Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Sáng tác “nhẹ tựa lông hồng”?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

Trong năm 2009 vừa qua,nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp làm việc khá hiệu quả với những album riêng đã được phát hành như: Sắc đào Nhật TânHà Nội – Ngẫu hứng phố chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; album Vang mãi nhịp quân hành kỷ niệm 60 năm ngày Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Quỳnh Hợp còn đón Xuân Canh Dần bằng album Lúng liếng với những ca khúc mang âm hưởng dân gian.
PV: Nhiều người có cảm giác như việc sáng tác nhạc với chị “nhẹ tựa lông hồng”?
Đó là mọi người cảm giác thế nhưng… thực tế thì rất vất vả. Những năm tháng tuổi trẻ làm ca sĩ, được đi nhiều nơi biểu diễn đã cho tôi nhiều chiêm nghiệm. Gần 20 năm làm báo cho tôi cái nhìn và cảm nhận đa chiều về con người và cuộc sống. Những tác phẩm ấy dường như đã được tích lũy vô hình từ rất lâu và rất xa… chỉ chờ cơ hội là bật ra. Vì thế mà tôi có thể viết và phát hành album liên tục nên mọi người mới có cảm nhận là “nhẹ như lông hồng”.
Chị thích sáng tác mảng đề tài nào nhất?
Đề tài tình yêu luôn được quan tâm từ nhiều phía: người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức. Viết về tình yêu dễ có cảm xúc và dễ chia sẻ hơn. Các vấn đề xã hội là đề tài khó viết và đòi hỏi người viết phải có “tấm lòng” để không bị gượng ép, giáo điều. Khi đặt bút viết thì nhân tố đầu tiên vẫn là những cảm xúc của mình trước một sự kiện, một đề tài mà mình muốn thể hiện trong tác phẩm.Tác phẩm nghệ thuật dù viết về đề tài nào cũng cần sự chân thành cảm xúc của người viết mới có thể “lay thức” được tình cảm của người nghe khi tác phẩm vang lên.
Là một nhạc sĩ lâu năm, chị nhận xét thế nào về chương trình “Bài hát Việt” năm vừa qua?
Bài hát Việt là cố gắng lớn của những người tổ chức. Chương trình đã làm lộ diện được vài gương mặt tác giả trẻ có cá tính. Nhưng việc quanh quẩn một vài gương mặt quen thuộc đã làm chương trình nghèo nàn và phiến diện. Tác phẩm dù mới, lạ đến đâu thì cũng phải có yếu tố hay. Lạ, mới đến nỗi người nghe không thể nhớ, không thể hát… thậm chí thấy hát là họ phải chuyển kênh thì cũng khó thuyết phục.
Các sáng tác nhạc trẻ của Việt Nam càng ngày càng “yếu” dần đi, chị có cảm thấy thế?
Nhạc trẻ Việt Nam chưa khi nào mạnh để mà yếu dần đi như bạn nhận định. Nhạc trẻ của chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu, chưa thể hiện được khuynh hướng của người viết. Những sáng tác hiện nay nhìn chung vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, bị động và thiếu tính xu thế của người sáng tác và người biểu diễn. Thấy gì “ăn” là hùa nhau làm theo. Sẽ khó có cái gọi là nền nhạc trẻ Việt Nam khi những người sáng tác đang cố làm cho sáng tác của mình giống bài nào đó đang được yêu thích để ăn theo, miễn sao được chú ý.
Dự định sáng tác trong năm 2010 của chị?
Dự định thì rất nhiều nhưng quan tâm nhất của tôi trong năm 2010 này vẫn là những sáng tác tiếp theo cho 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 3 này, tôi vừa ra mắt album Lung linh Sông Hàn với 12 ca khúc phổ thơ của các tác giả là công dân của TP. Đà Nẵng như: Nguyễn Bá Thanh, Bùi Công Minh, Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng, Mai Hữu Phước, Nguyễn Đức Nam, Lê Văn Nho, Đặng Hồng Thiệp… nhân dịp Đà Nẵng tưng bừng với cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế và kỷ niệm 35 năm giải phóng Thành phố. Album có sự góp mặt của nhiều ca sĩ tên tuổi Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn, Hồ Quỳnh Hương, Cao Thái Sơn…
Xin cảm ơn chị rất nhiều!
HÀ KIÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)