Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam (13-8-2008/13-8-2009)

Tạp Chí Giáo Dục

Vài kỷ niệm nhỏ với nhà văn lớn Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời

Là dân miền Tây nên tôi rất thần tượng nhà văn Sơn Nam, nhất là tác phẩm Hương rừng Cà Mau cùng hàng loạt các quyển sách nghiên cứu, dịch thuật khác của ông đã phản ánh bản sắc văn hóa đặc thù của miền Tây Nam bộ. Lúc sinh thời, gặp nhà văn Sơn Nam không khó, một đồng nghiệp của tôi “mách nước”: “Muốn gặp lão này, không cần hẹn trước, cứ chạy thẳng đến Nhà Truyền thống Gò Vấp vào buổi sáng là gặp ngay”. Quả thật, với “cách” này, lần đầu tiên, tôi đã hầu chuyện được với ông cho chuyên mục Thời đi học của người nổi tiếng. Vừa nghe tôi nói tên chuyên mục này, ông cười thật tươi rồi bảo: “Hay lắm, nào giờ có hàng ngàn nhà báo phỏng vấn “qua”, nhưng cậu là người đầu tiên hỏi “qua” về thời đi học đấy. Hồi đó, “qua” học văn giỏi lắm, nhờ đọc rất nhiều sách, nhất là sách tiếng Pháp và tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra, “qua” còn học giỏi môn sử và địa nữa, toàn được điểm đầu. Thầy giáo thường khen “qua” rằng: “Sau này em sẽ là nhà văn”, mà quả là đúng như vậy…”. Tôi ấn tượng nhất là đoạn ông kể: “Thời cấp I, “qua” học ở Trường xóm Sóc Xoài, làng Sóc Xanh, Kiên Giang. Gia đình “qua” lúc ấy nghèo lắm, đến trường chỉ mặc cái áo và quần tà lỏn, đi chân đất, ôm cặp hàng, đội nón bàng, tay xách bình mực có gắn dây toòng teng. Lúc ấy, không có đồng hồ nên chỉ nhắm chừng giờ để đi học; sợ trễ học nên “qua” thường đi rất nhanh mà nắp bình mực thì chỉ đậy bằng lá cây hoặc lá chuối khô, nên hay bị đổ. Vô lớp, lần nào “qua” cũng bị đòn vì tay chân dính đầy mực…”. Nhớ lần tháp tùng với ông về Gò Công – Tiền Giang, theo đoàn làm phim Con nhà nghèo phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông làm cố vấn về phong tục, ngôn ngữ, trang phục cho phim. Khi xe đưa về đến Đài Truyền hình TP.HCM, tôi lấy xe máy tình nguyện chở ông về nhà vì biết thế nào ông cũng về bằng xe ôm. Cũng nhờ hôm ấy, tôi biết được “xuất xứ” vì sao ông cả một đời đi bộ mà không hề biết chạy bất kỳ một loại xe nào. Ông kể: “Lên cấp II, ngày học hai buổi, “qua” phải đi bộ gần cả chục cây số mới tới trường. Có lần tập chạy xe đạp té mém chết, thế là sợ quá bỏ luôn…”.
Có lần ông bệnh nằm liệt giường, tôi và nhà văn Đoàn Thạch Biền đến thăm. Vừa gặp tôi, ông hỏi ngay: “Cậu còn làm Báo Giáo Dục không?”. Tôi gật đầu và khoe: “Sắp tới, cháu định xuất bản quyển Thời đi học của người nổi tiếng, có gì nhờ bác góp ý…”. Ông cười, cái miệng móm xọm: “Hay đó, “qua” sẵn sàng thôi. Cái ông Biền Áo Trắng này thời đi học của ổng cũng hay lắm đó, nhớ khai thác sâu vào…”. Nhưng rồi bận bịu với nhiều công việc, quyển sách ấy đến hôm nay mới rục rịch làm. Và lão nhà văn Sơn Nam cũng đã về với trời… Tôi nhớ mãi lời khuyên của ông: “Thời đi học của “tụi qua” ngày xưa rất vất vả, thiếu thốn nhưng “tụi qua” vẫn vượt qua và học tốt. Các cậu trẻ bây giờ sống trong một đất nước hòa bình, hiện đại, có nhiều điều kiện hơn thì hãy gắng mà học tập cho thật tốt, để làm người hữu ích cho đất nước, quê hương sau này…”.
SONG MINH
Xuất bản các đầu sách Sơn Nam bìa mềm, giấy phổ thông
Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam, thể theo nguyện vọng của nhiều bạn đọc, Nhà xuất bản Trẻ sẽ in lại các tác phẩm của Sơn Nam mà NXB Trẻ đã mua bản quyền dưới hình thức bìa mềm, giấy phổ thông để phổ biến rộng rãi. Trước mắt, 10 tựa sách (mỗi tựa in 2.000 bản) sau sẽ được thực hiện và ra mắt vào đúng ngày giỗ của nhà văn Sơn Nam gồm: Hồi ký Sơn Nam; Bốn truyện vừa; Biển cỏ miền Tây và Hình bóng cũ; Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Đình miếu và Lễ hội dân gian miền Nam; Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam; Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam; Hương rừng Cà Mau (tập 1 mới) từ truyện Anh hùng rơm đến Con rắn; Hương rừng Cà Mau (tập 2 mới) từ Con sâu cuối cùng đến Mối tình đầm lai; Hương rừng Cà Mau (tập 3 mới) từ Một cuộc biển dâu đến Yên cho được.
T.T.Q
 

Bình luận (0)