Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực cho ngành y tế ở ĐBSCL: Kỳ cuối: Tăng quy mô tuyển sinh liệu có hiệu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Đại học Y dược Cần Thơ khánh thành đưa vào sử dụng một số khoa đào tạo mới
Thiếu nhân lực ngành y tế đang là tình trạng chung tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL. Góp phần giải bài toán trên, tại Hội nghị toàn quốc về đào tạo nhân lực cho ngành y tổ chức cuối năm 2010, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với kiến nghị của các địa phương về việc cần tăng qui mô tuyển sinh, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cho các trường đại học y dược…
Đào tạo nhiều nhưng nhận nhiệm sở chẳng bao nhiêu
Tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ, không kể diện cử tuyển dành cho bà con dân tộc Khmer, từ năm 2003 đến nay, qui mô đào tạo của trường tăng trung bình 20%/năm, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Từ năm 2008, với sự đồng ý của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, trường tăng chỉ tiêu cho hệ ngoài ngân sách, mở thêm hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội, nghĩa là đào tạo theo địa chỉ (kinh phí học tập do ngân sách địa phương chi trả) cho các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ… Đối với những diện này, điểm trúng tuyển do các tỉnh và trường bàn bạc, thống nhất, trên cơ sở điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn năm 2010, đối với tỉnh Sóc Trăng, điểm trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa diện đào tạo theo địa chỉ là 18, diện liên thông là 15… Năm học 2010-2011, trong số 1.940 sinh viên trúng tuyển nhập học thì 800 sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Qui mô đào tạo năm học 2010-2011 là 6.000 sinh viên, tăng 5 lần so với năm học 2003-2004. Nếu căn cứ theo những con số trên thì thời gian qua, số bác sĩ, dược sĩ đại học được đào tạo, bằng nhiều hình thức, tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ không ít, chỉ tính năm 2009, có gần 800 sinh viên tốt nghiệp ra trường; thế nhưng học xong, hầu như chỉ những bác sĩ diện chuyên tu mới chấp nhận trở về địa phương, còn hầu hết bác sĩ, dược sĩ, ra trường là tìm đến các thành phố lớn để làm việc, kể cả những người được đào tạo theo địa chỉ. Nghĩa là số bác sĩ này chấp nhận hoàn trả kinh phí đào tạo mà tỉnh đã cấp (hẳn nhiên là không tính phần trăm lãi suất hoặc tỷ lệ trượt giá trong số tiền này) (!). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việc bác sĩ đào tạo theo địa chỉ rồi sau đó không chịu trở lại địa phương đã tạo điều kiện cho mình đi học, hầu như là tình trạng chung của các tỉnh – thành, vì hiện nay tại những thành phố lớn, các bệnh viện đều mở thêm chuyên khoa và các loại dịch vụ, dẫn đến tăng số giường bệnh nên có nhiều nhu cầu tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ. Bên cạnh đó các bệnh viện tư cũng đang rất cần nhân lực…”. Trong bối cảnh đó, quả không dễ khi muốn giữ chân các bác sĩ tại tuyến tỉnh, tuyến huyện, và càng khó khăn gấp bội khi muốn đưa họ về các trạm y tế…
Từ thực trạng trên, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Y tế can thiệp với Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu đào tạo hệ chuyên tu cho các tỉnh – thành vì chỉ hệ này mới có thể giữ chân người được đào tạo… Một số đại biểu cũng đề nghị Bộ GD-ĐT hạ số năm công tác đối với người học chuyên tu xuống còn 2 năm, thay vì 3 năm như hiện nay. Có như vậy bài toán nhân lực y tế và mục tiêu 100% trạm y tế có bác sĩ mới có thể trở thành hiện thực.
Tìm cơ chế thích hợp cho đào tạo
Thứ trưởng Tiến cho biết: “Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có hệ đào tạo chuyên tu và đào tạo theo địa chỉ”.
Nếu chưa tìm ra được một cơ chế thích hợp, theo yêu cầu của cơ chế thị trường, thì bài toán nhân lực cao của ngành y tế vẫn chẳng thể tìm ra lời giải, và biện pháp giải quyết cũng vẫn chỉ là điệp khúc: “Xin tăng chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách, đặc biệt là hệ chuyên tu”. Cụ thể, TP. Cần Thơ là địa phương dẫn đầu khu vực về tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân: 6,4, thế nhưng nơi đây, tại các bệnh viện chuyên ngành, trung tâm y tế dự phòng các cấp, và nhiều bệnh viện huyện vẫn thiếu trầm trọng nhân lực. Do vậy không phải cứ chạy theo số lượng đào tạo là có thể đáp ứng đủ bác sĩ cho địa phương.
Thời gian qua, nhiều trường đại học y tại Việt Nam đã mở hết công suất để tăng chỉ tiêu đào tạo, đến nay số bác sĩ của Việt Nam đã gấp đôi số bác sĩ tại Thái Lan, thế nhưng bài toán thiếu nhân lực tại cơ sở y tế các cấp vẫn chưa tìm ra lời giải. Trong khi đó, qua khảo sát các cơ sở y tế tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến phân tích: “Có những nơi như Bệnh viện Y dược TP.HCM, bệnh nhân phải xếp hàng từ 2 giờ khuya để lấy phiếu khám bệnh, thì lại có không ít bệnh viện huyện mà chúng tôi đến, cả ngày chỉ có vài ba người bệnh. Lại có nơi, trạm y tế xã cách bệnh viện đa khoa huyện chỉ vài ba cây số. Như vậy có thể coi là lãng phí không, khi nhất thiết phải bố trí đủ biên chế bác sĩ, dược sĩ cho các phòng, ban, đối với những cơ sở này?”. Từ đó, theo Thứ trưởng Tiến: “Một trong những vấn đề căn cơ cần sớm giải quyết là các tỉnh, thành cần qui hoạch lại mạng lưới cơ sở y tế cho hợp lý, và không nhất thiết phải thực hiện 100% trạm y tế có bác sĩ. Đồng thời cần có biện pháp thu hút nguồn nhân lực cao như có chính sách ưu đãi về vật chất và điều kiện làm việc giúp bác sĩ phát huy và nâng cao chuyên môn. Song song đó nên coi việc đào tạo hệ ngoài chính qui chỉ là giải pháp tình thế, không nên kéo dài”. Thực tế, một số địa phương đã có những giải pháp hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến cơ sở, nổi bật là tỉnh Đồng Tháp – nơi mà tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân chỉ đạt 4,6. Bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Chúng tôi không tuyển bác sĩ cho trạm y tế mà tập trung lo cho các bệnh viện tỉnh, sau đó phân công bác sĩ luân phiên xuống các trạm y tế để hỗ trợ chuyên môn. Cách làm này giúp Đồng Tháp cơ bản có đủ bác sĩ cho các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện huyện”.
Cách làm trên cũng là mong ước của nhiều lãnh đạo bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) phân tích: “Trong khi không ít bác sĩ tại các trạm y tế ngồi không, thậm chí đánh cờ để giết thời gian thì nhiều bệnh viện huyện phải đối phó với tình trạng quá tải. Thực trạng này ngoài việc không phát huy hiệu quả đào tạo, mà còn khiến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp khó khăn. Theo tôi, trước hết là cần tập trung đủ nhân lực bác sĩ cho các bệnh viện. Còn tại trạm y tế, chỉ cần một y sĩ đa khoa giỏi là có thể đảm đương mọi công việc”. Đồng tình với đề nghị này, ông Trần Đức Thuận, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học – Đào tạo Bộ Y tế bổ sung: “Nếu chưa đủ điều kiện để có bác sĩ về tuyến xã thì các trường địa phương nên tăng cường đào tạo y sĩ đa khoa. Bộ Y Tế ủng hộ chủ trương này và sẽ tăng chỉ tiêu cho các trường. Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị các trường trung học và cao đẳng y tế: Trong đào tạo, cần nâng cao chất lượng nhằm đảm bảo nguồn lực và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở”.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Trên hết và quan trọng nhất: phải đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Không thể tăng qui mô đào tạo bằng cách hạ điểm chuẩn để tuyển đủ nguồn. Có như vậy mới không cho ra trường những bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa thành loét tá tràng! Đây là điều Bộ rất lo lắng”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)