Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành công tác xã hội: Không có “cửa” vào các cơ sở xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ có một số tổ chức hoặc dự án quốc tế có đăng tuyển nhân viên công tác xã hội. Tại các cơ sở xã hội, đa số nhân sự chưa được đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp, trong khi phần lớn sinh viên ngành công tác xã hội ra trường không được tuyển dụng.

Nhu cầu nhiều, cơ hội ít

Cả nước hiện có 42 trường đào tạo ngành công tác xã hội. Hàng năm, có khoảng 2.500 cử nhân công tác xã hội chính quy. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) TPHCM, số lượng trên là chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn quá ít trong khi nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực là rất lớn.

Dù vậy, thực tế lại đang diễn ra nghịch lý. Cho dù đang quá ít so với nhu cầu, nhưng nhân lực được đào tạo ngành công tác xã hội lại vẫn… dư thừa so với thực tế sử dụng. Số lượng các cơ sở xã hội ở nước ta hiện khá lớn, nằm trong hệ thống an sinh xã hội do ngành LĐ-TBXH quản lý. Theo Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TBXH, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội ở TPHCM chỉ có trên 5.000 người, trong đó 2.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, trung tâm cai nghiện. Kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo của cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại TPHCM tiến hành trên 4.170 người cho thấy chỉ có 1.037 người (gần 25%) được đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ nghề công tác xã hội. Thạc sĩ Lê Chí An, Phó Chủ nhiệm CLB Công tác xã hội chuyên nghiệp TPHCM, nhận xét: Trong khi đa số lực lượng nhân sự của các cơ sở chưa đạt tới trình độ chuyên nghiệp, các cơ sở thiếu hụt nhân sự chuyên môn thì phần lớn sinh viên ngành công tác xã hội ra trường không được tuyển dụng để làm đúng ngành nghề đã học. Nếu may mắn được tuyển vào làm ở đâu đó thì cũng không phát huy được kỹ năng nghề nghiệp.

Tình nguyện viên công tác xã hội hỗ trợ người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM – Ảnh: Tuấn Vũ

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay chỉ có một số tổ chức hoặc dự án quốc tế đã có đăng tuyển nhân viên công tác xã hội. Nhưng với các vị trí này, sinh viên tốt nghiệp cũng khó có thể dự tuyển vì trình độ ngoại ngữ hạn chế.

Làm gì để tránh lãng phí?

TPHCM có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.352 người khuyết tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hàng chục ngàn hộ gia đình nghèo, khoảng 20.000 người nghiện ma túy, 2.000 người bán dâm và khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ông Trần Anh Tuấn phân tích, người học ngành công tác xã hội, ra trường có nhiều cơ hội việc làm: tại các cơ quan của ngành LĐ-TBXH, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Người học sau này cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội…  Từ nay đến năm 2020, khối ngành khoa học xã hội ở TPHCM cần khoảng 17.000 người/năm, chiếm 8% tổng nhu cầu nhân lực hàng năm tại thành phố. Trong đó, nhân sự công tác xã hội cần 1.000 người/năm. Song, trên thực tế, đa số sinh viên được đào tạo chính quy ngành công tác xã hội vẫn “ế” việc. Trên 60% sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công tác xã hội phải đi làm việc khác hoặc… đi học lên cao thêm.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Trần Anh Tuấn, là nhận thức về tính chuyên nghiệp và khoa học của công việc “giúp đỡ” như nghề công tác xã hội còn hạn chế. Mặc dù với các chính sách được ban hành, từ năm 2010, ngành công tác xã hội có được danh chính ngôn thuận nhưng đến nay vẫn chưa có sự công nhận của xã hội. Nhiều người thường cho rằng đây là người đi làm từ thiện. Thực chất của nghề công tác xã hội là cung cấp dịch vụ cho người dân, giúp giảm thiểu những rào cản, bất công, giúp người yếm thế có sự thay đổi, phát triển lâu dài.

Trước thực trạng trên, tiến sĩ Thạch Ngọc Yến, CLB Công tác xã hội chuyên nghiệp TPHCM, cho rằng cần xác định vị trí làm việc và tiêu chuẩn hóa một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người yếm thế; cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước; một số chức danh ở cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tổ chức đoàn thể xã hội… Chỉ có yêu cầu đội ngũ phải có trình độ được đào tạo phù hợp với chức danh mà họ đảm nhiệm thì các cơ quan quản lý, cơ sở xã hội của Nhà nước, hay cơ sở cung cấp dịch vụ mới tuyển dụng người có chuyên môn công tác xã hội để phục vụ người dân. Từ đó, tránh được tình trạng người học không đúng nghề thì được nhận vào làm, còn người được đào tạo thì không thể chen chân, gây lãng phí.

Ở Việt Nam, từ năm 2010, công tác xã hội được chính thức công nhận là một nghề. Mục tiêu của đề án phát triển nghề công tác xã hội đến năm 2020 do Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ có khoảng 60.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội, tăng gấp đôi so với hiện nay. 

 

 

MẠNH HÒA/SGGP

 

Bình luận (0)