Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhân lực ngành công tác xã hội: Bài cuối: Nghề không hào nhoáng

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ngành công tác xã hội Trường ĐH Lao động (cơ sở 2 tại TP.HCM) trong ngày nhập học (ảnh chụp năm 2012). Ảnh: M.Tâm
Không giống như các ngành nghề khác, nhân viên ngành công tác xã hội (CTXH) có những đặc thù mà nếu không được rèn luyện từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên sẽ dễ gặp phải những cú sốc tinh thần khi bước chân vào nghề.
Dễ bị stress
Đặc thù đầu tiên mà bất cứ nhân viên nào cũng đều trải qua khi làm CTXH là tiếp xúc với những đối tượng dễ bị tổn thương, có hành vi “lệch chuẩn” như trẻ em đường phố, người bệnh, các đối tượng nghiện hút, gái mại dâm… Do đó, môi trường, giờ giấc làm việc, phong cách ăn mặc hay thậm chí là cách nói chuyện cũng phải theo “gu” của từng đối tượng mà họ tiếp xúc. Điều này sẽ khiến những người xung quanh, bạn bè và người thân vốn không hiểu rõ tính chất nghề nghiệp coi họ là… người không đàng hoàng, có mối quan hệ với các đối tượng xấu. Chính vì môi trường làm việc như vậy mà nguy cơ nhân viên CTXH bị lây nhiễm, phơi nhiễm các bệnh xã hội, bệnh có khả năng lây lan trong quá trình tiếp xúc với đối tượng là rất cao. Tạ Như Thao – cựu sinh viên khóa 1 ngành CTXH Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), người có thâm niên làm việc với trẻ em đường phố – cho biết tiếp xúc với đối tượng này không hề dễ. Trẻ đường phố thường có tính tự vệ cao nên chúng thường tự tạo ra cho mình một vỏ bọc khá an toàn như cung cấp thông tin giả, hỗ trợ nhau khi có người lạ tiếp xúc… Làm việc với đối tượng này, nhân viên CTXH vừa phải sàng lọc thông tin do trẻ cung cấp, tạo lòng tin để khuyên nhủ các em vừa phải đề phòng… ngón nghề móc túi có thể được các em “phát huy” bất cứ lúc nào sơ hở. Một người bạn làm việc cùng Như Thao từng bị hai đối tượng lạ mặt tấn công khi đang tiếp xúc với nhóm trẻ em đường phố. Một người khác cũng bị công an phường “hốt” 3 lần vì nghi ngờ có liên quan đến các băng nhóm tội phạm, phải nhờ cơ quan mang giấy tờ xác minh, bảo lãnh mới được ra về. Hầu hết nhân viên CTXH đều thừa nhận rằng: Họ rất dễ bị stress trong quá trình làm việc khi luôn phải suy nghĩ cách thay đổi hành vi, định hướng thân chủ của mình từ bỏ lối sống xấu để sang một hướng đi mới tích cực hơn.
Ở một khía cạnh khác, nhân viên CTXH cũng thường bị người khác hiểu nhầm là hoạt động… từ thiện khi môi trường làm việc của họ là các mái ấm, nhà mở, nơi chăm sóc những đối tượng neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật. “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng công tác từ thiện chỉ là một công việc bình thường, ai cũng có thể làm được. Vậy thì tại sao phải mất 4 năm miệt mài trên giảng đường ĐH chỉ để ra trường làm từ thiện? Chính vì lối suy nghĩ ấy nên nhân viên CTXH thường không được coi trọng, đánh giá đúng mức so với công sức và tâm huyết họ bỏ ra”, ThS. Nguyễn Văn Tuyển, giảng viên Khoa CTXH Trường ĐH KHXH& NV (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ.
Cần một trái tim “nóng”
Thu nhập không cao, môi trường làm việc nguy hiểm, người ngoài cuộc thiếu sự cảm thông… là những nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên CTXH “rơi rụng” dần sau một thời gian làm việc. Thế nhưng, đằng sau những hiểm nguy, nỗi vất vả mà các nhân viên CTXH trải qua, vẫn còn đó những con người tràn đầy nhiệt huyết sẵn sàng vượt qua mọi định kiến để cống hiến cho xã hội. Trong quá trình đào tạo, các sinh viên đều được hướng dẫn cách vượt qua stress, bộ môn thâm nhập, hỗ trợ cộng đồng… Và quan trọng hơn, các em được sớm tiếp xúc với môi trường làm việc để thấy được vai trò, ý nghĩa công việc của mình đối với xã hội. “Còn gì ý nghĩa hơn khi nơi chúng tôi đến là những nơi đang cần sự cảm thông, chia sẻ, cần sự định hướng để thay đổi số phận một con người? Chúng tôi thường bảo với nhau rằng, đây là công việc mang tính nhân văn và bất cứ ai khi dấn thân vào con đường này đều cần phải có một trái tim biết lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu những cảnh đời mà họ tiếp xúc”, anh Nguyễn Công Hằng, cán bộ Trung tâm CTXH (Thành đoàn TP.HCM), cho biết.
Ngọc Anh
Hầu hết nhân viên CTXH đều thừa nhận rằng: Họ rất dễ bị stress trong quá trình làm việc khi luôn phải suy nghĩ cách thay đổi hành vi, định hướng thân chủ của mình từ bỏ lối sống xấu để sang một hướng đi mới tích cực hơn. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)