Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực cho ngành y tế ở ĐBSCL: Kỳ 1: Khủng hoảng thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp đào tạo nhân lực cho ngành y ở TP. Cần Thơ. Ảnh: B.Ng     
Thiếu trầm trọng bác sĩ và dược sĩ đại học đang là bài toán chưa tìm ra lời giải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do vậy việc khám, chữa bệnh tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã lâm vào tình trạng quá tải.
Từ tỉnh đến huyện nhìn đâu cũng thiếu
Thuộc khu vực ngoại thành, cách xa trung tâm thành phố, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, có 28.741 hộ, gồm 126.180 dân. Trung tâm y tế huyện vừa làm nhiệm vụ điều trị, vừa đảm nhiệm công tác y tế dự phòng nhưng cả trung tâm chỉ có 52 cán bộ, viên chức, trong đó có 7 bác sĩ, không có cử nhân điều dưỡng. Trong công tác điều trị, bác sĩ phải kiêm nhiều nhiệm vụ như khám bệnh, siêu âm, cấp cứu, điều trị nội trú. Mỗi ngày phòng khám tiếp nhận bình quân hơn 300 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm hơn 400 bệnh nhân, nhưng chỉ có 2 bác sĩ trực. Khi bác sĩ khám bệnh quá mệt, phải nghỉ một chút thì bác sĩ chuyên khoa I, Lê Thị Bé Tua, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện vào phòng khám “tiếp sức”. Theo qui định, bác sĩ trực bệnh viện 24h được nghỉ bù 24h nhưng do thiếu nhân lực nên nơi đây, bác sĩ trực chỉ được nghỉ bù vào buổi chiều hôm sau… Bác sĩ Lê Thị Bé Tua cho biết: “Từ khi thành lập vào năm 2009 đến nay, trung tâm đã 2 lần tổ chức tuyển dụng nhân sự nhưng không lần nào có bác sĩ đăng ký về”.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) mỗi ngày có gần 400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị; nơi đây có 10 bác sĩ thì chỉ 5 người đang làm việc, số còn lại đang học chuyên khoa hoặc nghỉ điều trị bệnh. 5 bác sĩ phải đảm nhận khối lượng công việc của một bệnh viện có qui mô khá lớn nên luôn phải làm việc trong tình trạng căng thẳng.
Tại nhiều tỉnh như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long… bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ mới đạt hơn 65% số bác sĩ, dược sĩ đại học theo qui định. Còn trung tâm y tế dự phòng các cấp tại các tỉnh, thành đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Theo báo cáo tổng hợp của Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đến đầu năm 2010, toàn khu vực có 8.470 bác sĩ, gần 6.000 dược sĩ đại học, trong đó gần 3% bác sĩ có trình độ sau đại học, dược sĩ: 1,82%. Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2010 chỉ tiêu về nhân lực y tế trong 10.000 dân phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học. Nhưng hiện nay, tại ĐBSCL, tỷ lệ này bình quân là 4,7 bác sĩ, và 0,3 dược sĩ đại học. Cán bộ điều dưỡng có trình độ đại học chỉ đạt 2,34%. Bác sĩ Phạm Văn Đẳng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ở tuyến tỉnh, chúng tôi có Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện TP. Sóc Trăng và Bệnh viện Chuyên khoa Lao. Tổng số bác sĩ tại 3 bệnh viện này chỉ có 200. Hiện nay Sóc Trăng cần khoảng 600 bác sĩ mới đáp ứng cho cơ sở y tế các cấp. Số dược sĩ đại học lại càng thiếu hơn, toàn tỉnh chỉ có 30 dược sĩ đại học”. Còn theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nếu tính theo mức biên chế qui định, hơn một nửa số bệnh viện cấp tỉnh và tuyến huyện tại ĐBSCL mới đạt khoảng 50% biên chế về đội ngũ bác sĩ và dược sĩ đại học”.
Bác sĩ “né tránh” không chịu về bệnh viện tuyến dưới
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vấn đề cơ bản là nhiều bác sĩ, dược sĩ đại học không chấp nhận về công tác tại tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã, bởi ngoài mức lương hạn hẹp (chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng cho bác sĩ mới ra trường), điều kiện làm việc và nâng cao chuyên môn cũng gặp khó, nhất là các trạm y tế. Xin nêu một ví dụ: Dù đạt chuẩn quốc gia nhưng trạm y tế xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, chỉ duy nhất có ống nghe huyết áp làm công cụ phục vụ công tác khám và điều trị! Bác sĩ Nguyễn Thanh Việt, Trưởng trạm y tế xã, băn khoăn: “Không có phương tiện tiền lâm sàng nên chúng tôi rất khó trong chẩn đoán bệnh. Trạm cũng được cấp một máy điện tim và một máy xét nghiệm máu nhưng không ai biết làm. Cả trạm chỉ có 4 người, trong đó một người đang học chuyên tu bác sĩ nên không còn người để cử đi học sử dụng những thiết bị trên”. Từ “nhân” này dẫn đến “quả”, đa số trạm y tế xã, phường có chỉ số thu hút bệnh nhân rất thấp. Chẳng hạn, cả năm 2010, trạm y tế xã Thới Tân chỉ có 2.084 lượt bệnh nhân đến khám, hầu hết trong đó là bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm y tế đến khám để được cấp thuốc. Mới đây chúng tôi có dịp đi cùng đoàn giám sát của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn, đến khảo sát một số cơ sở y tế tại ĐBSCL. Khi đến một trạm y tế xã ở tỉnh Trà Vinh, nơi đây chưa chuyển bảo hiểm y tế về, suốt buổi sáng đoàn làm việc, không hề thấy một bệnh nhân đến khám bệnh! Huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, có 9/10 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ, nhưng hầu như mọi người dân khi có bệnh, nếu có điều kiện, đều “chạy” đến bệnh viện đa khoa thành phố hoặc bệnh viện huyện điều trị, cho dù phải chờ đợi cả buổi mới được khám. Anh Võ Thanh Hoài, công nhân xây dựng, từ nhà (ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) đến bệnh viện đa khoa huyện hơn 10 cây số nhưng mỗi khi trong nhà có người đau, dù chỉ là nóng sốt, anh cũng đều xin phép nghỉ việc để cùng vợ đưa con đến bệnh viện huyện khám. Anh Hoài thật thà: “Trạm y tế xã tui có bác sĩ, cũng ở gần nhà, nhưng đến đó khám bệnh hổng khỏi, mà phải đi tới đi lui nhiều lần, cuối cùng rồi cũng phải đem con đến bệnh viện huyện chạy chữa mới khỏi. Hổng phải chỉ tui đâu mà bà con dưới xã cũng y vậy! Trong nhà lỡ có ai đau là mau mau thu xếp ra đây điều trị…”.
Đây cũng là nhận xét chung của tất cả bệnh nhân mà chúng tôi trao đổi khi gặp họ đang kiên nhẫn chờ trước cửa phòng khám tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc huyện. Điều này lý giải vì sao tình trạng quá tải nơi bệnh viện tuyến trên cho đến nay, vẫn chưa tìm ra lời giải, dù rất nhiều trạm y tế đã có bác sĩ phụ trách.
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)