Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc Việt và những trào lưu mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại trong thời đại số đang và tiếp tục trở thành trào lưu được ứng dụng rộng rãi

Album "Ký ức" của nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc mới ra mắt gần đây thu hút sự chú ý của người trong giới lẫn khán giả.

Lớp khán giả mới

"Ký ức" là những bài hát thiếu nhi quen thuộc như "Chú ếch con", "Chim vành khuyên", "Cả nhà thương nhau", "Bắc kim thang", "Đi học", "Ơi tiếng chim họa mi", "Mẹ yêu con"… được chuyển soạn và hòa âm theo phong cách jazz.

Tiếng saxophone của Quyền Thiện Đắc có khi chơi đùa, có khi trở thành nhạc cụ chính chi phối dàn nhạc. Qua sự kết hợp hài hòa, những ký ức cũ được nâng đỡ, dẫn dắt, từ đó tạo ra những câu chuyện mới. Với một dòng nhạc đậm tính Tây phương và ít nhiều còn xa lạ với khán giả trong nước, việc kết hợp với các giai điệu dân ca cũng như những bài hát thiếu nhi đã giúp jazz trở nên quen thuộc, từ đó tìm được lớp khán giả mới, đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ban nhạc "Saigon Soul Revival" mới đây cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ với album "Mối lương duyên". 11 bài hát trong album khơi gợi nhiều yếu tố hoài niệm từ màu sắc âm nhạc, cách hát, giọng hát của giọng ca chính Anh Minh. Không chỉ tái hiện nhiều dòng nhạc Tây phương, nhiều bài hát cũng được thêm vào các đặc điểm rất Việt Nam như "Mơ xuân" có âm hưởng Tây Bắc, "Ai thật lòng yêu ai" có tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng hay "Kẻ không tình" là một bản boléro điển hình.

"Saigon Soul Revival" đã tái hiện một nền soul Việt phong phú khi là tổng hòa của nhiều phông nền văn hóa. Bằng các bản phối được giữ trung thành từ hơn 50 năm trước và sự mới mẻ khi kết hợp với các yếu tố dân tộc, đây là đĩa nhạc có khả năng thu hút nhiều nhóm khán giả.

Nhạc Việt và những trào lưu mới- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật “Về Kinh Bắc” của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Ảnh do nhân vật cung cấp

Âm nhạc của nguồn cội

Kết hợp nhạc dân ca Việt Nam với âm nhạc phương Tây hiện đại là một trong những xu hướng âm nhạc được nhiều nghệ sĩ theo đuổi và nhận được sự ủng hộ từ đông đảo khán giả. Đó có thể là những ca khúc pop mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc, những câu ca trù trên nền nhạc điện tử (EDM), các bản nhạc rock đậm chất nghệ thuật dân gian Việt Nam. Album "Dzanca" của rocker, nghệ sĩ guitar Dzũng Phạm là một trong số đó.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang ra mắt dự án gồm album đĩa than "Rạng đông" (tháng 4-2024) và chương trình nghệ thuật "Về Kinh Bắc" (diễn ra ngày 18-5) đã nhận được nhiều sự tán dương của giới chuyên môn và khán giả. Chất liệu dân gian được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.

Âm nhạc của Ngô Hồng Quang là sự giao thoa hài hòa giữa văn hóa Đông – Tây. Anh nói: "Tôi luôn trăn trở làm âm nhạc như thế nào để giữ được chất Việt Nam mà vẫn kết nối với thế giới".

Nhiều năm rong ruổi qua hàng chục quốc gia, cuối năm 2023, Ngô Hồng Quang trở về Hà Nội và thành lập ban nhạc dân tộc Thiên Thanh với 9 thành viên chơi các nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tam thập lục, đàn tranh và bộ gõ dân tộc.

Có một sự khác biệt rất lớn trong sáng tạo của những người trẻ hiện nay. Không phải bám víu vào guồng quay của thị trường âm nhạc Âu Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc… như trước, những nghệ sĩ trẻ hiện tại sử dụng chính chất liệu trong kho tàng dân gian Việt Nam làm nền tảng cho những sáng tạo mới mẻ của mình. Âm nhạc dân gian vì thế cũng được khoác lên mình chiếc áo mới khi đi cùng những loại hình âm nhạc và giai điệu trên thế giới, thậm chí còn được điện tử hóa như nữ ca sĩ Hà Myo cùng những bài xẩm kết hợp rap và EDM. Album "Ở trọ" của ca sĩ Hà Lê thuộc dự án Trịnh Contemporary (làm mới nhạc Trịnh Công Sơn) là sự pha trộn độc đáo giữa nhạc cụ điện tử và các nhạc cụ acoustic như piano, tứ tấu đàn dây, mang đến cảm hứng tích cực cho khán giả nghe nhạc.

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam hiện nay tận dụng chất liệu dân gian sẵn có với làn sóng âm nhạc hiện đại của thế giới không chỉ làm nên dấu ấn cá nhân mà còn góp phần kết nối, phát huy di sản âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Hoài An khẳng định: "Muốn có đẳng cấp thì tác phẩm phải hội tụ 3 yếu tố: Giải trí – thưởng thức – hội nhập. Điều này không dễ nhưng một tác phẩm dân gian đương đại có thể đáp ứng được cả 3 yếu tố trên". 

Theo các nhà chuyên môn, việc sử dụng nhạc cụ truyền thống vào trong các bài hát, mang tới hồn cốt của nét văn hóa dân tộc. Đây được xem là một hướng đi tích cực hướng đến văn hóa, cội nguồn quê hương của những nghệ sĩ hiện nay.

Theo Thùy Trang/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)