Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhận diện điểm nghẽn của nền kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện và hóa giải…
Bức tranh kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong 10 tháng đầu năm 2023. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi hoàn toàn và phát triển ổn định trong năm 2024.
Đã có nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm đã phục hồi nhẹ, tốt hơn so với 9 tháng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng 9 tháng. Chỉ số này tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương khác trên cả nước.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 479.300 tỉ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 18 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Cùng với FDI, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 557,9 tỉ USD, dù giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức giảm 11% của giai đoạn 9 tháng trước. Đặc biệt nhập khẩu tư liệu sản xuất quý III/2023 cao hơn quý II/2023 là dấu hiệu phản ánh sản xuất trong nước đang tốt dần lên.
Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra và vốn sản xuất. Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2023, có 183.600 DN gia nhập thị trường, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có đến 146.600 DN rút lui, tăng đến 20% cùng kỳ và vốn đăng ký thành lập DN giảm.
Nhận diện điểm nghẽn của nền kinh tế - Ảnh 1.
Ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái khó khăn.

Báo cáo của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) trong tháng 10, riêng TP HCM có tới 44% DN giảm doanh thu và 50% số DN có lợi nhuận giảm. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, 16% DN vẫn có kế hoạch giảm lao động trong thời gian tới do gặp khó khăn về vốn, đơn hàng sụt giảm và áp lực nợ nần…
Nêu con số tổng mức bán lẻ 10 tháng tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%) nhưng chủ yếu đến từ mảng dịch vụ, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết bán lẻ nội địa chưa có dấu hiện phục hồi rõ nét. Ngành thương mại vẫn còn những điểm dừng khó khăn, các DN bán lẻ hiện đại bị chững lại, nếu trừ đi mức trượt giá thì sản lượng phân phối ngang bằng hoặc thấp hơn cùng kỳ. 
"Người tiêu dùng đang mua sắm dè sẻn hơn và xu hướng tiêu dùng thay đổi. Sau những khó khăn toàn cầu, cơ cấu hàng hóa thay đổi theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, có giá trị thấp hơn thay cho hàng hóa có giá trị cao" – ông Nguyễn Anh Đức nêu thực tế.
Trên bình diện chung, những chính sách như giảm thuế GTGT, giảm tiền thuê đất… và chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 cho TP HCM ít nhiều tạo hiệu ứng tích cực hơn. "DN bán lẻ cần tận dụng hơn các chính sách kích cầu, các hỗ trợ DN. Bản thân Saigon Co.op trong 10 tháng đầu năm có tăng trưởng về mặt giá trị nhưng thấp hơn kỳ vọng. Saigon Co.op đang hướng đến nhiều giải pháp để kích cầu và phát triển mạng lưới" – ông Đức nói.
Lĩnh vực dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết doanh thu xuất khẩu toàn ngành trong 10 tháng đạt khoảng 33 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện khá nhiều so với mức giảm hơn 20% trong các tháng đầu năm 2023. VITAS nhận định thị trường có dấu hiệu ấm lên với tốc độ chậm, nhiều DN đã "sống được".
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), cũng cho rằng ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái khó khăn do nhiều DN còn thiếu hàng, phải cho công nhân giảm, giãn giờ làm… 
"Xuất khẩu qua Nga có tăng trưởng, xuất khẩu qua Mỹ cũng dần phục hồi. Ưu tiên hàng đầu của các DN dệt may hiện nay là tìm kiếm đơn hàng nên họ sẵn sàng chấp nhận những đơn nhỏ lẻ, mẫu mã cầu kỳ hơn, giá thấp hơn trước. Chúng tôi liên tục vận động DN hội viên tham gia hội chợ, triển lãm để tăng cường gặp gỡ, kết nối, chia sẻ thông tin với khách hàng để tìm kiếm cơ hội" – ông Hồng thông tin.
Còn nhiều thách thức
Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa cập nhật, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam khởi đầu quý IV trên tâm thế tích cực, xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển biến dần dần dù sự phục hồi không hẳn đồng đều. Đà lạm phát đã hạ nhiệt nhờ giá dầu và thực phẩm giảm. Các chuyên gia nghiên cứu của HSBC kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định ở mức 4,5% cho năm 2023.
Chỉ số các nhà quản trị mua hàng PMI vừa được công bố tháng 10-2023 lùi nhẹ về mức 49,6 từ mức 49,7 của tháng 8-2023 tiếp tục cho thấy sự suy giảm của sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định PMI nhiều khả năng sẽ hồi phục khi mùa mua sắm cuối năm 2023 cộng với mức nền thấp cuối 2022 sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho mảng sản xuất ở Việt Nam trong các tháng tới. 
Dài hạn hơn, ngoại trừ nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc hoặc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2024, các nền kinh tế khác như EU, Nhật, Trung Quốc được kỳ vọng đang tạo đáy và sẽ cải thiện tăng trưởng trong năm 2024. Do đó, kỳ vọng xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ hồi phục đáng kể trong các quý tới, hỗ trợ nền sản xuất trong nước.
Tuy vậy, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng điều ông lo ngại khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế hiện nay vẫn thấp. Cầu tín dụng rất yếu nên cả DN lẫn người dân đều không có nhu cầu vay vốn. Trong khi những DN cần vốn lại không đáp ứng được điều kiện tín dụng của NH, không còn tài sản thế chấp hoặc hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn…
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực chỉ ra một trong những thách thức chính của nền kinh tế cuối năm là tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. Cụ thể, GDP quý III/2023 ước tăng 5,33%, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2020 và 2021 (lần lượt là 3% và -6,03%) trong 10 năm qua. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2020 và 2021. 
"Kết quả này cho thấy mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 là rất khó khăn, trong bối cảnh rủi ro, thách thức nhiều hơn cơ hội. Điểm tích cực là đà phục hồi khá rõ nét, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và triển vọng năm 2024 dự báo sẽ khả quan hơn" – TS Cấn Văn Lực nói.
Để thúc đẩy kinh tế những tháng cuối năm và thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, góp ý cần tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất kinh doanh cho DN, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trong các dự án, khơi thông thị trường trái phiếu DN, đẩy nhanh hoàn thuế, giảm GTGT, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án FDI có vốn lớn gắn với quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại. Cần xem tính nhất quán, ổn định khi thực hiện chính sách là điểm tựa pháp lý để củng cố niềm tin của thị trường.
Đồng thời, bám sát theo dõi diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, tình hình xuất nhập khẩu để có chính sách linh hoạt kịp thời. Mở rộng việc tiếp cận nguồn vốn vay cho DN, người dân như hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02 của NHNN; gói tín dụng 120.000 tỉ cho vay nhà ở xã hội; gói tín dụng 20.000 tỉ của các công ty tài chính… 
"Cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước. Tăng cường kiểm soát công tác bình ổn giá, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả tạo hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng" – ông Nguyễn Khắc Hoàng nói. 
Năm 2024 sẽ "sáng" hơn
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư Vinacapital, kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024 với mức tăng trưởng GDP quay trở lại khoảng 6,5%/năm. Sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã chấm dứt và kỳ vọng lượng đặt hàng bắt đầu gia tăng trở lại. Cùng với đó, tỉ giá USD/VNĐ vẫn được duy trì ở mức ổn định; tầng lớp trung lưu tăng trưởng 10%/năm sẽ khiến tiêu dùng kéo dài tăng trưởng trong hơn 10 năm tới…
 
THANH NHÂN (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)