Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhăm nhe đánh thuế xe ôm, quán cóc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chưa kể đến việc ngành thuế không đủ năng lực để quản lý tất cả người chạy xe ôm, hộ buôn bán nhỏ lẻ, mà chỉ dưới góc độ nhân văn thì việc đưa những đối tượng này vào "tầm ngắm" cũng cần xem xét lại

Điểm đáng lưu ý trong Công văn số 4965 của Tổng cục Thuế chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019 là yêu cầu các cục thuế rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu những cá nhân hành nghề xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát ở chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng…

Mục tiêu… không để lọt!

Theo Tổng cục Thuế, chỉ đạo trên nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng là bảo đảm chống thất thu ngân sách, tránh bỏ lọt đối tượng thuộc diện nộp thuế, nhất là trong tình hình các cơ quan chức năng chỉ ra đến 581.700 hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định ngành thuế quyết tâm thực hiện việc kiểm soát, chống thất thu ngân sách một cách công bằng, minh bạch. "Phải bảo đảm công bằng với các thành phần phải nộp thuế. Đối tượng kinh doanh đến mức phải nộp thuế thì không để lọt" – ông Nam nhấn mạnh.

Việc thu thuế đối với người kinh doanh quán cóc, vỉa hè gây ra nhiều tranh luận. Ảnh: Tấn Thạnh

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cũng cho biết cơ quan này sẽ rà soát, xác định danh sách cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên để làm cơ sở tính thuế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ quan ngại với khả năng kiểm soát thu nhập của khối kinh doanh nhỏ lẻ của ngành thuế. Chủ một doanh nghiệp đại lý thuế ở TP HCM nhận định cơ quan thuế không thể xác định được doanh thu của cá nhân kinh doanh vỉa hè, quán cóc vì giữa đối tượng này và cơ quan quản lý không kết nối số liệu. "Để việc thu thuế hợp lý, trước mắt, cơ quan thuế cần phối hợp với chính quyền phường, xã đánh giá chính xác quy mô kinh doanh, doanh số bán hàng, lợi nhuận, chi phí nhân công, mặt bằng… nhằm xác định cá nhân kinh doanh đó có lời hay không; từ đó đưa ra mức thuế khoán phù hợp hoặc không thu thuế" – vị này đề xuất.

Chuyên gia thuế Chung Thành Tiến cho rằng ngành thuế phải xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại và đồng bộ mới có thể quản lý, không thể "tay không bắt giặc" như hiện nay. "Cần cơ chế cho phép người dân kê khai hóa đơn tiêu dùng để khấu trừ vào thu nhập chịu thuế nếu có phát sinh với mức khấu trừ hợp lý khoảng 3%-5%. Như thế, khi người dân kê khai chi phí khấu trừ thì sẽ đồng thời lộ ra phần doanh thu của hộ, cá nhân cung cấp dịch vụ và ngành thuế có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp tới 20% từ phần doanh thu này" – ông Tiến góp ý.

Tận thu người nghèo

Thực tế hiện nay, hộ có đăng ký kinh doanh đều phải nộp thuế khoán hoặc áp dụng thuế suất 5% đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh số bán hàng trên 100 triệu đồng/năm. Còn các hộ, cá nhân buôn bán nhỏ lẻ thì không phải nộp thuế. Ý tưởng nhắm tới đối tượng là người lao động, kinh doanh nhỏ lẻ như xe ôm, quán cóc của ngành thuế vì vậy đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Khi chúng tôi đặt vấn đề nhà nước yêu cầu kê khai doanh thu bán hàng đế tính thuế, chị Linh – chủ tiệm tạp hóa trong hẻm 1050, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM – tỏ ra ngạc nhiên. Chị tiết lộ mặc dù mặt bằng kinh doanh chính là nhà ở của gia đình song lợi nhuận cả năm chỉ được khoảng 60 triệu đồng, bằng 20% doanh thu. Mức này chỉ vừa đủ để chị nuôi sống bản thân. "Chúng tôi chủ yếu kinh doanh theo kiểu lấy công làm lời. Giả sử tôi thuê mặt bằng và nhân công khoảng 120 triệu đồng/năm thì khi tính thuế nhà nước có khấu trừ các chi phí này không?" – chị Linh thắc mắc.

Ông Nguyễn Lê – chủ xe bánh mì tại quận Phú Nhuận, TP HCM – cho hay lợi nhuận ông thu được khi bán hàng từ 16 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm trong tổng doanh thu 1 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, gia đình ông có 4 người thay phiên nhau bán hàng ban đêm. "Nếu phải thuê nhân công, trả lương 5 triệu đồng/người/tháng thì chi phí hơn 200 triệu đồng/năm. Tính ra tôi kinh doanh không có lời thì hà cớ gì phải nộp thuế!" – ông Lê phản đối.

Một số hộ kinh doanh vỉa hè cũng than phiền lời lãi bán hàng chỉ đủ trang trải chi phí kinh doanh và chi tiêu cơ bản cho gia đình nên nếu đánh thuế thì chẳng khác tận thu người nghèo. 
“Thu thuế phải bảo đảm công bằng, nhân văn. Rất nhiều hộ kinh doanh tại các chợ đầu mối lớn sẽ chỉ phải nộp một khoản thuế khoán rất nhỏ trong khi doanh thu thật lại cực lớn. Còn người bán vài món hàng nhỏ ở chợ huyện, chợ xã lại có nguy cơ bị đánh thuế. Chỉ cần quản lý thuế ở chợ đầu mối được thì sẽ chống thất thu rất lớn, chưa cần sờ đến người buôn bán nhỏ” – chuyên gia thuế Chung Thành Tiến nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM:

Chưa nên đưa vào "tầm ngắm"

Mục tiêu giám sát các đối tượng có thu nhập của ngành thuế nhằm bảo đảm công bằng, chống thất thu thuế là rất tốt song việc thực hiện cần cân nhắc. Những người chạy xe ôm, xe lam, bán hàng tại chợ cóc, chợ tạm… đều thuộc diện nghèo, thu nhập thấp nên xét về góc độ nhân văn thì chưa nên đưa vào "tầm ngắm". Mặt khác, nhà nước hiện nay còn chưa quản lý tốt đối với những hộ kinh doanh cố định, có địa chỉ đăng ký kinh doanh, có doanh thu lớn. Vậy tại sao không dồn lực lượng để quản lý tốt khu vực này trước khi động đến người có thu nhập thấp hơn. Mở rộng đối tượng nhiều quá sẽ làm không được, càng thất thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế cao cấp LÊ ĐĂNG DOANH:

Tốn nhiều nhân lực, công sức

Ngành thuế cần phải trả lời được câu hỏi với khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do không thường xuyên, liệu có thu được thuế không, có đáng thu không và có cần phải thu không? Nhìn vào quy mô kinh doanh và năng suất lao động của khu vực này, có thể thấy số thu không lớn mà để quản lý được thì tốn rất nhiều nhân lực, công sức.

Ngành thuế cũng không thể đôi co với người chạy xe ôm, người bán hàng khi họ nói có ngày chạy xe, có ngày nghỉ hoặc có ngày bán hàng, có ngày không. Họ cũng hoàn toàn có thể thay đổi địa bàn kinh doanh, buôn bán để tránh cơ quan thuế. Muốn quản lý, phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng hiện đại. Có thể có một biện pháp là bắt buộc những người bán hàng, kinh doanh, lao động tự do phải có mã số thuế và gắn chip quản lý nhưng lại phải nghĩ đến chi phí phát sinh cho việc này.

Tất nhiên, cần bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có thu nhập phát sinh phải nộp thuế nhưng ngành thuế muốn làm hiệu quả và nhận được sự đồng thuận thì phải giải trình được phương pháp quản lý, cơ sở tính thuế, cách thu thế và hiệu quả quản lý ra sao… Nếu không, sẽ có những hộ kinh doanh siêu nhỏ phải chịu mức thuế bất công, còn hộ có doanh thu lớn thì lại chỉ đóng ở mức không tương xứng.

Ph.Nhung – T.Châu ghi

Theo Phương Nhung – Thy Thơ/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)