Hiện nay các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics đang thiếu trầm trọng nhân lực, cụ thể, thời điểm này thiếu 180.000 lao động và con số này là 2 triệu đến năm 2030… Thông tin trên được công bố tại diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam” do Hiệp hội DN logistics (VLA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Aus4Skills phối hợp tổ chức mới đây ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Phương (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nêu ý kiến tại diễn đàn
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Chủ tịch VLA) thông tin: Cả nước hiện có hơn 30.000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng có đến 32,4% DN có dưới 50 lao động, khoảng 18,9% DN có từ 50-100 lao động và chỉ 10,8% DN có từ 1.000 lao động trở lên. Hiện nay khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistics chỉ 10%. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong đào tạo nhân lực sẽ dẫn đến khủng hoảng thiếu lao động, điều này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
DN phải tự đào tạo nhân lực
Ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch VLA) cho biết, dự kiến đến năm 2030, ngành logistics Việt Nam sẽ thiếu đến 2 triệu lao động. Nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các trường nghề, CĐ, ĐH không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lượng. Ông Hiệp lý giải: Việc không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của ngành logistics là do xuất phát điểm của Việt Nam phát triển chậm so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân nữa là chương trình đào tạo chính quy chỉ mới thực hiện vài năm gần đây, vì vậy để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu buộc DN phải tự đào tạo. Theo ông Hiệp, xây dựng nguồn nhân lực cho ngành logistics trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức quốc tế, Chính phủ, DN, các trường nghề…
Ông Dương Quốc Việt (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định hiện DN Nhà nước ít tham gia vào lĩnh vực logistics mà chủ yếu là DN tư nhân. Để giải quyết bài toán nhân lực logistics hiện nay, Nhà nước cần ban hành chuẩn đầu ra, tạo thuận lợi để các trường mở mã nghề, thống nhất mã ngành chứ không thể Bộ LĐ-TB&XH mã này nhưng Bộ GD-ĐT thì mã khác. Những giải pháp mà ông Việt đưa ra là thiết kế chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vì hiện nay năng lực còn hạn chế, gắn kết DN trong đào tạo, cập nhật chương trình và tài liệu giảng dạy.
Theo báo cáo năm 2018 của VCCI cho thấy, 29% DN FDI khi đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi DN hoạt động nói “đáp ứng được”; 67% DN trả lời chỉ “đáp ứng được một phần nhu cầu”. Đáng lo ngại là có 74% DN cho biết rất khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật, 84% khó tuyển được vị trí giám sát… |
Ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương) cũng nhìn nhận việc đào tạo nhân lực logistics hiện tại chủ yếu ở DN, trong khi các trường ĐH và CĐ, TC không đáp ứng đủ do nhu cầu nhân lực cao. Đây là ngành có mức độ tiếp cận với đối tác nước ngoài, tác phong làm việc chuyên nghiệp nên cần tiếp cận chuẩn quốc tế, giáo trình tiên tiến để sau đào tạo có thể làm được việc.
Bỏ chi phí “khắc phục hậu quả” đào tạo
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Hồng Hải (Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ chuyển phát nhanh LITA) chỉ rõ điểm yếu của nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật để các trường quan tâm đào tạo. Ông Hải cho biết công ty tuyển nhân sự logistics từ nguồn học sinh, sinh viên mới ra trường nhưng ở bất kỳ vị trí nào cũng phải đào tạo lại. “Dù cùng hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng mỗi DN có quy mô, đặc thù riêng nên việc đào tạo lại cũng là điều bình thường. Sau thời gian đào tạo, nhân viên có được những kỹ năng cần thiết, kiến thức cơ bản thì lại nhảy việc. Tình trạng chảy máu chất xám cũng khiến chúng tôi đau đầu nhưng không thể tăng lương cao hơn nữa để giữ chân”, ông Hải chia sẻ. Để đảm bảo đủ cung ứng nhân lực cho thị trường trong thời gian tới, ông Hải cho rằng cần đa dạng hóa loại hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các trường cần xây dựng trung tâm mô phỏng thực hành tại trường, gắn kết DN.
Hầu hết các DN logistics đều cho rằng phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng, dù người lao động được đào tạo đúng chuyên ngành. Cụ thể, ông Phạm Văn Bình (đại diện một DN logistics tại TP.HCM) thừa nhận tuyển sinh viên tốt nghiệp CĐ kinh tế đối ngoại, ĐH ngoại thương nhưng để làm được việc, công ty phải đào tạo lại mới có thể bắt đầu công việc. “Chi phí “khắc phục hậu quả” từ đào tạo lại là rất lớn”, ông Bình nói. Từ thực tế này, ông Bình đề xuất cần có chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không thể mạnh ai nấy thiết kế để rồi “vênh” với DN.
Xem chi phí đào tạo là chi phí đầu tư
Bà Cao Thị Quỳnh Giao (CEO Shipping Gazette Việt Nam, thành viên Ban tư vấn đào tạo nghề logistics) than phiền: “Khi tuyển dụng nhân sự cho DN logistics, chúng tôi phải đào tạo sơ bộ từ 4-5 tuần. Vì thiếu hụt lao động, DN phải tuyển dụng học sinh, sinh viên trái ngành và mất thời gian đào tạo, sau đó có khả năng không sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực mà mình vừa đào tạo”. Theo bà Giao, nhân sự logistics không đáp ứng về chất lượng lẫn số lượng là do các trường ĐH, CĐ và TC mới tuyển sinh đào tạo chưa lâu, không đủ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghèo nàn, lạc hậu; chưa cập nhật sự phát triển của ngành vào chương trình giảng dạy; sự gắn kết của DN, nhà trường còn lỏng lẻo, chủ yếu dừng lại ở tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập…
Úc giúp Việt Nam phát triển đào tạo nghề Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam”, bà Petrina Lawson (Phó Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.HCM) nhấn mạnh: Úc có nhiều thập kỷ tích lũy kinh nghiệm phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo nghề hoạt động hiệu quả, thông qua mô hình giáo dục nghề nghiệp theo định hướng của ngành với sự tham gia tích cực của các DN, cơ quan quản lý, đại diện người lao động, hiệp hội DN và Chính phủ. Mô hình này đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông qua Tổ chức Aus4Skills, chúng tôi cam kết chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam phát triển hệ thống đào tạo nghề phù hợp. Bà Petrina Lawson (Phó Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.HCM) phát biểu tại diễn đàn |
Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với DN tham gia tích cực trong đào tạo nhân lực ngành, đặc biệt định hướng cho DN vừa và nhỏ xem chi phí đào tạo là chi phí đầu tư. Về phía các trường, cần ký hợp đồng dài hạn, trả chi phí cho DN trong đào tạo và hỗ trợ giáo viên đến từ DN. Ngoài ra, trường chủ động tìm đến DN để giới thiệu về chuẩn kỹ năng nghề mà nhà trường đang đào tạo. Việc kết nối chặt chẽ giữa DN và nhà trường xây dựng chương trình đào tạo kép để học sinh, sinh viên ra trường không chỉ có kiến thức mà còn được trang bị kỹ năng ngành nhằm tránh lãng phí khi phải đào tạo lại.
Từ phản ánh của DN, bà Lê Thị Hạnh Xuân (Phó Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) mong muốn nhận được phản hồi cụ thể về việc DN đào tạo lại những nội dung gì để nhà trường đưa vào chương trình đào tạo, không mất thời gian cũng như chi phí của DN. Đề cập đến giải pháp nhân sự logistics, ông Nguyễn Thanh Phương (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đề xuất, thay vì DN phải đi “săn” nhân lực thì hãy cùng tham gia đào tạo với nhà trường, đặt hàng với các trường để đào tạo cái mình cần.
T.Anh
Bình luận (0)