Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhầm tưởng phần mềm trợ giảng thành chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ học tiếng Anh của HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh

Trong những ngày gần đây, nhiều phụ huynh băn khoăn về việc có quá nhiều chương trình tiếng Anh trong các trường tiểu học nên không biết chọn chương trình nào. Để phụ huynh và học sinh (HS) an tâm và hiểu thêm về các chương trình được áp dụng trong hệ thống GD-ĐT tại thành phố hiện nay, ThS. Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết:

Tính đến thời điểm này, ngành GD-ĐT thành phố có ba chương trình tiếng Anh được sử dụng chính thức trong trường học. Đó là chương trình tăng cường tiếng Anh (được bắt đầu từ năm học 1999-2000 cùng với sự đồng ý của UBND thành phố và Bộ GD-ĐT), áp dụng cho HS từ tiểu học tới THPT với thời lượng học tiếng Anh 8 tiết/tuần. Hai là chương trình tiếng Anh tự chọn của Bộ GD-ĐT với thời lượng 2-4 tiết/tuần (được áp dụng vào năm 2003) và đã có khoảng 40% HS tiểu học tại TP.HCM lựa chọn học chương trình này. Ba là trong năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đã cho thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Sau khi tiến hành thí điểm thành công, chương trình này sẽ được áp dụng rộng rãi tại các trường tiểu học trong cả nước đối với những HS lớp 3. Tại TP.HCM, chương trình này được thí điểm tại 9/500 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Cả ba chương trình này đều không bắt buộc, các trường căn cứ theo khả năng của mình và nguyện vọng của phụ huynh HS để đăng ký và thực hiện chương trình.
Ngoài các chương trình trên, TP.HCM cũng mới thực hiện thí điểm chương trình song ngữ Cambridge tại một số trường như Tiểu học Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo, THCS Nguyễn Du (Q.1), THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Theo đó, những HS tham gia chương trình này sẽ được học các môn khoa học bằng tiếng Anh và được giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Cuối mỗi cấp học, các em sẽ làm bài kiểm tra và có thể lấy bằng quốc tế Cambridge. Chương trình Cambridge vốn đã được một số trường quốc tế giảng dạy với mức học phí khoảng 15.000 USD/năm. Việc giảng dạy thí điểm chương trình này tại một số trường học có thể thấy được hiệu quả cả về chất lượng lẫn kinh phí khi phụ huynh cho con em đăng ký học.
PV: Vậy, xung quanh vấn đề được dư luận cho là “loạn” chương trình tiếng Anh, sở có ý kiến gì, thưa ông?
Các chương trình nói trên đã bước đầu hình thành cho học sinh các kỹ năng giao tiếp cơ bản, đơn giản bằng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày ở nhà trường và gia đình như kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói. Mỗi chương trình đều có một giới hạn phạm vi nhất định: chương trình tiếng Anh tăng cường mới chỉ áp dụng cho khoảng 11% HS, chương trình tiếng Anh tự chọn khoảng 40% trong tổng số học sinh các trường tiểu học tại TP.HCM. Hai chương trình còn lại mới chỉ mang tính chất thí điểm, chưa áp dụng trên phạm vi rộng nên số lượng chưa đáng kể. Sự tồn tại của các chương trình nói trên tạo nên sự đa dạng và giúp cho phụ huynh HS có thể chọn lựa chương trình học phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.
Thế nhưng, một số người lại nhầm tưởng DynEd, Phonics… là các chương trình tiếng Anh. Thực ra, đây chỉ là các phần mềm hỗ trợ cho việc giảng dạy của giáo viên để các em HS đạt được một trình độ nhất định khi học tiếng Anh.
Việc khảo sát trình độ giáo viên tiếng Anh cũng làm cho giáo viên hoang mang. Thực hư sự việc này là thế nào, thưa ông?
Khảo sát trình độ của giáo viên tiếng Anh là một trong những yêu cầu nằm trong đề án giảng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đề án yêu cầu HS khi tốt nghiệp phải đạt được chuẩn tiếng Anh nhất định, muốn làm được điều đó thì chất lượng của giáo viên phải đủ khả năng để đảm bảo việc dạy và học. Lẽ dĩ nhiên, trình độ của giáo viên phải cao hơn chuẩn kiến thức mà HS đạt được. Theo khung tiêu chuẩn của châu Âu, những giáo viên dạy bậc THCS phải đạt trình độ B2 (tương đương với trường CĐ chuyên ngữ), THPT đạt trình độ C1 (tương đương ĐH chuyên ngữ). Nhiều giáo viên hoang mang về vấn đề này vì họ nghĩ sau khi tiến hành khảo sát, những giáo viên không đạt chuẩn sẽ bị đào thải. Thực ra, việc khảo sát này đã và đang được các tỉnh thành trong cả nước thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu giáo dục mà Bộ GD-ĐT yêu cầu trong đề án. Những giáo viên không đủ điều kiện sau cuộc khảo sát sẽ được các sở GD-ĐT lên kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ để thích ứng với việc giảng dạy.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Anh (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)