Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhận diện 4 khó khăn của sản xuất

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành công thương ngày 6.7, các doanh nghiệp (DN) đã chỉ ra 4 khó khăn cơ bản của sản xuất công nghiệp là: Thiếu vốn, thiếu điện, lãi suất tín dụng cao và giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Điều đáng nói là nhiều ngành sản xuất đã tới ngưỡng, mặt hàng đã chịu sự cạnh tranh nên giá bán không tăng hoặc tăng chậm, trong khi giá “đầu vào” tăng liên tiếp, khiến DN khó chống đỡ. Do phụ thuộc quá nhiều nguyên liệu nhập khẩu nên nhập siêu tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với yêu cầu đề ra.

Thiếu điện, sản xuất không ổn định, thiệt hại vô kể”. Ảnh minh họa
Nguồn: Internet.
Lại điệp khúc thiếu điện
Thiếu điện đã trở thành “nỗi ám ảnh” của các DN sản xuất công nghiệp khi liên tiếp trong nhiều hội nghị giao ban trực tuyến, đề tài này liên tục được đề cập. Bức xúc nhất là ngành dệt – may.
Ông Vũ Đức Giang- TGĐ Tập đoàn Dệt- May VN (Vinatex) trăn trở: “Đang vào mùa cao điểm sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng 1 tháng thì có đến 6 – 7 ngày mất điện không được báo trước, khiến sản xuất đình đốn, thiệt hại vô kể”.
Ông nói: “Hiện công nghệ nhuộm của ta là nhuộm liên tục, 1 mẻ nhuộm đang chạy, mất điện coi như bỏ đi, chi phí buộc phải hạch toán vào giá thành. Tương tự – ngành may, từ khi nhận đặt hàng đến khi giao hàng có khi chỉ chừng 17 ngày. Nếu cúp điện công nhân phải làm ca đêm, chi phí tăng 4 lần so với làm ngày. Ông lo ngại, thiếu điện có thể ảnh hưởng tới mục tiêu lâu dài của ngành dệt – may (XK 10,5 tỉ USD trong năm nay).
Ngành than lâu nay chỉ lo XK và thiếu vốn đầu tư khi các vỉa than ngày càng xuống sâu, thì nay thêm một nỗi lo nữa: Thiếu điện phải dừng sản xuất. Mà nguyên nhân thiếu điện thì ông Trần Xuân Hòa- TGĐ Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN (TKV) – cũng tỏ tường: “Do giá điện đang ở mức thấp, nên nhiều DN sản xuất kinh doanh điện khá chật vật với việc vận hành nhà máy để bán điện cho ngành điện. TKV có 2 nhà máy là Na Dương và Cao Ngạn đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, nhưng ngành điện chỉ chấp nhận mua với giá 3,2 cent (tương đương 620đ/kWh), vì vậy nhà máy càng chạy càng lỗ. Trong khi đó, giá than bán cho điện vẫn là giá bao cấp, than cám 5 bán cho điện chỉ có 27-28USD/tấn, trong khi giá XK đã lên tới 81,5USD/tấn.
Ông kiến nghị Chính phủ sớm đưa giá điện theo giá thị trường. Nếu chậm trễ, chỉ 5 năm tới thôi, thiếu điện sẽ còn trầm trọng hơn vì các nguồn nguyên liệu cho điện là than, là khí đều sẽ cạn kiệt.
Nhập siêu chủ yếu nguyên phụ liệu

Theo ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Xuất – nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn vào cơ cấu nhập khẩu (NK) 6 tháng thì tỉ trọng nhóm hàng cần NK gồm nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất vẫn chiếm ưu thế (82% trong tổng kim ngạch NK), tăng 27,4% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng cần kiểm soát NK tuy chỉ chiếm tỉ trọng 11,4%, nhưng hiện tăng nhất 56,9% và nhóm hàng cần hạn chế NK chiếm tỉ trọng 6,61%, tăng 16,7%. Do công nghiệp phụ trợ ở trong nước chưa phát triển nên phải NK nhiều mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất như NK bông tăng tới 178,3% về lượng, 240% về giá; caosu các loại tăng 177,5% về giá; những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng như ôtô nguyên chiếc tăng 65% về lượng, 81% về giá; linh kiện, phụ tùng ôtô tăng 153%… Bởi vậy, tỉ lệ nhập siêu 6 tháng đầu năm vẫn ở mức cao, ước khoảng 6,7 tỉ USD – bằng 20,9% kim ngạch XK, trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát là không quá 20%.
“Điều đáng nói là nhập siêu bị tác động phụ thuộc cả về giá, trong khi giá NK nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất tăng mạnh, thì giá XK sản phẩm tăng chậm hơn, làm cho hiệu quả XK giảm” – ông Chinh nói.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa, đẩy mạnh XK, hạn chế NK các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, ý kiến các DN cho rằng Bộ Công Thương cần có chính sách khuyến khích các DN đưa hàng về nông thôn và tạo các kênh phân phối dài lâu, đừng xem thị trường này là nơi trú chân tạm thời.
Hồng Quân / Lao Động

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)