“Bạn làm nhạc style gì không quan trọng, nhưng phải cho thật xuất sắc style ấy. Hãy khắc họa thật cẩn thận và tâm huyết album của riêng bạn. Và dù thể loại gì cũng đừng hát như một người nước ngoài hát tiếng Việt!”.
Đó là những chia sẻ của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, người sáng tác, nhà sản xuất đầy tâm huyết và đau đáu những nỗi niềm dành cho nhạc Việt.
Nhìn lại đời sống âm nhạc trong nước năm 2021, anh có điều gì muốn nói?
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Nếu bạn vẫn còn cách nghĩ rằng thời đại này chỉ cần làm MV rồi tung lên mạng là đủ, bạn sẽ không bao giờ có được một chân dung rõ nét và hoàn hảo về mình. Chỉ là những nét vẽ rời rạc rồi biến mất theo dòng thác lũ của mạng xã hội.
Hãy khắc họa thật cẩn thận và tâm huyết album của riêng bạn. Bạn làm bằng cách nào, phương tiện gì, không quan trọng. Nhưng thông điệp và tư tưởng bạn muốn chia sẻ với xã hội là gì? Đừng mắc kẹt vào phương tiện, mà hãy để ý điều bạn muốn giãi bày.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. NSCC
Có những vấn đề bạn nói một câu không thể hết ý, mà phải biểu đạt bằng cả một bài thơ, một đoạn văn, một cuốn tiểu thuyết. Một album bạn nghĩ người nghe đủ hiểu về bạn chưa? Vậy mà bạn nghĩ chỉ cần một MV thôi sao? Khi bạn giãi bày bản thân chỉ bằng những MV thời vụ, số tiền bạn bỏ ra rất lớn, lớn hơn nhiều so với một album, nhưng cơ hội để người ta hiểu về âm nhạc của bạn lại rất ít. Giống như hôm nay bạn mặc cái áo này, mai lại đổi cái áo khác. Rốt cuộc gu thời trang của bạn là gì? Không ai hiểu hết…
Nhưng sẽ có người cho rằng như vậy mới hợp thời, hoặc có thể họ chấp nhận tác phẩm của họ phù hợp với người nghe trong giai đoạn nhất định nào đó?
Chính cái suy nghĩ thời vụ, thu gặt kết quả cho nhanh, mà bỏ qua quá trình, là nguyên nhân không chỉ khiến cho nhạc Việt vẫn cứ manh mún, rời rạc mà còn khiến cho cả xã hội lúc nào cũng gấp gáp, vội vã, ai cũng muốn kết quả nhanh, nhưng quá trình rút ngắn. Thành ra cứ mãi manh mún, chụp giựt, tranh thủ.
Ngay cả giáo dục cũng vậy, học gấp gáp thêm một tuần trước tết được lợi gì? Sao không để bọn trẻ và thầy cô tận hưởng những ngày xuân hạnh phúc ít ỏi bên gia đình, sau một mùa online căng thẳng, mệt mỏi. Cách nghĩ này còn ở lĩnh vực nào, khía cạnh vĩ mô nào nữa không? Tôi nghĩ các bạn biết đấy!
Thực tế có những ca khúc vừa ra đời đã tạo được trend (xu hướng), mang đến cảm hứng tích cực cho người nghe… Anh nghĩ gì về điều này?
Trend ư? Tốt thôi! Nhưng nó chỉ là lớp gói bên ngoài. Quan trọng là bên trong cái bánh chưng, bạn có gì? Âm nhạc, dù thời nào, trend gì thì cũng chỉ bao gồm 3 điều cốt lõi: kỹ thuật – cảm xúc – thông điệp. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố, trend cũng vô nghĩa.
Nhóm nhạc Chillies. NSCC
Theo anh, việc các live band trở lại trong những chương trình âm nhạc, live show ca sĩ/nhà sản xuất từ những tháng cuối năm 2021 mang đến tín hiệu gì?
Sự hồi sinh những live band là tín hiệu đáng mừng. Không những nó chấm dứt nỗi lo âu về sự đứt gãy, sự kế thừa, tiếp nối của thế hệ nhạc công tinh hoa của nhạc Việt, mà nó còn cho thấy nhạc Việt ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Anh dự đoán thế nào về xu hướng âm nhạc trong năm 2022?
Bạn làm nhạc style gì, không quan trọng. Nhưng phải cho thật xuất sắc style ấy. Và trước tiên phải thỏa mãn chính bạn trước. Đừng nghĩ đến mọi người có thích không. Khi bài hát What a Wonderful World đến tay Tony Bennett, ông không chịu hát. Vậy mà nó nổi tiếng và cả thế giới say đắm. Nhóm Queen đã rất vất vả và kiên định để bảo vệ Bohemian Rhapsody để nó toàn vẹn như bây giờ, khi người quản lý quả quyết nếu đưa tính opera vào nó sẽ không ăn khách. Và giờ nó là một bài hát vĩ đại.
Có khi một bài hát mang lại cho bạn nhiều tiền, nhưng có một bài khác dựng tượng cho bạn. Tiền rồi cũng tiêu tan, nhưng tượng thì còn đó.
Tôi tình cờ được nghe một vài bài hát của Chillies (nhóm nhạc ra mắt vào năm 2018 tại TP.HCM – PV). Nó mang cho tôi một niềm hy vọng. Nếu có nhiều nghệ sĩ và ban nhạc có chọn lựa giống như Chillies, âm nhạc TP.HCM nói riêng và âm nhạc VN nói chung sẽ phát triển theo chiều hướng tiệm cận với âm nhạc thế giới: Dấn thân theo thể loại mình đam mê, không quan tâm thể loại ấy có kén khán giả hay không, làm ra chất, chất liệu âm nhạc tươi mới, thông điệp đẹp đẽ, hướng thiện.
Nhạc Việt năm 2022 hay nhạc Việt nói chung cần gì?
Tôi nghĩ, sau cùng, dù bạn viết bài hát ở thể loại gì: ballad, RnB, jazz, rap, EDM… thì hãy hát nó với một ý thức rõ ràng rằng bạn là người Việt hát cho người Việt nghe. Đừng hát như một người nước ngoài hát tiếng Việt. Vì cái gì cũng có thể vay mượn, nhưng tiếng nói phải là của mình. Vì đó là dòng máu trong mình mà! Sao bạn lại chối bỏ chính mình?
Âm nhạc, dù thời nào, trend gì thì cũng chỉ bao gồm 3 điều cốt lõi: kỹ thuật – cảm xúc – thông điệp. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố, trend cũng vô nghĩa. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh |
Có rất nhiều nhân tố, dòng nhạc, xu hướng và giọng ca mà tôi nghĩ sẽ tỏa sáng và bứt phá trong năm 2022. Tôi không muốn kể ra đây, vì một trận bóng đá chưa diễn ra, ai cũng có thể là vua phá lưới, và dĩ nhiên, kể tên ra là thiếu công bằng và có phần thiên vị.
Nhưng tôi nghĩ, chiến thắng sẽ thuộc về những ai có thông điệp rõ ràng và chất liệu âm nhạc độc lạ, bất kể thể loại nào và trend gì. Vì trong hàng triệu bức ảnh, có bao giờ bạn hỏi bức ảnh này được chụp bằng smartphone hay máy ảnh DSLR? Hay Nikon, Canon, Pentax, Leica…? Bạn chỉ quan tâm bức ảnh có làm bạn rung động và độc đáo không thôi!
Nhạc Việt thăng hoa, tươi mới, giàu thông điệp hay cũ kỹ, manh mún, lạc hậu… là do chính các bạn lựa chọn mà thôi.
Chúc các bạn sẽ có một album mới trong một năm mới 2022. Tôi mong chờ lắm thay!
Theo Nguyên Vân/TNO
Bình luận (0)