ý nghĩa dâng tặng thầy cô. Chính anh đã đề xuất cho ca sĩ Phương Thanh hát bài Bụi phấn, gọi mời Hoa hậu Hoàn vũ Thùy Lâm thể hiện ca khúc Khung trời đại học, tự tay làm nhạc Liên khúc Bông hồng tặng cô cho bé Bích Phượng – giải nhất Tiếng hát Măng non truyền hình 2003 trình bày. Một thời dấu yêu có “thương hiệu” như ngày hôm nay, có một phần đóng góp công sức của anh. Còn nhớ Một thời dấu yêu 8 – 2010 vừa qua, tôi cùng với anh, chú Tạ Văn Doanh – Tổng biên tậpBáo Giáo Dục TP.HCM, nhạc sĩ Thập Nhất, Phan Hồng Sơn ngồi với nhau để chuẩn bị cho chương trình thì bất ngờ, anh ngẫu hứng ôm cây đàn guitar hát bài Xa rồi mùa đông thật xúc cảm. Anh cho biết anh viết ca khúc này sau một lần đi công tác tại Hà Nội, đúng vào dịp mùa đông. Không ngờ, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được nghe anh hát. Anh ra đi khi chỉ còn gần hai tháng nữa là mùa đông lại về. Nhưng mùa đông đối với nhạc sĩ Nguyễn Nam từ nay đã xa vĩnh viễn chứ không chỉ “tạm biệt, tạm biệt mùa đông, tạm biệt ánh lửa hồng…” như trong ca khúc Xa rồi mùa đông của anh nữa. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng, cho dù có đi qua bao nhiêu năm nữa, mỗi lần xem ca sĩ Hồng Hạnh ôm đàn, xõa tóc hát Tình ca cho em hay mỗi mùa xuân vang vọng tiếng hát Phương Thanh với Dịu dàng sắc xuân, khán giả sẽ nhớ về anh với những tình cảm trân trọng nhất. Khán giả luôn cảm nhận được ngòi bút tuyệt vời trong các tác phẩm mà anh đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam. Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ tài hoa…
Song Minh
Nhạc sĩ Nguyễn Nam tên thật là Phạm Văn Đồng, sinh năm 1952 tại Thừa Thiên – Huế; cử nhân hai trường Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Nam được quàn tại nhà riêng (số L36 đường số 7, khu dân cư Gia Hòa, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM). Lễ truy điệu bắt đầu lúc 5 giờ và lễ động quan diễn ra lúc 6 giờ ngày 3-11, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thành phố (huyện Củ Chi).
 

Bình luận (0)