GS Hoàng Tụy |
Chưa phải là một bản chiến lược, mới chỉ là một kế hoạch với nhiều mục tiêu xa vời – đó là nhận định của GS Hoàng Tụy về dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Trao đổi với Tuổi Trẻ, vị GS 81 tuổi đã không ngần ngại bày tỏ những suy tư không chỉ về bản chiến lược mà về cả tương lai của nền giáo dục nước nhà. Ông nói:
– Khi chiến lược ở bản dự thảo lần thứ 11, tôi có được mời góp ý kiến. Tôi cũng không muốn làm những người soạn thảo bản chiến lược thất vọng nên chỉ nói tập trung vào một ý. Đó là không nên gọi đây là bản chiến lược mà chỉ là bản kế hoạch. Một kế hoạch dài hạn cho 10-15 năm thôi. Là kế hoạch vì nó rất chi tiết, đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, với nhiều con số bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm… Ai cũng biết bây giờ chúng ta sống trong một thế giới đầy biến động, mọi thứ thay đổi liên tục. Vậy đề ra những con số, chỉ tiêu “cứng” cho 10-12 năm nữa có khả thi và liệu có cần thiết?
* Theo GS, những chỉ tiêu được đưa ra trong bản dự thảo chiến lược giáo dục là những con số duy ý chí?
99% không khả thi * Nếu bản dự thảo chiến lược giáo dục với những con số, mục tiêu như hiện nay vẫn được thông qua, theo GS, mức độ khả thi của chiến lược này đến đâu? – Hỏi câu đó tôi không trả lời được. Đó là một ẩn số tôi không dám nói giá trị là bao nhiêu. Nhưng nếu nói không khả thi, tôi nghĩ đúng đến 99%. |
– Tôi ghi nhận đó là những ước muốn tốt đẹp. Nó tốt hơn nhiều so với chiến lược phát triển giáo dục đến 2010 trước đây. Những ý định tốt đẹp trong bản dự thảo chiến lược lần này thể hiện tâm huyết với giáo dục. Nhưng nếu coi đây là một bản kế hoạch như tôi đã nói ở trên thì đây là một bản kế hoạch đầy tham vọng và sẽ không khả thi. Mục tiêu gần, phù hợp với thực tế mới có giá trị, còn những mục tiêu xa vời chẳng có ý nghĩa gì…
Tôi thiết nghĩ chúng ta chỉ cần khiêm tốn học hỏi những gì các nước đã làm nền nếp, hiệu quả rồi, học tập theo họ, đừng phiêu lưu, sáng tạo, tưởng là tạo ra cái mới lạ, một hồi sau lại phải trả giá quá đắt.
* Thưa GS, kèm theo bản dự thảo chiến lược giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có một bản thống kê các thành tựu để trả lời cho câu hỏi “Giáo dục có sa sút không?”. Những kết quả được liệt kê trong đó có thuyết phục được GS nhìn nhận, đánh giá lại về nền giáo dục hiện nay?
– Chính văn bản kèm theo mới càng thể hiện rõ tư duy quá cũ kỹ. Nhận định như thế, đánh giá như thế làm sao đưa ra cách giải quyết, có cách làm khác để giáo dục có thể phát triển được! Tôi có thể nêu một số ví dụ. Ví dụ nhận định của Bộ GD-ĐT về kết quả bồi dưỡng nhân tài cũng làm tôi ngạc nhiên khi chỉ nặng về tính đếm số HS được giải quốc tế hay các chương trình đào tạo chất lượng cao. Tôi không phủ nhận kết quả mang lại từ hệ thống trường chuyên, lớp tài năng… nhưng kết quả đó rất hạn chế. Đào tạo nhân tài không phải chỉ là đào tạo HS đi thi, được giải rồi thôi, mà cần phải xem từ đó ra được bao nhiêu nhà toán học, nhà vật lý, kỹ sư giỏi… Tóm lại theo tôi, cách đánh giá thành tích là quá cũ.
* Trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn nhận về những yếu kém và phân tích nguyên nhân của những yếu kém…
– Khi đọc phần này tôi cũng có một nhận xét vui: thành tích liệt kê hết hai trang rưỡi nhưng yếu kém chỉ hết có một trang.
Về những yếu kém mà bộ đã liệt kê, tôi có ba nhận xét: Thứ nhất, những yếu kém nêu ra không sai, đều đúng cả nhưng có điều chúng hiển nhiên quá, ai cũng thấy cả. Thứ hai là nhận định như thế rồi… sửa thế nào? Thứ ba, đó không phải là những yếu kém chính, chỉ là những biểu hiện bề ngoài. Nó hiển hiện ra ai cũng thấy, đâu phải là cái cần ngành giáo dục tự phân tích, mổ xẻ, phát hiện!
Nếu được nói về yếu kém trong giáo dục, tôi sẽ chỉ cần nói một câu: đang khủng hoảng. Không phải là khủng hoảng về số lượng, quy mô mà là về đường lối, triết lý và chất lượng giáo dục. Trong 2-3 năm qua, chúng ta thấy đã có những chuyển biến tích cực, theo chiều hướng tốt. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đó mới chỉ là những chuyển biến bên ngoài, chưa động đến những cái cốt lõi bên trong.
Giống như đối với một người bệnh đang đau trong nội tạng nhưng mới chỉ được bôi thuốc ngoài da, làm sạch, cho uống thuốc giảm đau, giảm sốt. Làm thế cũng cần, tốt nhưng chỉ tạm thời, có tác dụng một thời gian thôi, nhưng không khỏi bệnh. Các phong trào tốt nhưng không đủ mạnh để làm thay đổi. Cứ làm thế này sẽ làm chúng ta sao nhãng những vấn đề quan trọng thuộc bản chất của nền giáo dục.
Cần một cuộc cải cách giáo dục
* Tức là GS có cùng quan điểm với một số ý kiến cho rằng nhiều chỉ tiêu trong bản đề án này chưa có tính hiện thực?
– Dự thảo đang phác ra những chỉ tiêu cao. Nhưng điều tôi muốn nói không phải chỉ ở chỗ chỉ tiêu cao. Thật ra cao hay thấp còn phụ thuộc khả năng thực hiện. Cũng những chỉ tiêu này, nếu được quản lý tốt, lãnh đạo tốt có khi còn vượt…
Cái tôi muốn nói nhất ở đây là không thể xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 12 năm mà làm chi tiết số liệu như thế này. Đáng lẽ chỉ nên xây dựng tầm nhìn, trong đó phác họa một số mục tiêu lớn, một số mục tiêu chiến lược, kèm theo đó là những tư tưởng chỉ đạo, phương hướng hành động để đạt được những mục tiêu đó, chứ không chi tiết như thế này. Còn kế hoạch cụ thể chỉ nên xây dựng cho 3 năm, 5 năm và phải dựa trên thực tế, chứ không thể ngồi mà vẽ ra tương lai.
Nhận định, đánh giá như thế nào sẽ đưa ra cách giải quyết như vậy. Nếu thẳng thắn nhìn nhận sự khủng hoảng về chất, đường lối, triết lý thì cần phải có một cuộc cải cách giáo dục. Cần một cuộc cải cách để khôi phục các giá trị chuẩn mực trong giáo dục. Nhóm 24 người chúng tôi đã đề nghị có cuộc cải cách giáo dục từ năm 2004, gần đây có thêm nhiều ý kiến khác, trong đó bà Nguyễn Thị Bình cũng đề nghị phải cải cách giáo dục.
Cải cách giáo dục không do Chính phủ hay Bộ GD-ĐT ban hành được. Đó là một việc lớn, liên quan đến đất nước, toàn dân. Phải xây dựng và thông qua Quốc hội…
* Thưa GS, xin đề cập đến một nội dung cụ thể trong bản dự thảo chiến lược, đó là mục tiêu xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế và có trường ĐH lọt vào top 200 trường hàng đầu thế giới. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?
– Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế. Nhưng hiện nay, theo tôi, chỉ nên tập trung đầu tư xây dựng 1-2 trường. Bỏ tiền xây mới sẽ nhanh và phù hợp với mục tiêu hơn. Vì sao cần nhanh thì rõ rồi, phải cạnh tranh quốc tế, phải đi tắt đón đầu…
Tôi cũng tin là đến năm 2015 có thể có được trường ĐH đẳng cấp quốc tế nhưng không thể làm theo quan niệm và cách làm như bộ đang dự định. Những trường ĐH Việt – Anh, Việt – Mỹ, Việt – Nhật… nếu xây dựng được cứ xây, rất cần. Nhưng xây dựng như thế nào để thành trường ĐH của VN, theo những mục tiêu mà chúng ta cần là vấn đề phải cân nhắc, tính toán kỹ.
Đã nghèo mà bỏ ra 400 triệu USD để đầu tư vào mấy trường là đầu tư vẫn chưa tập trung và có thể không hiệu quả. Nên dồn vào làm một hay hai trường ĐH thôi. Làm một lúc ngay cũng không được, phải làm dần, xây dựng từng ngành, từng khoa, nhưng đã làm thì phải làm đủ, đạt chuẩn luôn rồi từ đó mở rộng ra. Hạ tầng có tiền là có thể làm được, khó hơn là ở xây dựng đội ngũ giảng dạy, vì thế ngoài thuê giảng viên nước ngoài, cần chọn những ngành mà lực lượng trong nước mạnh để làm trước.
Xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế còn là mục tiêu xác định. Top 200, thế giới có bao nhiêu cách xếp, ta chỉ nên tham khảo, đừng tìm cách lọt vào đó, chẳng để làm gì. Không nên chạy theo hư vinh kiểu đó. Chưa kể để lọt vào top 200 một cách xứng đáng là mục tiêu quá xa vời, ta không thể đạt được vào năm 2020.
* Xin cảm ơn GS.
THANH HÀ thực hiện
Theo TTO
Bình luận (0)