Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nhân lực hàng không: đào tạo không kịp nhu cầu

Tạp Chí Giáo Dục

“Ngành hàng không nước ta hiện nay đang phát triển rất mạnh, áp lực về cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề nhưng áp lực nặng nhất là nguồn nhân lực, vì có tiền chưa chắc làm được”. 

​Nhân lực hàng không: đào tạo không kịp nhu cầu
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật phát biểu tại hội nghị chiều 2-6 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngành hàng không cần những lao động có tay nghề vững vàng chứ không đòi hỏi phải có nhiều kỹ sư, tiến sĩ
Ông LẠI XUÂN THANH, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định như vậy tại hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành hàng không” do Bộ GTVT tổ chức chiều 2-6 tại Học viện Hàng không Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật, ngành hàng không hiện nay đang rất phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh nhưng lực lượng nhân sự trong lĩnh vực này chủ yếu là của nước ngoài, nhân lực trong nước rất hạn chế. Hiện có hãng hàng không có đến 90% phi công phải thuê người nước ngoài.

Điều này đặt ra một bài toán lớn cho ngành hàng không Việt Nam.

“Chúng ta cố gắng làm sao phải tự chủ, tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không hiện rất cao nên chúng ta phải có trách nhiệm đào tạo nhân lực cho ngành. Nếu vẫn để tình trạng này, chi phí sản xuất của ngành hàng không rất lớn và không tự chủ lực lượng người lao động” – ông Nhật nói.

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Hải Hằng – giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam – cũng thừa nhận học viện phát triển nhưng chưa đủ để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành.

Lý giải vấn đề này, bà Hằng đưa ra các nguyên nhân chủ yếu như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở thực hành, bằng cấp trường cấp cho sinh viên không phải là chứng chỉ chuyên môn như các yêu cầu của các doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không thì cho rằng không chỉ thiếu về trình độ kỹ thuật, sinh viên ngành hàng không còn rất yếu về tiếng Anh. Đây là một hạn chế rất lớn khiến các doanh nghiệp không mặn mà nhiều với nguồn lao động trong nước.

Nhiều doanh nghiệp tuyển sinh viên vào phải bỏ tiền ra để đào tạo lại, tốn kém hơn cả đào tạo một người mới.  

Bàn về giải pháp để phát triển nguồn nhân lực hàng không, hầu hết các doanh nghiệp đều thống nhất nên đào tạo, bổ túc những kiến thức cơ bản cho sinh viên, chú trọng việc học tiếng Anh.

Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đề xuất: “Chúng ta cần phải đi thẳng vào mục tiêu, có định hướng rõ ràng, đó là tập trung vào đào tạo nghề. Hiện nước ta có đến 19.000 nhân viên hàng không. Ngành hàng không cần những lao động có tay nghề vững vàng chứ không đòi hỏi phải có nhiều kỹ sư, tiến sĩ”.

Cục trưởng còn cho rằng nên loại bỏ bậc cao đẳng, trung cấp ra khỏi hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành hàng không. Còn sau này, Học viện Hàng không phải phát triển để trở thành trung tâm nghiên cứu – ứng dụng.

Dịp này, Học viện Hàng không Việt Nam đã đón nhận giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (ATO) và ký kết hợp đồng hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng không trong nước.
 

TRẦN HUỲNH – THANH THẢO (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)