Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành du lịch: Thiếu một đằng, đào tạo một nẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hành tại chỗ cải thiện tình trạng học chay ở Trường CĐ Nghề Việt – Úc
Theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ước tính đến năm 2015, ngành du lịch thành phố này thiếu khoảng 16.000 lao động. Thế nhưng trên thực tế mỗi năm có một số lượng lớn sinh viên ra trường lại không tìm được việc làm.
Để cân bằng nhu cầu giữa người cần việc và việc cần người, bài toán đặt ra cho các cơ sở đào tạo là phải bắt đầu từ những khoảng trống thiết yếu cần bù lấp. Đón đầu, đi trước vấn đề này không chỉ dung hòa được cung và cầu mà còn xóa bỏ được quan niệm thầy – thợ tồn tại bấy lâu!
Nghịch lý thiếu – thừa vẫn tồn tại
Tầm 5 năm trở lại đây, du lịch Đà Nẵng được biết tới như điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Những khu resort, khách sạn, công ty du lịch lữ hành… cứ thế phát triển ngày càng nhiều và đa dạng. Nghị quyết Đảng bộ TP.Đà Nẵng cũng xác định rằng đầu tư du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Điều đó được chứng minh qua sự phát triển bền vững về du lịch của thành phố này cùng nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư lâu dài. Chỉ tính riêng năm 2013, hàng loạt khách sạn mới đi vào hoạt động như Olalani Resort & Condotel, Novotel Premier Han River, Northern Hotel, Mường Thanh Hotel, Melia Danang, Pulchra Danang, đó là chưa kể lượng khách sạn có quy mô nhỏ khác đua nhau mọc lên…
Cùng với sự phát triển ấy, con số dự báo của ngành du lịch Đà Nẵng, đến năm 2015, sẽ có khoảng gần 16.000 phòng khách sạn 4 và 5 sao, theo đó cần khoảng 20.000 lao động. Thế nhưng, theo ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì mỗi năm, các trường ĐH, CĐ, TCCN chỉ cung cấp đủ khoảng 1/5 nhu cầu nhân lực. Như vậy, ước tính đến năm 2015, Đà Nẵng thiếu khoảng 16.000 lao động trong lĩnh vực này.
Thế nhưng tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch ngoài việc các cơ sở đào tạo quá ít thì còn nhiều nguyên nhân khác. Đó là sự khủng hoảng thừa chất, thiếu lượng. Người ta rất dễ dàng nhận ra điều này bởi cứ vào mỗi mùa tốt nghiệp, sinh viên đi xin việc làm hầu hết đều muốn nộp đơn vào vị trí cao, lương cao, việc nhàn. Các vị trí còn lại cần đến tay nghề cao thì ít ai muốn vào bởi quan niệm muốn làm thầy chứ không muốn làm thợ. Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch chỉ có nhu cầu tuyển các vị trí hướng dẫn viên, lễ tân chỉ chiếm 5-15%, còn lại là các vị trí buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ… Một nguyên nhân khác theo nhận xét của các nhà tuyển dụng là nhiều sinh viên hiện nay ra trường rất yếu ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ. Và phần lớn trong số lao động mới ra trường này đều phải đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng.
Phải thay đổi tư duy đào tạo
Thời gian gần đây đã có một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đồng thời tổ chức tư vấn chọn ngành nghề cho SV; liên kết với các doanh nghiệp tuyển dụng khi SV ra trường. Hướng đi này mở ra cơ hội chọn đúng ngành nghề và lấp bớt khoảng trống thiếu hụt nhân lực do nguyên nhân thừa chất thiếu lượng như hiện nay, đồng thời tiến tới xóa bỏ quan niệm thầy – thợ đã hằn sâu bấy lâu nay. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt – Úc cho biết: Từ nhu cầu thực tế, nhà trường đã có hướng tư vấn cho SV chọn đúng ngành nghề, hiện trường có đến hơn 50% SV theo nghề chế biến món ăn. So với nhiều năm trước, ngành này luôn ít SV chọn. Hiện tại, SV ra trường có thể kiếm việc làm dễ dàng với mức lương từ 3,5-10 triệu đồng/tháng.
Mấy năm gần đây, Trường ĐH Duy Tân cũng đã đầu tư xây dựng hẳn khách sạn mini ngay tại trường, đầu tư trang thiết bị đúng chuẩn 5 sao. Từ đó những tiết dạy đã trở nên phong phú và thực tế hơn khi cả giáo viên và SV không chỉ học bằng lý thuyết mà có điều kiện thực hành ngay tại chỗ, chất lượng nhờ đó được đổi thay rõ rệt.
Có lẽ đối với mô hình đào tạo thực nghiệm này, ở các nước phương Tây đã không còn xa lạ, bởi thế ở những nước tiên tiến ấy, người thợ có tay nghề luôn được coi trọng. Việc áp dụng vào đào tạo theo mô hình này ở Đà Nẵng xem ra còn khá mới mẻ nhưng phần nào tìm ra hướng đi đúng để giải quyết việc làm cho SV. Ông Đặng Phúc Sinh phấn khởi cho biết, đã có khoảng 90-95% SV của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Được biết, hiện nay Đà Nẵng có 53 cơ sở đào tạo nghề du lịch. Thế nhưng việc lựa chọn và tư vấn cho SV chọn ngành nghề phù hợp còn hạn chế. Nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được cơ sở vật chất tại chỗ cho SV thực hành.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động và phục vụ khách du lịch; tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ là điều cần tính đến mới có thể bù lấp được khoảng trống thiếu lao động trầm trọng trong tương lai gần.
 

Bình luận (0)