Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc xưa hấp dẫn ca sĩ trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Bước vào con đường ca hát, rất nhiều ca sĩ đều muốn một lần thực hiện album nhạc xưa.

Làm để bán và cả… “để đời”

Những ca khúc bất hủ thuộc dòng nhạc xưa vẫn có sức sống lâu bền trong lòng người yêu nhạc. Có lẽ đây chính là lý do khiến nhiều ca sĩ đã nổi và chưa nổi đều muốn một lần thực hiện album nhạc loại này. Và theo lời một số ca sĩ, họ làm còn với mục đích… để đời!

Một số album nhạc xưa vừa tung ra thị trường

Một số bầu show thổ lộ, ca sĩ trong nước có phong trào làm album nhạc xưa với hai lý do. Thứ nhất, có thể kéo dài thời gian tiêu thụ từ năm này qua tháng nọ mà không cần lo lắng về “bài hit và độ hot” của album. Thứ hai, nếu ca sĩ trẻ trong nước muốn nhanh chóng xâm nhập thị trường hải ngoại thì album nhạc xưa là chiếc cầu nối thuận lợi nhất (qua cả trình diễn và bán đĩa).

Thực tế cho thấy, một số ca sĩ đã thành công qua các album thể loại nhạc này. Đó là, sự khẳng định và chiến thắng gần như tuyệt đối của Đàm Vĩnh Hưng qua album Thương hoài ngàn năm và cả live show hoành tráng cùng chủ đề. Rồi Cẩm Ly – Quốc Đại cũng sống được trong lòng khán giả qua những album nhạc trữ tình, tiền chiến và nhạc xưa (Cẩm Ly lại sắp trình làng CD Biển tình). Cựu thành viên nhóm AC&M Thụy Vũ dù không có nhiều đất biểu diễn nhưng album Tình khúc tháng 6 của anh vẫn được nhiều người thưởng thức. Ca sĩ Thanh Thảo cũng một thời được yêu mến với album dòng nhạc xưa Bảy ngày đợi mong. Còn Quang Hà dù không “hot” ở thị trường trong nước nhưng tại hải ngoại, cái tên Quang Hà luôn được nhắc đến với những tình khúc và album vượt thời gian (Cỏ úa…).

Một số ca sĩ trẻ như Lê Hiếu, Song Giang, Đình Nguyên, Thy Dung, Cao Thái Sơn, Hồng Ân, Thanh Xuân, Hạ Vân… cũng đều đã một lần thử sức với album xưa, nhưng rất ít người thành công. Gần đây nhất là Tuấn Hưng – chàng ca sĩ Hà thành không ai nghĩ dám làm album nhạc xưa nhưng cũng đã… thử. Riêng Hồng Ngọc với Vết thương cuối cùng, ca sĩ – biên tập viên Hoài Nam với Bài tình ca cho em và album nhạc Trịnh… đều không làm người nghe thất vọng.

Hát nhạc xưa không dễ!

Thực tế, để có một album nhạc xưa, ca sĩ phải chịu nhiều áp lực, bởi tất cả các tình khúc ấy đều đã được định danh bởi những ca sĩ tên tuổi. Và khi thể hiện lại, nếu không có cách làm mới và không thể hiện nổi cái hồn ca khúc, chắc chắn ca sĩ trẻ sẽ bị “rớt đài”.

Thanh Thảo từng tâm sự: “Có quá nhiều áp lực khi hát nhạc xưa, nhất là khi bị so với những tên tuổi trước đó, lại còn sợ không truyền tải hết những gì mà tác giả muốn gửi gắm”. Còn Lê Hiếu thì khẳng định, anh chọn những nhạc phẩm này không chỉ vì sự trường tồn của nó mà còn vì muốn những bài hát mình yêu thích sẽ được làm mới, phù hợp với phong cách của dòng nhạc hiện nay. Can đảm nhất có lẽ là Tuấn Hưng, bởi anh làm album nhạc xưa chỉ vì một lý do rất riêng: “Dù Hưng đã có khá nhiều bài được khán giả yêu thích nhưng chưa chắc những ca khúc ấy làm hài lòng bố mẹ. Hưng quyết định thực hiện một album nhạc xưa để dành tặng đấng sinh thành. Với Hưng, album này chỉ là sự thử nghiệm, chứ không phải là dòng nhạc mà Hưng sẽ theo đuổi, vì Hưng nghĩ mình hẳn còn nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên Hưng vẫn muốn thử sức…”.

Một số ca sĩ khác cũng có quan niệm gần với Tuấn Hưng, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rằng, đó không phải dòng nhạc sở trường của họ. Bởi vậy, khi ca sĩ thực hiện album chỉ để… thử sức, bất chấp dòng nhạc xưa có hợp với chất giọng hay không, chẳng những đã không khẳng định được điều mong muốn mà còn làm cho khán giả quay lưng với tên tuổi, giọng hát của mình.

Vậy thì, có nhất thiết phải cố chứng tỏ, cố chạy theo phong trào để mất cả công sức, thời gian, tiền bạc và cả thiện cảm của khán giả hay không?

Dạ Ly (Theo TNO)

Bình luận (0)