Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhận diện và phòng ngừa sởi

Tạp Chí Giáo Dục

 

Sởi là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây rất cao, trên 90%, nếu người chưa được chủng ngừa có thể sẽ bị lây ngay. Thời gian ủ bệnh thường 8 – 11 ngày, sau đó xuất hiện sốt cao với các triệu chứng viêm long (chảy mũi, ho, mắt sung huyết), dấu Koplik…

Bé T.T.T, 1 tuổi (Hà Nội) bị sốt phát ban do sởi đang điều trị tại Bệnh viện Saint Paul. Bé T chưa được tiêm ngừa sởi – Ảnh: TT

Ban xuất hiện sau tai, lan dần hai má, cổ, ngực, tay và dần ra sau lưng, chân, đến toàn thân. Giai đoạn phát ban toàn thân khoảng 3 ngày, sau đó ban sởi bắt đầu sậm lại và biến mất. Thời gian từ khởi phát đến 4 – 5 ngày sau khi phát ban, người bị nhiễm tiết ra rất nhiều virus và bắn ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi …
Quan trọng nhất của bệnh sởi là biến chứng với tỉ lệ 10 – 20% ở các nước phát triển, còn ở các nước đang phát triển có thể lên đến 80%, thường là ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi . Các biến chứng như: viêm tai giữa (5-6%), viêm phổi (1-7%), tiêu chảy (5-9%), một trong những biến chứng nguy hiểm là viêm giác mạc gây mù. Biến chứng đáng sợ hơn nữa là viêm não: viêm não cấp sau sởi với tỉ lệ 1%, viêm não bán cấp xơ hóa, tỉ lệ ít hơn 1/300.000 và viêm não bán cấp với thể ẩn trên cơ thể người suy giảm miễn dịch. Viêm cơ tim. Sởi đen – diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân sốt cao, co giật, xuất huyết tiêu hóa dẫn đến tử vong .
Lây nhiễm: virus sởi lây lan do bệnh nhân ho, hắt hơi…, đặc biệt là 4 ngày trước và 5 ngày sau khi phát ban. Các chất tiết trong mũi, họng với hạt lớn bắn ra ngoài không khí và virus sởi hoạt động trong không khí, bay trên vùng bị nhiễm sau 2g, kể cả trong những hạt nhỏ hơn (khí dung) nên sởi lây nhiễm rất dữ dội trong môi trường đông người, trường học…
Hiện chưa có thuốc đặc trị diệt virus sởi, nên điều trị chủ yếu là chăm sóc tốt bệnh nhân, giữ vệ sinh răng miệng, da…, dinh dưỡng đầy đủ, ăn thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, không nên quá kiêng khem. Đối với trẻ em phải cho uống hai ngày liên tiếp vitamin A (ở trẻ dưới 1 tuổi: 100.000 UI, trẻ trên 1 tuổi: 200.000 UI) để giảm biến chứng mù và giảm 50% tử vong. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm ở mắt, tai và phổi (không nên dùng quá sớm khi chưa có bội nhiễm).
Để phòng bệnh: cách tốt nhất là tiêm văcxin ngừa sởi (có khoảng 5% không được đáp ứng miễn dịch), và tiêm đủ hai mũi cho trẻ (trước 12 tháng và lúc 4 – 6 tuổi). Đối với bệnh nhân đang nằm viện, phải cách ly cho đến năm ngày sau khi phát ban.
Theo Tuổi Trẻ

 

Bình luận (0)