Bước sang thế kỷ 21, tuổi thọ bình quân người Việt Nam đang dần được cải thiện song tuổi trung bình khỏe mạnh của người già vẫn còn thấp. Vì thế chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn là trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội.
BS khám bệnh cho người cao tuổi tại BV Nhân dân 115. Ảnh: P.N.Q |
Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay là 75,6 (xếp hạng 56/138 quốc gia), tuy nhiên tuổi trung bình khỏe mạnh chỉ ở tuổi 66.
Phòng bệnh trước khi quá muộn
Điều này cho thấy càng về già người ta càng mang nhiều bệnh tật và tuổi trung bình khỏe mạnh vẫn chưa được nâng cao. Một lý do khiến người cao tuổi phải đối diện với nhiều bệnh tật cuối đời là do không được tầm soát và phát hiện sớm để chữa kịp thời.
Sau 4 tháng triển khai từ tháng 5 đến tháng 9 – 2017, Trung tâm Y tế Q.1 đã khám tầm soát và theo dõi sức khỏe cho 3.727 cụ cao tuổi trên địa bàn quận. Trong khuôn khổ hoạt động y tế thực hiện theo chương trình chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi, ngoài tổ chức khám sức khỏe tổng quát và chẩn đoán bệnh như siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm đường mỡ, kiểm tra sinh niệu, các y bác sĩ (BS) còn tư vấn phát thuốc và tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe phòng ngừa những bệnh thường gặp ở người cao niên.
Đó cũng là những hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong ngày hội chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với chủ đề “Phòng bệnh trước khi quá muộn” do BV Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức hướng đến ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10-2017. Tại ngày hội, TS.BS Thân Hà Ngọc Thế – Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ BV Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết, khi tuổi về già bệnh tật con người sẽ nhiều hơn do quá trình lão hóa. Ngoài những căn bệnh khác mà tuổi già như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, cơ – xương – khớp, các cụ phải chịu đựng những triệu chứng khi tuổi xế chiều như khó thở, mệt mỏi, đau đớn, rối loạn tri giác. Tuy nhiên trong thực tế những triệu chứng này thường bị bỏ qua không cần chữa trị do những quan điểm sai lầm khi nghĩ là người già thì phải có bệnh, suy yếu là chuyện tất nhiên. Đây là lý do làm cho những triệu chứng bệnh của người già thường phát hiện trễ gây nhiều khó khăn cho việc điều trị.
Con cháu phải biết chăm ông bà cha mẹ
Gần đây, ông Hồ Tấn Đãi, ngụ P.Bến Nghé, Q.1 (làm thuê) năm nay 70 tuổi thường có triệu chứng mệt mỏi, uể oải ăn ít và ngủ ít: “Tôi cứ nghĩ đó là quy luật của cuộc sống sinh, lão, bệnh, tử nên cũng không để ý. Trong tháng 8 nhờ đi khám tầm soát tại Trung tâm y tế quận tôi mới biết mình mắc thêm bệnh mỡ trong máu và suy giáp. Được BS tư vấn nay tôi mới uống thuốc đều mỗi ngày và tăng tập thể dục hơn trước đây”- ông Đãi chia sẻ. Đó cũng là câu chuyện của bà Phạm Thị Lý, SN 1956 ở P.17, Q.Gò Vấp sau khi đi khám tầm soát tại BV Gò Vấp mới phát hiện mình bị sỏi thận từ nhiều năm nay, huyết áp cũng tăng cao. Không chỉ có ông Đãi và bà Lý mà nhiều cụ cao niên sau khi được tầm soát khám sức khỏe tổng quát mới phát hiện mình mắc các bệnh của tuổi già như loãng xương, đau khớp, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Chính nhờ sự phát hiện kịp thời mà các cụ đã được BV và các thầy thuốc khám chữa bệnh và tư vấn để tìm cách đẩy lùi các căn bệnh của người lớn tuổi.
Ngoài tầm soát bệnh tật, hiện nay chính sách chăm sóc sức khỏe các cụ già dựa vào cộng đồng cũng là chủ trương đúng đắn và kịp thời của xã hội đối với người cao tuổi. Chính sách đó tập trung vào các vấn đề như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung quản lý các bệnh mãn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, nâng cao vai trò của BS gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thay đổi lối sống, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động. Nếu chất lượng dịch vụ được nâng cao thì không chỉ kéo dài tuổi thọ đơn thuần mà còn phát huy vai trò của người cao tuổi.
Năm 2017, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam” với chủ đề “Chung sức vì người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Với chủ đề năm nay, Trung ương Hội đã triển khai kế hoạch tặng các suất quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa tại 11 tỉnh, thành phố; đồng thời chỉ đạo hội người cao tuổi các địa phương tùy theo điều kiện để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người cao tuổi. |
Theo lời khuyên của TS.BS Thân Hà Ngọc Thế, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng “ăn ngon ngủ sâu”, các cụ cao niên cần được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời, vận động hợp lý và đầu óc thanh thản với tinh thần thoải mái. Người thân và con cháu cũng biết cách chăm sóc ông bà để các cụ có cuộc sống vật chất thanh đạm và tinh thần minh mẫn.
Câu nói “người già là trẻ con lần hai” là do người cao tuổi rất quan trọng về mặt tâm lý, dễ nhạy cảm và xúc động. Họ cần tình yêu thương và sự quan tâm của con cháu và người bên cạnh hơn cả vật chất. Đây cũng là điều quan trọng không thể thiếu trong việc con cháu chăm sóc sức khỏe cha mẹ ông bà. Con cháu luôn vui vẻ, tôn trọng ông bà, giữa hòa khí trong gia đình, tạo cảm giác gần gũi, ân cần. Có như vậy chất lượng cuộc sống của các cụ sẽ tăng cao dù đầu bạc răng long. “Hiện nay, dân số Việt Nam đang trong tiến trình già hóa khá nhanh. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần phải được quan tâm và nhận thức đúng đắn để giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe. Nếu chăm sóc đúng cách sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, cải thiện tâm lý và sớm kiểm soát triệu chứng sức khỏe tốt ở người cao tuổi” – TS.BS Thân Hà Ngọc Thể khuyến cáo!
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)