Đối với nhiều phụ nữ, các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như đau bụng, đau lưng, nhức đầu… là sự khó chịu không mong đợi, thậm chí ở mức độ nặng còn ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày.
Ảnh: minh họa – Internet |
Các triệu chứng nói trên thường biến mất khi bắt đầu ra máu kinh, nhưng có khoảng 7% phụ nữ bị PMS thường chịu ảnh hưởng nặng đến tính khí và tâm thần, gọi là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Hiện người ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây PMS, tuy nhiên có một số lý giải được đưa ra về các yếu tố góp phần gây nên những triệu chứng này. Sự thay đổi của chu kỳ hormone có lẽ là một nguyên nhân quan trọng, bởi vì những triệu chứng của PMS thay đổi có tính chu kỳ theo những chu kỳ hormone và cũng biến mất khi người phụ nữ có thai hay mãn kinh.
Một số triệu chứng của PMS còn liên quan với thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Ăn quá nhiều muối có thể gây ứ trệ dịch, uống nhiều rượu hay các thức uống có caffeine cũng có thể làm rối loạn và thay đổi tính khí của chị em trong những ngày “đèn đỏ”. Bên cạnh đó, stress cũng là yếu tố có khả năng khiến hội chứng PMS nặng thêm.
Tuy đến nay vẫn chưa có cách điều trị PMS triệt để, song bạn vẫn có thể kiểm soát hay làm thuyên giảm các triệu chứng nói trên bằng cách thực hiện tốt một số thay đổi trong chế độ ăn uống và tập luyện thường ngày như sau:
– Mỗi bữa nên ăn ít lại và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm sự chướng bụng cũng như cảm giác đầy hơi. Hạn chế muối và các thức ăn mặn để giảm tình trạng ứ trệ dịch, tăng cân; chọn các loại thực phẩm có nhiều hợp chất carbohydrate, như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, và các thực phẩm giàu can-xi. Nếu bạn không hợp khẩu vị các loại bơ sữa và các sản phẩm từ sữa, hoặc không đảm bảo đầy đủ chế độ ăn nhiều can-xi, bạn có thể uống bổ sung can-xi ở dạng viên. Tránh dùng các chất kích thích như cà phê, rượu…
– Đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc tập aerobic mỗi tuần ít nhất 3-5 lần, mỗi lần khoảng 20-30 phút sẽ rất hữu ích, giúp tăng cường thể lực, tạo cảm giác sảng khoái, giảm stress, chống mệt mỏi và trầm cảm cũng như nhiều bệnh lý khác.
– Tập cách làm thư giãn cơ hoặc tập hít thở sâu, giúp giảm nhức đầu, lo âu, mệt mỏi và ủ rũ. Bên cạnh đó bạn cũng nên tập thói quen ngủ đủ giấc.
– Ghi chú lại các triệu chứng trong vài tháng. Việc này rất cần thiết nhằm giúp bạn nhận ra những yếu tố nào làm khởi phát và khoảng thời gian thường xảy ra các triệu chứng PMS với mình, từ đó bạn có thể lên kế hoạch giảm thiểu các triệu chứng.
Theo Anh Khoa
Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên
Bình luận (0)