Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Sáng tác ca khúc đừng nghĩ là chỉ cần sửa sang cái cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.Hơn nửa thế kỷ cầm bút sáng tác, ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến cả giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong những nhạc sĩ có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi trong đông đảo công chúng. Với ông – sáng tác trong thời kỳ nào cũng vậy, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập như hiện nay, điều căn bản là phải phản ánh được nhịp điệu cuộc sống hiện đại, gần gũi với công chúng, nghĩa là phải biết nương theo xu thế phát triển của thời đại để sáng tác cho phù hợp. Quan điểm của ông rất rõ ràng: Sáng tác ca khúc – đừng nghĩ là chỉ cần sửa sang cái cũ.

– Là tác giả của nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi trong mấy chục năm qua, ông nghĩ gì về việc sáng tác trong thời kỳ hội nhập hiện nay?

– Bức tranh toàn cảnh về đời sống âm nhạc hiện nay thường được nhìn nhận, đánh giá ở các góc độ khác nhau về chất lượng sáng tác âm nhạc (chủ yếu là ca khúc), về thị hiếu âm nhạc của công chúng (phần lớn là tuổi trẻ), về công tác quản lý. Ở đây tôi xin nói về mặt sáng tác.

Đất nước đã qua hơn 30 năm hoà bình xây dựng nên đời sống âm nhạc đã có những bước phát triển đa dạng, phong phú nhưng không kém phần phức tạp, nhất là từ khi hội nhập. Việc phát triển âm nhạc nhiều thể loại, phong cách khác nhau, việc chuyển tải những nội dung gắn với cuộc sống hôm nay, đáp ứng các nhu cầu của công chúng là một xu thế tất yếu, là điều đáng mừng. Còn gì đáng buồn hơn là tự trói mình trong một thể loại, một phong cách khi mà cuộc sống thay đổi từng ngày. Là loại hình nghệ thuật có sức truyền cảm và lan tỏa mạnh mẽ nên âm nhạc có thể coi là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người. Âm nhạc vừa có chức năng giáo dục, lại vừa có chức năng giải trí. Thế hệ những người trải qua hai cuộc kháng chiến trước đây thường suy nghĩ theo lời dặn của Hồ Chủ tịch: Viết vì mục đích gì, viết cho ai, viết như thế nào? Không phải các nhạc sĩ trước đây không viết những khúc tình ca mang tính chất riêng tư, nhưng khi cả nước đang dồn sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập thì trái tim người sáng tác hoà nhịp đập với trái tim của mỗi người dân và chức năng giáo dục, cổ vũ, động viên toàn dân trong kháng chiến được đặt lên hàng đầu. Nhưng trong hoà bình, nhất là khi đất nước đang từng ngày đổi mới và hội nhập vào thế giới thì không thể không tính đến chức năng giải trí của âm nhạc. Một sự giải trí lành mạnh, trong sáng có thể góp phần làm cho mọi người thêm yêu cuộc sống, từ đó vượt lên khó khăn riêng tư để sống có ích cho xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nền âm nhạc của chúng ta không chỉ phát huy những nét đẹp truyền thống mà còn phải tiếp thu thêm những tinh hoa của thế giới.

– Trong định hướng về việc xây dựng văn hóa văn nghệ của đất nước ta hiện nay, theo ông nên vận dụng thế nào đối với ngành âm nhạc?

– Khi chúng ta nói: phải xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì nhiều người nghĩ ngay tiên tiến là phải có rock, pop, hip hop; còn bản sắc dân tộc là phải khôi phục lại nghệ thuật truyền thống, muốn thanh niên phải biết thưởng thức nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ca trù… Hiểu như thế có phần là phiến diện và không thực tế. Tôi nhớ nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: Không lai căng với cái ngoại đã đành, cũng chớ nên lai căng với cái cổ. Vấn đề là phải làm nhuần nhuyễn, phải nương theo xu thế phát

triển của thời đại sáng tác cho thích hợp. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhịp sống khẩn trương của thời kỳ đổi mới, không thể chỉ có ê a với nhịp điệu “con cò bay lả bay la” như xưa mà phải phản ánh nhịp điệu cuộc sống hiện đại, nhất là ở các khu đô thị, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Còn đối với dân ca và nhạc cổ truyền, chúng ta vẫn phải gìn giữ như vốn di sản văn hóa quý báu để tiếp tục nghiên cứu và phổ biến, ai thích thưởng thức thì tìm đến, chứ không thể muốn tất cả phải biết đến nó thì mới gọi là âm nhạc đậm đà bản sắc.

– Một số người tỏ ra lo lắng về thực trạng âm nhạc hiện nay, cho rằng âm nhạc đang mất phương hướng và hỗn loạn. Xin ông cho biết ý kiến về những nhận xét đó?

– Điều đó phản ánh một bối cảnh nhất định hiện nay, khi mà đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, văn hóa của các nước tràn vào và âm nhạc cũng phải chịu sự tác động ấy. Thực trạng sáng tác ca khúc hiện nay gần như thành hai hướng: một bên làm nghiêm chỉnh, có ý thức làm phục vụ xã hội, đã có nhiều ca khúc gần gũi với mọi người và được diễn đạt một cách mới mẻ, mang âm hưởng dân tộc; một bên trong sáng tác bày tỏ cái tôi, giai điệu nghèo nàn sơ lược, mô phỏng nhạc nước ngoài, ca từ kém văn hóa, gây phản cảm cho người nghe, vậy mà cũng thành một dòng ca khúc được nhiều người trẻ thưởng thức. Đấy là cách một số tác giả quan niệm âm nhạc hiện đại phải thế, khán giả trẻ thích như thế thì họ phải chiều theo. Trong cơ chế thị trường, các bầu sô phải chăng cũng bị ảnh hưởng của cơ chế này, chạy theo thị hiếu tầm thường nhưng bán vé được, bán đĩa được nên đã tạo đất cho những ca khúc này ra đời. Ở thời điểm này, các nghệ sĩ tự do, các hãng băng đĩa tư nhân cho ra đời hàng loạt những album ca nhạc đủ các kiểu và hình như điều đó vượt khỏi khả năng và quyền kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Nhưng trong việc định hướng cho các hoạt động âm nhạc thì việc cấm đoán là bất đắc dĩ, việc chính là phải lấy cái hay, cái chất lượng tốt, cái hấp dẫn mới mẻ để đẩy lùi cái dở, cái tầm thường, nhạt nhẽo. Sáng tạo nghệ thuật nói chung, mà trong âm nhạc cũng thế, nếu không hòa nhập vào đời sống của ngày hôm nay thì sẽ thất bại. Nhưng để cho cuộc sống chấp nhận thì cũng không phải một sớm một chiều, không thể theo ý định chủ quan của ai mà phải do nhu cầu đời sống xã hội.

– Thưa ông, xung quanh vấn đề truyền thống và hiện đại nên suy nghĩ và vận dụng ra sao, khi mà phần âm nhạc trong các lễ hội của các địa phương (kể cả Festival Huế vừa rồi, có người cho rằng chúng ta quá tốn kém khi cố công đem đắp những cái mới vào cái cổ) chưa để lại ấn tượng tốt đẹp về phương diện này?

– Không thể xóa bỏ truyền thống, nhưng cũng đừng câu nệ phải giữ gìn truyền thống trong sáng tác âm nhạc mà cái cần quan tâm là sáng tác các tác phẩm đi vào được lòng người và được xã hội ghi nhận. Mỗi vùng, mỗi miền, mỗi giai tầng có những nhu cầu thưởng thức khác nhau và mỗi nhạc sĩ sẽ tìm cách đáp ứng từng đối tượng. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cũng rất quan tâm đến sự cân bằng trong việc gìn giữ âm nhạc truyền thống với việc khuyến khích những sáng tạo mới. Không thể xây dựng được một cái gì mới nếu cứ giữ nguyên cái cũ.

Tôi tâm đắc ý kiến khá mạnh mẽ và có phần quyết liệt của kiến trúc sư Nhật Bản Kenzo Tanghe khi ông nói: Hãy quên đi truyền thống, nghiền nát nó đi và biến truyền thống vào máu thịt của mình để mà sáng tác. Phải chăng đó là điều mà những người làm nghệ thuật chúng ta cần suy nghĩ.

– Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (suckhoedoisong.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)