Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhận diện đu đủ có mùi thuốc Tây

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chẳng ai ngờ, quả đu đủ vàng óng, trông đẹp là thế mà không ai nuốt nổi một miếng vì nồng mùi… thuốc Tây.

Mới đây, chị Nguyễn T.P. (ở phố Trại Găng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có mua một quả đu đủ ở chợ Bách Khoa (Hà Nội). Quả đu đủ này được mang đến nhà cậu em ở gần đó để bổ ra ăn chơi. Chẳng ai ngờ, quả đu đủ vàng óng, trông đẹp là thế mà không ai nuốt nổi một miếng vì nồng mùi… thuốc Tây.   

Quả đu đủ có mùi thuốc Tây.
Muốn xét nghiệm cũng không dễ
Ngày 25/5, tại khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, phóng viên đã gặp bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh (Hải Dương), nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, người sốt, đi ngoài… Được biết, trước đó 3 ngày, chị đã ăn đu đủ và sau 30 phút thì đi ngoài, người mỏi mệt, tự điều trị tại nhà, tới khi bệnh nặng mới nhập viện. Qua chẩn đoán, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xác định: Chị Hạnh bị ngộ độc do ăn đu đủ.

Chị T.P. cho biết, quả đu đủ này có trọng lượng 1,3kg, giá 15.000đ. Trên quầy bán có 3 quả, chị chọn quả nhỏ nhất. Hai quả kia có màu vàng tương tự. Mới nhìn, chị đã thấy quả đu đủ này trông hơi lạ. Chị cho biết, gần đây, đã ít nhất 3 lần chị mua đu đủ về mà không ăn được. Nhưng đây là lần đầu tiên chị mua phải quả ăn có vị thuốc Tây.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoại trừ màu vàng óng ở vỏ thì các miếng đu đủ khi được bổ ra nhìn khá bình thường. Phóng viên thử cho miếng đu đủ này vào miệng nhưng mùi thuốc Tây xộc thẳng vào mũi, không thể nuốt nổi.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hoa quả có mùi thuốc có thể là do người buôn bán hoặc người trồng tiêm kháng sinh vào để giữ được quả tươi lâu hơn.
Thủ phạm là kháng sinh hay hóa chất bảo vệ thực vật?
ThS Phan Mỹ Linh, Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam cho biết, kháng sinh rất đắt trong khi đu đủ rẻ nên khó có chuyện tiêm kháng sinh vào đu đủ để giữ tươi lâu. Đu đủ hiện nay đúng là không ngon vì giống đã bị thoái hóa, quả đắng. Đôi khi đu đủ đắng cũng do người dân hái khi quả còn xanh rồi giấm ép cho chín. 
DS.BS Trần Thị Thu Hiền, Bộ môn Dược liệu, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, mùi thuốc mà phóng viên phản ánh có thể là hóa chất bảo vệ thực vật, do người dân phun lên sớm, sau đó chưa để hóa chất bay hơi hết đã thu hoạch quả, người dân mua về ăn ngay nên thấy mùi thuốc. Đu đủ chín dễ bị sâu ăn nên không loại trừ việc đã bị phun hóa chất để bảo quản. Tuy chưa được ăn quả "lạ" này, nhưng dược sĩ Hiền cho rằng, mùi thuốc sẽ giống mùi thuốc sâu phun khi lúa lên đòng.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là: khi phát hiện thấy quả có mùi lạ thì không ăn nữa. Hoa quả mua về, nên để nơi thoáng mát trong khoảng vài ba ngày, sau đó mới ăn. Như vậy dù có tồn dư hóa chất thì cũng đã bị phân hủy. 
PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) cho biết, mùi lạ có thể là thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống côn trùng, rệp, thuốc sâu, chống bọ xít… Dù là thuốc gì thì cũng khó xét nghiệm vì có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, mỗi loại lại có nhiều tên thương mại khác nhau. 
Trong điều kiện kỹ thuật xét nghiệm còn hạn chế, người dân không nên ăn hoa quả khi nhìn cảm quan thấy khác thường hoặc khi ăn thấy mùi lạ. Đừng tiếc tiền, tiếc công mua mà cố ăn, bởi như vậy dễ ngộ độc, rước họa vào thân.

Theo Bee.net.vn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)