Trung úy Châu Đức Nhân (Công an Quận 1, TP.HCM) cho biết các tình huống lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến. Trong đó, dễ thấy như các đối tượng mạo danh những công ty điện thoại, ngân hàng, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, người thân, các dịch vụ khác… để lừa đảo.
Sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả tại chương trình
Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM vừa phối hợp với nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức chương trình văn hóa ứng xử mạng xã hội, chuyên đề “Nhận diện các tình huống lừa đảo trực tuyến dành cho sinh viên”.
Dễ bị lừa đảo qua Zalo, Facebook
Tại chương trình, trung úy Châu Đức Nhân chỉ ra, thủ đoạn thông báo trúng thưởng qua Facebook, Zalo để ăn cắp thông tin cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất thường gặp. Tội phạm nhắn tin vào các tài khoản Zalo, Facebook hoặc thuê bao di động của người dùng, thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, trị giá hàng hóa hàng trăm triệu đồng và yêu cầu thanh toán phí trao quà tặng, cước vận chuyển, thuế để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
“Nếu không là nạn nhân, sinh viên cũng đừng trở thành người… tiếp tay cho tội phạm. Cụ thể, không cung cấp thông tin cá nhân quá nhiều trên mạng xã hội và cũng không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để đi mở các tài khoản ngân hàng giao cho người khác sử dụng mà không rõ người đó dùng vào mục đích gì”, trung úy Châu Đức Nhân khuyến cáo. |
Nguy hiểm hơn, đối tượng xấu còn chiếm đoạt cả tài khoản Facebook, Zalo của cá nhân, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn này, đối tượng xấu bằng cách gửi các đường link đến hàng loạt bạn bè đã kết bạn trên Facebook trước đó. Đường link này sẽ dẫn đến một trang mạng đăng nhập lại tên và mật khẩu Facebook; khi nạn nhân nhấp vào liên kết nhận được sẽ hiện ra một trang rất giống giao diện Facebook. Nếu gõ tên và mật khẩu thì trang Facebook giả mạo này sẽ chiếm dụng tài khoản của nạn nhân. Sau đó, đối tượng xấu sẽ nghiên cứu thông tin và lịch sử tin nhắn của nạn nhân rồi tiến hành dụ dỗ những người khác là bạn bè, người thân của người có tài khoản bị chiếm dụng để mượn tiền hoặc nhờ nạp thẻ cào điện thoại… Ngoài ra, ở thủ đoạn giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để chiếm đoạt tài sản, tội phạm thường thông qua hỗ trợ giải quyết sự cố sau đó yêu cầu nhắn tin theo cú pháp “**21*#”, tuy nhiên, đây thực chất là cú pháp để chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng; từ đó, kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví. “Đây là hình thức lừa đảo rất mới mà những ngày qua chúng tôi tiếp nhận và thụ lý. Độ tuổi nạn nhân rơi thường vào năm sinh từ 1996 đến 2003 vì đây là những bạn trẻ, sinh viên tiếp xúc với ứng dụng Momo rất nhanh và lựa chọn hình thức thanh toán bằng phương tiện điện tử rất cao. Đặc biệt, các sim điện thoại liên kết với những ứng dụng thanh toán trực tuyến như Shopee, Lazada… nên đối tượng xấu lợi dụng những điểm này để chiếm đoạt thuê bao, lừa đảo”, trung úy Nhân nhận định.
Cảnh giác với quà “từ trên trời rơi xuống”
Trung úy Châu Đức Nhân nhấn mạnh 5 dấu hiệu lừa đảo mà sinh viên cần nắm rõ, đó là: Người trúng giải không tham gia chương trình dự thưởng; địa chỉ công ty phát giải ở địa phương khác (so với địa chỉ tạm trú, thường trú của nạn nhân); giao dịch đều được tiến hành qua mạng, điện thoại; cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân; chuyển tiền trước khi nhận giải. “Khi được mời ở hình thức này, sinh viên nên nhanh chóng thu thập những giấy tờ liên quan như thư mời, tin nhắn, hóa đơn chuyển tiền… rồi trình báo đến cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết”, trung úy Nhân lưu ý.
Diễn giả thông tin về các tình huống lừa đảo cho sinh viên
Qua đây, trung úy Nhân khuyến cáo sinh viên, để tránh rơi vào các bẫy lừa đảo qua mạng, cần cảnh giác những món quà “từ trên trời rơi xuống”; tìm hiểu, kiểm tra kỹ công ty trao thưởng; tra Google tên công ty, số điện thoại đã gọi mời nhận thưởng; tránh cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân lên các trang web, mạng xã hội; kiểm tra kỹ thông tin trúng thưởng. “Nếu không là nạn nhân, sinh viên cũng đừng trở thành người… tiếp tay cho tội phạm. Cụ thể, không cung cấp thông tin cá nhân quá nhiều trên mạng xã hội và cũng không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để đi mở các tài khoản ngân hàng giao cho người khác sử dụng mà không rõ người đó dùng vào mục đích gì. Khi bị mất giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hãy trình báo nhanh đến cơ quan công an để được cấp phát lại; tránh để hệ lụy không đáng có sau này”, trung úy Nhân nhấn mạnh.
Việt Ngân
Bình luận (0)