Trẻ uống sữa nhiễm melamine bị sạn, sỏi thận thường có những biểu hiện: khóc nhiều, khó tiểu, hoặc tiểu ra máu…
> Melamine chỉ nguy hại khi sử dụng nhiều
Thế nhưng, hàng vài chục nghìn trẻ nhỏ ở Trung Quốc đã đang phải điều trị căn bệnh sỏi thận, sạn thận vì uống phải sữa chứa chất melamine.
Trong số hàng vạn trẻ em bị ảnh hưởng bởi sữa chứa chất melamine gây bệnh sỏi, sạn thận thì đại đa số đều là trẻ dưới 2 tuổi, độ tuổi mà bệnh sạn thận rất hiếm khi xảy ra.
Nguyên nhân được xác định, vì những đứa trẻ này đã sử dụng sữa nhiễm chất melamine trong một khoảng thời gian dài. “Khi trẻ không được bú sữa mẹ mà dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhưng các sản phẩm này lại nhiễm melamine. Trẻ dùng với số lượng lớn trong một thời gian dài dẫn đến việc đứa trẻ sẽ bị nhiễm độc, hậu quả tai hại là chúng sẽ mắc phải những triệu chứng sỏi thận, sạn thạn thậm chí là tử vong”, TS Jean nói.
Theo ông Jean, tại Việt Nam, dù chưa có báo cáo nào cho thấy có trẻ em mắc chứng sạn thận do sữa nhiễm melamine, nhưng ông cũng đưa ra những khuyến cáo, dấu hiệu điển hình để người dân có thể phát hiện, đưa trẻ đi chữa trị kịp thời.
Một đứa trẻ uống sữa nhiễm melamine bị sạn, sỏi thận thường có những dấu hiệu sau:
Dấu hiệu sớm của đứa trẻ bị sạn thận, đó là bé thường khóc nhiều, đặc biệt là khóc khi đi tiểu và kèm theo là bị buồn nôn.
Những dấu hiệu tiếp theo là trẻ đi tiểu ra máu. Tình trạng ra máu ít hay nhiều phụ thuộc vào việc viên sỏi gây tổn thương như thế nào ở đường tiết niệu.
Em bé cũng có thể có biểu hiện thiểu niệu (tức là đi tiểu ít hơn bình thường) hoặc là vô niệu (tức là hoàn toàn không đi tiểu) kèm theo đó là các triệu chứng đau đớn ở vùng thận nếu chẳng may người lớn chạm vào, sờ nắn vào vùng thận của bé.
Ngoài ra, có những bé bị tăng huyết áp do bị sạn, sỏi thận. Thậm chí, có những trường hợp đi tiểu ra cả viên sạn.
Để điều trị cho trẻ bị sạn thận giống như điều trị cho các bệnh nhân bị sỏi thận, sạn thận bằng những biện pháp điều trị thông thường.
Lúc này, tùy thuộc vào thời gian, hàm lượng melamine đã được hấp thụ và tuỳ thuộc vào tình trạng của đứa trẻ mà có những phác đồ điều trị, từ đó có hàm lượng thuốc cho trẻ em có thế đi tiểu nhiều hơn. Những sạn thận nhỏ có thể được bài tiết qua đường đi tiểu. Nếu sạn thận lớn hơn phải dùng các biện pháp khác như tán sỏi thận, nếu viên sỏi quá to sẽ phải mổ để lấy sỏi.
Hồng Hải (dantri.com.vn)
Bình luận (0)