Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhân lực ngành công tác xã hội: Bài 1: “Cung” chưa đáp ứng “cầu”

Tạp Chí Giáo Dục

Với chỉ tiêu mỗi phường xã phải có từ 1-2 nhân viên CTXH, ngành CTXH đang là cánh cửa mở cho nhiều sinh viên
Mới đây, Thành đoàn TP.HCM đã ban hành kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nhân lực ngành công tác xã hội (CTXH) hệ vừa học vừa làm. Theo đó, có 300 chỉ tiêu đào tạo ở bậc ĐH, 250 chỉ tiêu bậc CĐ và 50 chỉ tiêu bậc TC nghề.
Nhiều “cánh cửa” mở
Trên thực tế, ngành CTXH là ngành mới được đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Dù từ năm 2004, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình khung đào tạo ngành CTXH bậc ĐH và CĐ nhưng phải tới năm 2010 khi Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 được ban hành mới tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH. Theo mục tiêu của đề án, trong giai đoạn 2010-2020 sẽ tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH với tổng kinh phí thực hiện là 2.347,4 tỷ đồng; đạt chỉ tiêu mỗi xã/phường/thị trấn có ít nhất từ 1-2 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức CTXH. Đây có thể coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới đầy triển vọng trên thị trường lao động.
Theo chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có rất nhiều cơ hội việc làm. ThS. Nguyễn Văn Tuyển, giảng viên Khoa CTXH Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết sinh viên ngành này ra trường có thể làm việc tại các cơ quan của ngành lao động – thương binh và xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức phi chính phủ hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội đáp ứng cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội; các công ty lớn có nhu cầu về bảo trợ xã hội…
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhu cầu nhân lực của ngành này lại luôn nằm trong thực trạng thiếu hụt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cả nước hiện có chưa tới 40 trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành này, tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên/năm. Trong khi đó, những đối tượng cần tới sự can thiệp, giúp đỡ của nhân viên CTXH lại rất đa dạng và phức tạp. Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.352 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khoảng 130.000 hộ gia đình nghèo, gần 10.000 người nghiện, 2.000 người bán dâm và khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước. Theo số liệu của Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM), đội ngũ nhân viên làm CTXH hiện chỉ có trên 5.000 người, trong đó 2.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, trung tâm cai nghiện.
Thiếu lao động có chuyên môn
Do đặc thù của ngành CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, có hành vi “lệch chuẩn” như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em đường phố, các đối tượng nghiện hút, mại dâm… nên việc các cán bộ được đào tạo theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, số nhân viên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức xã hội được đào tạo chuyên ngành này lại còn rất hạn chế. Kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo của cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên ngành này tại TP.HCM (được tiến hành trên 4.170 người) cho thấy: Chỉ có 1.037 người (chiếm 24,86%) được đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ nghề CTXH, 2.425 người có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ dài hạn về nghề này trong tương lai. Như vậy, con số nhân viên ngành CTXH chưa qua đào tạo vẫn còn quá lớn. Họ chủ yếu “dịch chuyển” từ những chuyên ngành đào tạo khác, do yêu thích CTXH nên “rẽ hướng”, thậm chí rất nhiều trường hợp do ra trường không xin được việc làm nên buộc phải “chuyển hướng” theo ngành CTXH.
Trong khi đó, những sinh viên được đào tạo theo chuyên ngành này lại còn thiếu thông tin khi đăng ký ngành học. ThS. Nguyễn Văn Tuyển cho biết, sinh viên ngành CTXH đa phần đều đến từ các tỉnh, thiếu sự tìm hiểu thông tin về ngành này. Chỉ một số em biết về ngành này qua quá trình công tác Đoàn, hoặc có người thân trong gia đình làm công việc liên quan đến ngành CTXH nên có sự định hướng cụ thể. Còn lại, phần lớn sinh viên khi được hỏi thường trả lời rằng đăng ký theo phong trào, theo sự tò mò, phán đoán chứ chưa có khái niệm rõ ràng về tính chất, công việc cụ thể sau khi ra trường.
Cũng bởi thực trạng này nên trong quá trình đào tạo sẽ có khoảng 5-10% sinh viên “rơi rụng” do thấy mình không phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nghề. Đó là chưa kể, một số ít sinh viên sau khi ra trường làm việc được một thời gian cũng tự động rút lui do thiếu nhiệt huyết, sự yêu nghề và bị sự hào nhoáng của những ngành nghề khác lôi kéo.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Sinh viên ngành CTXH đa phần đều đến từ các tỉnh, thiếu sự tìm hiểu thông tin về ngành này. Chỉ một số em biết về ngành này qua quá trình công tác Đoàn, hoặc có người thân trong gia đình làm công việc liên quan đến ngành CTXH nên có sự định hướng cụ thể…”, ThS. Nguyễn Văn Tuyển cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)